Bitcoin đã có những cột mốc đầy ấn tượng trong năm nay khi lần đầu tiên vượt mốc 107.000 USD vào hôm 16/12, sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc xây dựng một quỹ dự trữ chiến lược Bitcoin cho Mỹ. Đây là một ý tưởng táo bạo và được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ nắm quyền kiểm soát thị trường Bitcoin toàn cầu, nhưng đi kèm với đó cũng là nhiều rủi ro và thách thức.
Dự trữ Bitcoin chiến lược sẽ hoạt động như thế nào?
Khái niệm “dự trữ chiến lược” không phải là mới. Đây là các kho dự trữ tài nguyên quan trọng, được chính phủ các quốc gia giữ lại để sử dụng trong các tình huống khẩn cấp hoặc gián đoạn nguồn cung. Ví dụ điển hình nhất là Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ, được thành lập vào năm 1975 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ do lệnh cấm vận của Ả Rập Xê Út.
Ngoài dầu mỏ, nhiều quốc gia còn có các kho dự trữ đặc biệt. Canada tự hào với kho dự trữ xi-rô cây phong lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc duy trì các kho dự trữ kim loại, ngũ cốc và thậm chí là thịt lợn. Việc xây dựng một kho dự trữ Bitcoin sẽ đánh dấu một bước đi mới và táo bạo trong chiến lược kinh tế của Mỹ.
Hiện tại, cơ chế xây dựng quỹ dự trữ Bitcoin vẫn đang được tranh luận. Các nhà phân tích và chuyên gia pháp lý chia rẽ về việc liệu Tổng thống có thể sử dụng quyền hành pháp để tạo ra quỹ này hay cần sự thông qua của Quốc hội. Một số ý kiến cho rằng ông Donald Trump có thể ban hành lệnh hành pháp chỉ đạo Quỹ ổn định hối đoái của Bộ Tài chính để mua và nắm giữ Bitcoin.
Một trong những nguồn Bitcoin tiềm năng là số tài sản mà chính phủ Mỹ đã tịch thu từ các hoạt động phạm pháp. Theo thống kê từ bitcointreasuries.net, hiện có khoảng 200.000 Bitcoin (trị giá khoảng 21 tỷ USD) thuộc quyền sở hữu của chính phủ Mỹ. Số Bitcoin này có thể được chuyển vào quỹ dự trữ, mặc dù quy trình pháp lý để chuyển giao từ Bộ Tư pháp vẫn còn chưa rõ ràng.
Một câu hỏi lớn là liệu chính phủ có mua thêm Bitcoin trên thị trường hay không. Để làm điều này, Mỹ có thể phải bán một phần dự trữ vàng của mình để lấy vốn đầu tư vào Bitcoin.
Hiện tại, đề xuất cụ thể nhất đến từ Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis, một người ủng hộ tiền điện tử nổi tiếng và cũng là người sở hữu 5 Bitcoin. Dự luật của bà đề xuất Bộ Tài chính mua 200.000 Bitcoin mỗi năm trong vòng 5 năm, nhằm đạt mục tiêu 1 triệu Bitcoin (tương đương 5% tổng nguồn cung Bitcoin trên toàn cầu). Kho dự trữ này sẽ được giữ trong tối thiểu 20 năm để đảm bảo tính dài hạn.
Lợi ích của dự trữ Bitcoin
Trong bài phát biểu hồi tháng 7, ông Donald Trump nhấn mạnh việc xây dựng quỹ dự trữ Bitcoin sẽ giúp Mỹ thống trị thị trường tiền điện tử, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đã đầu tư mạnh vào công nghệ blockchain và tiền điện tử quốc gia, tạo ra áp lực lớn với Mỹ trong cuộc đua công nghệ tài chính.
Ngoài ra, những người ủng hộ Bitcoin lập luận đồng tiền này có tiềm năng tăng giá trị trong dài hạn. Bằng cách nắm giữ một lượng lớn Bitcoin, chính phủ Mỹ có thể giảm thâm hụt ngân sách mà không cần tăng thuế. Thượng nghị sĩ Lummis tin rằng kế hoạch của bà có thể giúp cắt giảm một nửa nợ công trong vòng 20 năm.
Một lợi ích khác là giúp bảo vệ đồng USD khỏi lạm phát. Khi giá trị Bitcoin tăng lên, Mỹ có thể củng cố vị thế kinh tế và gia tăng đòn bẩy trước các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
Những rủi ro tiềm ẩn
Dù có nhiều tiềm năng, kế hoạch dự trữ Bitcoin cũng đối mặt với không ít chỉ trích và rủi ro. Những người hoài nghi cho rằng Bitcoin, không giống như dầu mỏ hay vàng, không có giá trị sử dụng thực tế và không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Bitcoin được tạo ra từ năm 2008 và vẫn còn là một loại tài sản non trẻ với biến động giá cực lớn. Chỉ một tuyên bố hoặc hành động nhỏ của chính phủ cũng có thể khiến giá Bitcoin thay đổi mạnh mẽ, gây ra rủi ro cho ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, các ví điện tử và sàn giao dịch Bitcoin thường xuyên là mục tiêu của tin tặc, đặt ra câu hỏi về khả năng bảo mật của quỹ dự trữ chiến lược này.
Theo Reuters