Mục tiêu năm 2045, Việt Nam có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, đóng góp 10-15% GDP

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới; trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, đóng góp 10-15% vào GDP.
Nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc-xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh là một trong những vấn đề được ưu tiên phát triển thời gian tới.
Nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc-xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh là một trong những vấn đề được ưu tiên phát triển thời gian tới.

Đây là một trong những mục tiêu được nêu rõ tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký mới đây.

Nghị quyết xác định công nghệ sinh học nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập.

Từ đó, Nghị quyết chỉ ra mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đồng thời, xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Cùng với đó, công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Còn tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đặt mục tiêu Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.

Trong nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Chính trị xác định cần tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế và tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc-xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược./.