Mua vào 200 triệu USD, KBNN sắp 'bơm' 4.600 tỉ đồng ra thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào tháng 3/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng đã bơm khoảng 5.700 tỉ đồng ra thị trường thông qua việc mua 250 triệu USD ngoại tệ.
Mua vào 200 triệu USD, KBNN sắp 'bơm' 4.600 tỉ đồng ra thị trường
Mua vào 200 triệu USD, KBNN sắp 'bơm' 4.600 tỉ đồng ra thị trường

Trong báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 16-20/5, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết thanh khoản hệ thống thời gian qua được cải thiện đáng kể nhờ vào hoạt động mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước (KBNN).

Cụ thể, KBNN thông báo thực hiện giao dịch mua ngoại tệ giao ngay đợt 3 trong năm 2022 với khối lượng 200 triệu USD từ các ngân hàng thương mại trong tuần 9 - 13/5. Với tỉ giá hiện tại, SSI ước tính thương vụ có thể bơm khoảng 4.600 tỉ đồng ra thị trường.

Trước đó, vào tháng 3/2022, KBNN cũng thực hiện bơm khoảng 5.700 tỉ đồng ra thị trường thông qua việc mua 250 triệu USD ngoại tệ. Điều này giúp lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức dưới 2%.

Trên thị trường ngoại hối, trái ngược với xu hướng tăng của các đồng tiền trong khu vực, đồng VND tiếp tục giảm giá trong tuần qua trong bối cảnh đồng USD có phần hạ nhiệt.

Theo SSI, bên cạnh những lo ngại về suy thoái kinh tế xảy ra đối với Mỹ, các nguyên nhân dẫn đến sự yếu đi của đồng USD đến từ sức mạnh từ các đồng tiền chủ chốt như Euro (EUR) và Franc Thụy Sĩ (CHF).

Cụ thể, biên bản cuộc họp tháng 4 của Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Châu Âu (ECB) cho thấy khả năng ECB sẽ bắt đầu tăng lãi suất ngay trong tháng 7 (dự kiến tăng 25 điểm cơ bản) nhằm đối phó với lạm phát. Trong khi đó, Chủ tịch NHTƯ Thụy Sĩ khẳng định sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết nhằm duy trì tỉ giá ổn định, giúp đồng CHF tăng lên đáng kể.

Trong ngày 20/5, NHTƯ Trung Quốc cũng bất ngờ hạ một số lãi suất chính sách, trong đó có lãi suất đối với khoản vay 5 năm (từ 4,6% xuống còn 4,45%) như một nỗ lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi của lĩnh vực bất động sản.

Kết tuần, các đồng tiền chủ chốt đều tăng như EUR (+1,46%), CHF (+2,66%), CNY (+1,42%). Các đồng tiền mới nổi cũng chứng kiến sự phục hồi, như: Bạt Thái Lan (THB) tăng 1,49%, Peso Philippines (PHP) tăng 0,44%, Ringgit Malaysia (MYR) tăng 0,22%.

Nguồn: Bloomberg, SSI tổng hợp
Nguồn: Bloomberg, SSI tổng hợp

Trái ngược với diễn biến của các đồng tiền trong khu vực, đồng VND tiếp tục giảm giá trong tuần qua và đã mất giá khoảng 1,5% kể từ đầu năm 2022. Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, tỉ giá USD/VND tăng 0,3% lên 23.170 đồng/USD, trong khi tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 80 đồng, kết tuần ở mức 23.000 – 23.310 đồng/USD.

Theo SSI, diễn biến này một phần đến từ áp lực từ vĩ mô (áp lực lạm phát tăng trong khi lãi suất được NHNN giữ đi ngang nhằm hỗ trợ nền kinh tế). Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, mức mất giá của VND vẫn ở trong vùng chấp nhận được (thấp hơn mức đỉnh vào tháng 3/2020).

Về dài hạn, SSI cho rằng yếu tố hỗ trợ chính cho VND sẽ đến từ nguồn cung USD tích cực từ FDI giải ngân, thặng dư cán cân thương mại và kiều hối./.