Xếp hàng từ 5h giờ sáng để mua vàng trong ngày Vía Thần Tài
Theo ghi nhận của phóng viên VietTimes, từ 5h sáng ngày 25/2/2018 (Ngày mùng 10 tháng Giêng Âm Lịch – Ngày Vía Thần Tài), trên phố Trần Nhân Tông, nhiều người dân đã đội mưa rét, xếp hàng để chờ tới lượt mua vàng.
Chị Thanh Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nghe báo chí nói mua vàng ngày này sẽ gặp may mắn cả năm, nên tôi ra đây xếp hàng ở đây từ 5h sáng, hy vọng sẽ là người đầu tiên mua được vàng trong ngày Thần Tài này”.
Các cửa hàng vàng cũng mở sớm hơn thường ngày, giá bán cũng biến động hơn so với ngày thường. Có thời điểm, giá vàng miếng SJC được đẩy lên ở mức khá cao, giá bán ra dao động từ 37,5-37,7 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC biến động ngay trong những phút đầu tiên của buổi sáng, lên tới 37,7 triệu đồng/lượng, tương đương tăng hơn 700.000 đồng/lượng so với hôm trước. Tại Tập đoàn DOJI, giá bán vàng tăng mạnh hơn 200.000 đồng/lượng, giá bán tại Hà Nội, TP.HCM ở mức 37,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào cũng được nới rất rộng so với các ngày trước, từ 500.000-800.000 đồng/lượng.
Không khí sôi động tại các cửa hàng vàng khiến có giá cả thay đổi từng giây, càng về trưa nhu cầu ngày càng tăng cao. Với tâm lý mua số lượng nhỏ để lấy may, nên ai lấy đều khá thoái mái chấp nhận mức giá mà các đơn vị kinh doanh vàng đưa ra.
Đại diện một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn nhất cho biết, dự báo lượng khách trong 2 ngày cuối tuần sẽ còn tăng nữa, khoảng 15-20 lần so với ngày thường, doanh nghiệp chúng tôi đã chuẩn bị gần 270 nghìn sản phẩm phục vụ cho ngày Thần Tài. Trong đó, vàng ép vỉ là 250 nghìn sản phẩm, có 15 nghìn sản phẩm nano, 3 nghìn sản phẩm nguyên khối. Do nhu cầu tăng cao nên DN sẽ sớm cán mốc dự kiến sản lượng bán ra trong đợt này.
Ai là người gặp được Thần Tài?
Trái ngược với hôm qua, hôm nay giá vàng trong nước đồng loạt quay đầu giảm mạnh do giá vàng thế giới lao dốc.
Mở cửa phiên sáng 26/2, giá vàng SJC được Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức 36,8 – 37,6 triệu đồng lượng (mua vào – bán ra), giảm 100.000đ/lượng. Trong khi, tại Tp. HCM, Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá niêm yết SJC ở mức 36,75 – 37,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 130.000đ/lượng so với giá hôm trước đó.
Có thể thấy một nghịch lý trong ngày Vía Thần Tài: Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn trúng đậm, thì với khách hàng mua vàng may đâu chưa thấy nhưng mua buổi sáng đến cuối giờ chiều hoặc hôm sau đã bị lỗ hàng trăm nghìn/lượng.
Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, mua vàng vào ngày Vía Thần Tài là một tập tục không nên duy trì. Theo ông, đây là một vấn đề mang tính chất kinh tế, xã hội ở Việt Nam.
Về mặt xã hội, tập tục này được du nhập từ Trung Quốc, có thể nói là mê tín dị đoan vì không có cơ sở tôn giáo, triết học, khoa học, lịch sử nào cả.
Nhiều người tin rằng, mua vàng vào ngày ngày thì sẽ được “ông Thần Tài” phát lộc cho cả năm.
“Thế những người nghèo không có tiền thì không được ông ấy chiếu cố vào bỏ qua sao?”- ông Hiếu đặt câu hỏi.
Về mặt kinh tế, Ts. Hiếu cho rằng trong ngày này “ông Thần Tài” chỉ chiếu cố riêng cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, còn đại bộ phận dân chúng sẽ là người chịu thiệt hại.
“Ngày Thần Tài đã trở thành một trong những chiêu trò của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Các cơ quan truyền thông, các tổ chức tín dụng cần phải có trách nhiệm nâng cao nhận thức của người dân để bài trừ tập tục này” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn gốc ngày Vía Thần tài?
Thần tài là vị thần cai quản của cải, đem lại may mắn cho gia chủ. Ông được nhiều gia đình, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán thờ phụng.
Theo T.S Đinh Đức Tiến thuộc khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, dân gian lưu truyền lại câu chuyện về nguồn gốc của ngày Vía Thần Tài. Chuyện kể rằng, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần đi chơi uống rượu say, ông bị rơi xuống trần gian, đầu đập vào đá nên không nhớ mình là ai. Quần áo mặc trên người bị thất lạc, ông đi xin ăn thì được một cửa hàng giúp đỡ, mời vào ăn. Sau đó, cửa hàng này ngày một đông khách mà không rõ lý do gì.
Một thời gian sau, chủ cửa hàng này thấy Thần Tài hàng ngày được ăn ngon, lại không làm gì cả, khi ăn lại dùng tay bốc, người không tắm rửa nên có nhiều mùi khó chịu. Người này bèn tìm cách đuổi Thần Tài đi. Thấy vậy, quán ăn gần đó mới mời Thần Tài vào ăn, ngạc nhiên thay quán này lại đông nghịt khách.
Để đền ơn Thần Tài, chủ quán mới dẫn ông đi mua quần áo. May mắn thay, ông lại tìm được đúng bộ quần áo mình thất lạc khi xưa. Lúc này, ông nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Hôm đó là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.
Từ đó, mọi người mới coi Thần Tài là vị thần đem lại tài lộc, may mắn và lập bàn thờ thờ ông.
Ngày Vía Thần Tài ở Trung Quốc
Nhìn sang văn hóa Trung Quốc, tập tục thờ cúng Thần Tài đã được lưu truyền từ rất lâu. Ngày Vía Thần Tài của quốc gia này là vào ngày mùng 5 tháng Giêng Âm lịch – ngày sinh nhật của Thần Tài.
Vào ngày này, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, đốt pháo hoa để xua đi những gì đen đủi năm ngoái và để nghênh đón Thần Tài. Mỗi vùng ở Trung Quốc có tập tục khác nhau, người miền Bắc thường ăn sủi cảo, còn người miền Nam ăn đậu phụ, hy vọng một năm mới làm ăn phát đạt. Nhưng tuyệt nhiên không có chuyện người dân xếp hàng mua vàng để cầu may mắn.
Với những người buôn bán kinh doanh, họ thường tổ chức lì xì cho nhân viên. Khi cúng thần tài, họ chuẩn bị một mâm trái cây, hoa quả, trà, đèn, hương, hải sản…Mâm cúng này được đặt ngay trước cửa hàng. Gia chủ cũng đặt những phong bao lì xì vào tượng thần tài để cầu may mắn, công việc kinh doanh trong năm được thuận buồm xuôi gió.