Một chuyên gia tài chính cho rằng, việc bị mua lại với giá 0 đồng, cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng đó thực tế là chịu thiệt hại vì thực tế họ đâu có được biết các cổ đông lớn đã sử dụng vốn của họ như thế nào.
“Trên pháp luật quyền của cổ đông nhỏ được xây dựng như một định chế, đó là có quyền được truy vấn ban điều hành, HĐQT của ngân hàng mình góp vốn; hay như các ngân hàng đều phải có thành viên HĐQT độc lập để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, những quyền này gần như không có thực chất trong việc bảo vệ quyền cho cổ đông nhỏ”, vị này bình luận.
Trắng tay: Cổ đông nhỏ biết kêu ai?
Vị này phân tích, trước hết là do sự hiểu biết của các cổ đông nhỏ đối với quyền của mình. “Với những ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng như GPBank, VNCB đã rất nhiều năm không có báo cáo tài chính nhưng những cổ đông nhỏ lẻ cũng không đòi hỏi. Thực tế họ có quyền này, nếu HĐQT và ban điều hành không gửi cho họ kết quả kinh doanh thì họ có quyền kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Nhưng ở Việt Nam, đến nay, chưa có cổ đông nào làm vậy”, vị này bình luận.
Một quyền nữa của cổ đông nhỏ cũng không phát huy hiệu quả, đó là thành viên HĐQT độc lập. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng lớn nhỏ đều có thành viên HĐQT độc lập nhằm bảo về các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ.
“Trên pháp luật họ được xây dựng như một định chế, nhưng trên thực tế vai trò của họ không có nhiều và không được HĐQT quan tâm. Trong HĐQT, họ không có tiếng nói nên rất khó thực hiện vai trò mình. Thực tế chứng minh các thành viên HĐQT độc lập ở những ngân hàng bị mua 0 đồng đã không làm tròn trách nhiệm là bảo vệ các cổ đông, trong đó có cổ đông nhỏ”, vị này phân tích.
Vị này còn chỉ ra một thực tế chứng minh sự hoạt động không thực chất của HĐQT nhiều ngân hàng, đó là biên bản họp HĐQT.
“Ở Việt Nam, các biên bản họp của HĐQT như cái mẫu, đã được soạn thảo sẵn rồi, khi họp xong là lấy chữ ký của các thành viên cho đủ. Những ý kiến được đưa ra trong cuộc họp không được đưa vào, mà chỉ đưa ra cái khung là có bao nhiêu phiếu trống, phiếu thuận. Trong khi các ngân hàng nước ngoài, biên bản họp HĐQT là ghi lại ý kiến của các thành viên trong cuộc họp, ghi lại những ý kiến đề xuất, ai đồng ý, ai không đồng ý”, vị này nêu thực trạng.
Vị này kết luận, chính vì như vậy nên mới có chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam, đó là báo cáo tài chính của ngân hàng nhiều năm không gửi cho cổ đông. “Như vậy thì làm sao mà cổ đông nhỏ biết được tình hình mà có ý kiến. Tại sao các ngân hàng Việt Nam lại được dung thứ điều đó? Sao không có chết ài để xử lý các ngân hàng làm sai trong việc này?”, vị này bình luận.
Theo vị này, chính vì sự quản lý lỏng lẻo này mà các cổ đông nhỏ của những ngân hàng bị mua 0 đồng thiệt hại rất lớn và không có quyền lực nào để họ tự bảo vệ lợi ích của mình.
“Điều này chỉ những người làm ở ngân hàng nước ngoài mới nhìn ra, các ngân hàng trong nước không nhìn ra. Vì họ thấy đó là truyền thống, khuôn mẫu. Thế nên cổ đông bị mua 0 đồng mới ngả ngửa ra khi biết tin và mới biết mình bị thiệt hại”, vị này bình luận.
Với những phân tích trên, vị chuyên gia này cho rằng để tránh việc cổ đông nhỏ bị thiệt hại sau những thương vụ bị mua 0 đồng như thế này, các ngân hàng cần phải được quản lý thực chất.
“Các ông chủ của ngân hàng cần phải thay đổi tư duy, quản lý ngân hàng theo đúng thông lệ quốc tế. Những quyền của cổ đông nhỏ cần phải thực chất, không thể chỉ dựng thành viên HĐQT độc lập lên cho có hình thức. Muốn như vậy, NHNN cần phải có những chế tài đủ sức răn đe và buộc các ngân hàng phải theo thông lệ quốc tế”, vị này nhận định.
Bao nhiêu ngân hàng nữa bị “xướng” tên?
Bình luận về việc mua 0 đồng những ngân hàng yếu kém, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng đây là giải pháp hợp lý nhất trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế. Từ đầu năm đến giờ mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng đã diễn ra theo đúng dự báo ban đầu của NHNN.
“Với việc 3 ngân hàng phải mua giá 0 đồng như thế này, chứng tỏ hệ thống ngân hàng Việt Nam có nhiều thành phần yếu kém. Ngoài những ngân hàng đã bị xử lý, không biết trong hệ thống còn bao nhiêu ngân hàng yếu kém nữa?”, ông Hiếu băn khoăn.
Ông Hiếu cho rằng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần phải xử lý mạnh mẽ hơn nữa, chỉ sáp nhập, mua 0 đồng như thế này không đủ thể đưa ngân hàng thành hệ thống mạnh mẽ.
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cũng hoan nghênh sáng kiến mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng của NHNN. “Tuy nhiên, đây chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng. Thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền”, ông Sanjay nhận định.
Ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cũng cho rằng quản trị ngân hàng cần phải hoạt động hiệu quả hơn, nhiều lãnh đạo ngân hàng cần phải thay đổi tư duy.
“Nhiều lãnh đạo ngân hàng chỉ tư duy lập ngân hàng để phục vụ cho lợi ích của mình thế nào, trong khi ngân hàng lập ra để phục vụ cho quần chúng. Họ phải thay đổi tư duy này, trong đó có lợi ích cho riêng mình, nhưng phải đặt quyền lợi của quần chúng lên trên”, ông Quý bình luận.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hiếu cho rằng ngân hàng hoạt động, trên thực tế chỉ có 1 đồng là của nhà đầu tư, 9 đồng còn lại là huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, do vậy cần phải đặt lại lợi ích ưu tiên.
“Nhiều ông chủ ngân hàng sử dụng ngân hàng như một công cụ để phục vụ quyền lợi cả mình, chứ không vì công chúng mà nhãn tiền là 3 ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng vì quá yếu kém”, ông Hiếu bình luận.
Theo Bizlive