|
Dự án Akari City của Nam Long. Ảnh: NLG |
Quý IV cứu vãn cả năm 2024
Cho đến trước quý IV, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) đã trải qua quãng thời gian kinh doanh kém sắc trong năm 2024, khi doanh thu chưa từng vượt quá 400 tỷ đồng/quý và gánh chịu 2 quý lỗ khá nặng.
Kết quả đến hết 9 tháng năm 2024, công ty chỉ có doanh thu thuần luỹ kế đạt 827 tỷ đồng và lãi sau thuế luỹ kế đạt 54 tỷ đồng.
Bởi vậy, khi báo cáo tài chính quý IV/2024 được công bố, thị trường không khỏi ngạc nhiên trước kết quả trên của Nam Long: doanh thu thuần đạt 6.368 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần và lãi sau thuế 1.327 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ cao vượt trội so với các quý của năm 2024, kết quả kinh doanh quý IV/2024 còn là điều chưa từng có trong lịch sử của doanh nghiệp này, bất chấp việc quý IV thường là “đỉnh” trong năm kinh doanh của Nam Long.
Điều đáng nói khác là chất lượng lợi nhuận quý IV/2024 của Nam Long rất cao, khi đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản, chứ không như một số quý phải dựa vào hoạt động tài chính.
Cụ thể, quý vừa qua, Nam Long đã ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao 2 dự án trọng điểm là Akari City (TP.HCM) và Central Lake (Cần Thơ). Trên thực tế, hai dự án này đã được mở bán thành công trước đó, góp phần quan trọng giúp Nam Long thu về số tiền người mua trả trước rất lớn, đạt hơn 4.600 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý III/2024.
Sự thành công của quý IV đã đưa Nam Long từ chỗ kinh doanh sa sút vụt lên thành đơn vị dẫn đầu thị trường miền Nam khi kết thúc năm 2024 với doanh thu thuần đạt 7.196 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.381 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,2 lần và 72% so với năm trước, vượt 8% kế hoạch doanh thu và vượt 1,2% kế hoạch lãi sau thuế thuộc về công ty mẹ.
Đây cũng tiếp tục là những kỷ lục của Nam Long khi doanh thu “lập đỉnh” lịch sử và lãi sau thuế cao thứ hai (chỉ sau năm 2021). Trong số này, chỉ riêng quý IV đã đóng góp tới 88,5% về doanh thu và 96,1% về lợi nhuận.
Triển vọng 2025 có sáng sủa?
Sự thành công của quý IV/2024 cho thấy Nam Long cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tính đến ngày 31/12/2024, công ty vẫn còn 3.203 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn. Đây là nguồn “lương khô” khá lớn cho các lần ghi nhận doanh thu tiếp theo trong năm 2025.
Dù vậy, bức tranh tài chính của Nam Long không hẳn toàn điểm sáng. Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của công ty đạt 30.308 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm, nhưng có 59,3% trong số đó là hàng tồn kho, chủ yếu là các dự án bất động sản đang xây dựng.
Giá trị và tỷ trọng của tồn kho quá lớn là một yếu tố có thể gây rủi ro cho hoạt động của Nam Long, nhất là trong giai đoạn khó khăn về tiền bạc và trong bối cảnh có những dự án chậm tiến độ kéo dài do các vướng mắc pháp lý.
Điều này giải thích vì sao năm 2024, Nam Long lại đẩy mạnh việc thu hồi các khoản đầu tư, cho vay, khiến dòng tiền đầu tư dương 1.028 tỷ đồng. Song song với đó là việc công ty đẩy quy mô dòng tiền vay/trả lên 4.860 tỷ đồng/3.993 tỷ đồng, tăng lần lượt 55% và 78% so với năm trước, khiến tổng dư nợ vay đến ngày 31/12/2024 đạt 6.961 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.
Việc này khiến chi phí tài chính năm 2024 đã tăng thêm 12% so với năm trước, đạt 331 tỷ đồng. Còn chi phí lãi vay đã chi ra trong năm lên tới 512 tỷ đồng.
Điều an ủi là đến ngày kết thúc năm 2024, Nam Long đã có được một lượng tiền rất lớn, đạt 6.235 tỷ đồng, tăng 73% so với đầu năm, tương đương 20,5% tổng tài sản.
Mặt khác, nhờ vốn chủ sở hữu dày dặn, đạt 14.566 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,08 lần. Điều này giúp Nam Long có được căn cơ để tiến vào năm 2025.
Với những số liệu ở thời điểm hiện tại, Nam Long được đánh giá có triển vọng tương đối tốt trước thềm năm mới. Tuy nhiên, thị trường vẫn phải chờ thêm một nhịp, khi số liệu kiểm toán được công bố vào cuối quý I/2025 cùng kế hoạch kinh doanh được trình tại đại hội đồng cổ đông - mới có thể biết Nam Long có sức mạnh thực sự thế nào.