Môi trường sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đang dần trưởng thành?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Những năm gần đây, với nỗ lực làm lành mạnh hóa nền kinh tế trong nước, môi trường sở hữu trí tuệ (SHTT) của Trung Quốc đang dần có sự hoàn thiện và trưởng thành.
Một thương hiệu thời trang lớn bị doanh nghiệp Trung Quốc đạo nhái (Ảnh: Cafe F)
Một thương hiệu thời trang lớn bị doanh nghiệp Trung Quốc đạo nhái (Ảnh: Cafe F)

Nhiều doanh nghiệp quốc tế chịu thiệt phi lý ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, các nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu thường bị các doanh nghiệp địa phương đánh bại, với kết quả cực kỳ vô lý.

Tesla thành lập và đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ từ năm 2003. Nhưng 3 năm sau, vào tháng 9 năm 2009, một người đàn ông tên là Zhan Baosheng ở Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu Tesla tại thị trường tỷ dân này và được chính quyền địa phương công nhận quyền sở hữu.

Tesla đã từng bị một công ty Trung Quốc "ăn cắp" nhãn hiệu (Ảnh: AI Jazeera)
Tesla đã từng bị một công ty Trung Quốc "ăn cắp" nhãn hiệu (Ảnh: AI Jazeera)

Cho đến tháng 4/2014, khi Tesla chuẩn bị giao đơn hàng đầu tiên từ Mỹ sang Trung Quốc, ông Zhan Baosheng đã gửi đơn đến hải quan Trung Quốc yêu cầu ngăn chặn hoạt động xuất khẩu của Tesla với lý do Tesla Mỹ đã vi phạm sở hữu nhãn hiệu và đòi Tesla trả cho mình số tiền là 24 triệu nhân dân tệ (3,8 triệu USD). Đến tháng 8/2014, Tesla thông báo đã giải quyết "thân thiện và dứt điểm" tranh chấp nhãn hiệu ở Trung Quốc.

Người phát ngôn cho biết, ông Zhan đã đồng ý để chính quyền Trung Quốc hủy bỏ các nhãn hiệu mà ông ta đã đăng ký và "Tesla không phải chịu bất cứ chi phí nào". Tuy nhiên việc chuyển giao tên miền tesla.cn và teslamotors.cn lại là một thỏa thuận khác, và Tesla đã từ chối tiết lộ chi tiết tài chính. Mặc dù không thua kiện nhưng chắc chắn Tesla phải bỏ ra một lượng chi phí lớn để giải quyết.

Vụ việc của Tesla chỉ là một trong vô số những vụ việc mà doanh nghiệp địa phương của Trung Quốc luôn thắng hay được lợi trong những tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, nhà bán lẻ Nhật Bản Muji đã từng chịu nhiều cay đắng trong cuộc tranh chấp nhãn hiệu ở Trung Quốc. Không những phải nộp phạt 626.000 nhân dân tệ (89.000 USD), sau khi bị bác đơn kháng cáo về vi phạm nhãn hiệu của một công ty Trung Quốc, Muji còn bị yêu cầu đăng lời xin lỗi công khai vào năm 2019. Hay trước đây, Apple đã từng thua kiện trong vụ kiện nhãn hiệu iPhone và phải bỏ ra 60 triệu USD để lấy lại quyền sử dụng tên iPad ở Trung Quốc.

Cho đến những chiến thắng gần đây của các doanh nghiệp nước ngoài

Thắng lợi của hãng giày Blahnik của Tây Ban Nha vào tháng 7 vừa rồi là một chiến thắng mang tính biểu tượng với những phán quyết tương đối có lợi cho các thương hiệu quốc tế.

Hãng giày Manolo Blahnik, Tây Ban Nha đã mất đến 22 năm để giải quyết vụ kiện với một công ty Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)
Hãng giày Manolo Blahnik, Tây Ban Nha đã mất đến 22 năm để giải quyết vụ kiện với một công ty Trung Quốc (Ảnh: Financial Times)

Trong vụ việc, hãng giày Blahnik của Tây Ban Nha đã kiện doanh nhân Fang Yuzhou vì hành vi xâm phạm nhãn hiệu Manolo Blahnik của mình. Để chiến thắng trong vụ kiện lần này, các luật sư của hãng giày Blahnik đã sử dụng những nghiên cứu lưu trữ của thư viện quốc gia Bắc Kinh để chứng minh rằng Manolo Blahnik đã xuất hiện ở thị trường Trung Quốc từ trước khi Fang đăng ký nhãn hiệu này.

Các luật sư của Manolo Blahnik cũng cử một nhóm người đến mua giày ở cửa hàng của Fang và trình bày những phát hiện của họ trước tòa án. Ông Edward Chatterton, đồng sở hữu của hãng luật DLA Piper, luật sư trong vụ kiện, cho biết: “Fang là một doanh nhân thường xuyên lợi dụng các thương hiệu của bên thứ ba.” Trước tình hình đó, những luật sư của phía ông Fang đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Ông Chatterton cho biết thêm: “Phán quyết của tòa án về vụ việc lần này cho thấy sự phát triển của hệ thống tư pháp Trung Quốc trong vòng 20 năm qua. Nền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã trở nên trưởng thành hơn so với trước đây và đây là quốc gia mà các chủ sở hữu thương hiệu có thể kinh doanh và đạt được thành công”.

Trung Quốc đang thực hiện nhiều thay đổi mang tính chiến lược để củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào hệ thống pháp luật của nước này. Các nhà phân tích cho rằng, luật nhãn hiệu sửa đổi của Trung Quốc năm 2019 là nguyên nhân chính khiến cho hàng loạt những thương hiệu thời trang nước ngoài chiến thắng trong các vụ kiện gần đây.

Ông Chatterton nói: “Thực tế, sau khi bị xử thua một cách phi lý ở những vụ kiện tụng với các doanh nghiệp địa phương, nhiều thương hiệu quốc tế đã chuyển một lượng lớn tài sản của họ ra khỏi thị trường Trung Quốc. Những trường hợp đó có khả năng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nước này”.

Đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang lâm vào cảnh khó khăn. Các biện pháp đóng cửa biên giới đã khiến cho các giám đốc điều hành nước ngoài không thể trực tiếp điều hành các nhà máy, xí nghiệp và những khoản đầu tư trở nên chậm lại.

Trong một cuộc khảo sát tháng 6 được công bố tuần trước, bà Lena Sellgren, nhà kinh tế trưởng của Business Sweden (công ty được tài trợ bán phần bởi chính phủ Thụy Điển), cho biết: “Các doanh nghiệp đang bớt dần sự ưu ái đối với thị trường Trung Quốc. Các nhà sản xuất Thụy Điển đang thu hẹp lại việc thu mua hàng hóa trung gian ở Trung Quốc, đồng thời tăng lượng mua ở những nơi khác ”. 41% trong số những doanh nghiệp Thụy Điển được khảo sát cho biết họ sẽ giảm quy mô mua hàng của các nhà cung cấp Trung Quốc trong ba năm tới.

Vào tháng 1 năm nay, Công ty tư vấn quản lý của Mỹ Bain & Co dự đoán rằng Trung Quốc sẽ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2025. Tuy nhiên, kể từ đó, chính sách zero-Covid và cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc vào năm ngoái đã làm nền kinh tế nước này lung lay, đồng thời gây hạn chế đáng kể đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng nước này. Trong tình cảnh đó, các thương hiệu quốc tế cũng đang tăng cường đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của họ ở thị trường Trung Quốc để đưa ra quyết định mở rộng hay thu hẹp về lâu dài.

Cùng với thắng lợi của hãng giày Tây Ban Nha vào tháng 7 này, những năm gần đây, những thương hiệu quốc tế cũng đã liên tiếp giành được một số thắng lợi thuyết phục tại thị trường Trung Quốc. Cuối năm 2020, cựu ngôi sao NBA Michael Jordan đã thành công ngăn chặn một nhà sản xuất đồ thể thao Trung Quốc có tên là Qiaodan Sports sử dụng nhãn hiệu của mình. Thêm vào đó, năm ngoái, New Balance cũng nhận được bồi thường thiệt hại trong một vụ kiện chống lại hai công ty địa phương bắt chước logo hình chữ “N” của nhãn hiệu này.

Mặc dù vậy, một câu hỏi được đặt ra đó là liệu các doanh nghiệp quốc tế có nên nỗ lực kiện tụng ở một thị trường nổi tiếng về hàng giả, hàng nhái như Trung Quốc hay không. Sau vụ kiện năm ngoái, New Balance chỉ được đền bù 25 triệu NDT (3,6 triệu USD). Trong khi đó, hãng giày Manolo Blahnik đã mất đến 22 năm để giải quyết được vụ kiện với chi phí theo kiện khổng lồ.

Theo TheLEADER