|
Mao Hiểu Phong, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Dân Sinh. Ảnh: Sina |
Ngày 31/1, Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc ra thông báo cách chức bí thư đảng ủy Ngân hàng Dân Sinh (Minsheng) của tổng giám đốc Mao Hiểu Phong, Caixin cho biết. Theo báo này, ông Mao trước đó đã bị Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương (CCDI) bắt giữ để điều tra về các nghi vấn tham nhũng liên quan đến Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng Trung ương đảng.
Mối liên hệ với gia đình Lệnh Kế Hoạch
Theo Huanqiu, trước khi bị bắt, Mao Hiểu Phong được đánh giá là một lãnh đạo ngân hàng đầy triển vọng với phong cách làm việc quyết đoán. "Ông ấy luôn yêu cầu nhân viên việc hôm nay không để ngày mai. Làm việc liên tục 15 tiếng mỗi ngày là chuyện bình thường", một đồng nghiệp của Mao cho biết.Mao Hiểu Phong, 43 tuổi, tổng giám đốc ngân hàng trẻ tuổi nhất Trung Quốc, là quan chức tài chính cấp cao nhất bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Trước khi gia nhập Ngân hàng Dân Sinh năm 2002, Mao có thời gian dài công tác tại Trung ương đoàn. Đây cũng là đơn vị công tác của Lệnh Kế Hoạch trước khi cựu chính khách này chuyển lên Văn phòng Trung ương đảng.
Tuy nhiên, mối liên hệ mật thiết giữa Lệnh và Mao bắt nguồn từ thời gian hai người cùng học cao học tại Đại học Hồ Nam vào năm 1994. Giai đoạn 1999-2002, với sự hậu thuẫn của Lệnh Kế Hoạch, Mao Hiểu Phong thăng tiến từ trưởng phòng tổng hợp Văn phòng Trung ương Đoàn, lên đến trợ lý giám đốc Trung tâm Phát triển Thực nghiệp. Cũng trong thời gian này, Mao có thêm bằng thạc sỹ quản lý tại Đại học Harvard.
Năm 2002, Mao Hiểu Phong bất ngờ chuyển công tác từ Trung ương Đoàn sang làm phó chủ nhiệm Văn phòng Tổng giám đốc Ngân hàng Dân Sinh. Theo Sina, việc điều động Mao cho thấy ý định mở rộng mạng lưới thân tín sang lĩnh vực tài chính ngân hàng của Lệnh Kế Hoạch. Cũng trong năm đó, tại Đại hội 16 của đảng Cộng sản Trung Quốc, Lệnh được bầu làm ủy viên dự khuyết trung ương.
Năm 2008, Mao được đề bạt làm phó tổng giám đốc, là thành viên trẻ tuổi nhất trong ban lãnh đạo ngân hàng. Tháng 8/2014, Mao được bầu làm bí thư đảng ủy, rồi được thăng làm tổng giám đốc.
Trong thời gian Mao lãnh đạo Ngân hàng Dân Sinh, ngân hàng này trở thành một trong những đối tác của Tổ chức Thanh niên Trung Quốc Lập nghiệp (YBC), một quỹ do vợ Lệnh Kế Hoạch là Cốc Lệ Bình sáng lập năm 2003.
Sina dẫn nguồn tin nội bộ cho hay, Mao còn thành lập Câu lạc bộ phu nhân trong Ngân hàng Dân Sinh. Theo đó, vợ của các quan chức cao cấp được ngân hàng tuyển dụng trên danh nghĩa và được trả lương hậu hĩ. Với sự giới thiệu của Mao, Cốc Lệ Bình từng làm việc ba năm tại một công ty con của ngân hàng. Vợ của cựu phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung ương Tô Vinh là bà Vu Lệ Phương cũng từng được mời làm chủ nhiệm Ủy ban Kế toán của Hội đồng quản trị.
Lệnh Kế Hoạch và Tô Vinh là hai thành viên chủ chốt của hội Tây Sơn, một hội kín quyền lực, với thành viên là các quan chức cấp cao có quê tại tỉnh Sơn Tây. Nhưng nhóm này đã thất thế sau tai nạn siêu xe của con trai Lệnh.
Tảng băng chìm tham nhũng
|
Mao Hiểu Phong thành lập Câu lạc bộ phu nhân trong Ngân hàng Dân Sinh, mà Cốc Lệ Bình (phải), vợ của Lệnh Kế Hoạch, là một thành viên. Ảnh:Ifeng |
Giới phân tích nhận định rằng vụ việc của Mao chỉ là phần nổi của tảng băng chìm liên minh tham nhũng giữa quan chức cấp cao và giới tài chính ngân hàng tại Trung Quốc.
"Cho đến nay, Mao là quan chức tài chính cấp cao đầu tiên bị điều tra sau vụ việc của Lệnh. Nhưng tôi cho rằng ông ấy sẽ không phải là người cuối cùng, rất nhiều quan chức tài chính ngân hàng khác sẽ là mục tiêu bị nhằm tới", South China Morning Post dẫn lời Giáo sư Mã Quốc Hiền, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Tài chính Kinh tế Thượng Hải, bình luận.
Giáo sư Mã cũng cho hay Ngân hàng Dân Sinh trên danh nghĩa là ngân hàng tư nhân, nhưng không có một đại cổ đông nào có đủ quyền lực và quyền quyết định nằm trong tay ban lãnh đạo mà hầu hết là đảng viên. "Các quan chức tham nhũng có thể lợi dụng ngân hàng này như một công cụ để tiến hành các giao dịch tiền - quyền", chuyên gia này nói.
Cùng chung nhận định trên, Giáo sư Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Công nghiệp Bắc Kinh cho rằng việc chính phủ kiểm soát ngành tài chính ngân hàng luôn tiềm ẩn nguy cơ các quan chức tham nhũng can thiệp vào hoạt động của ngân hàng.
"Hệ thống ngân hàng có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho các thủ đoạn độc quyền, bởi chính phủ cho phép quan chức của đảng đưa ra các quyết định. Điều này dẫn đến hiện tượng quan tham coi đây là kho bạc riêng của mình mà tham ô tài sản quốc gia", Giáo sư Hồ bình luận.
Để chứng minh cho hiện tượng trên, chuyên gia này cho biết Ngân hàng Bắc Kinh có hàng chục cổ đông dưới 18 tuổi. Trong đó, một trong các cổ đông chính của ngân hàng này là một em bé một tuổi.
"Các báo cáo về hiện tượng cổ đông trẻ em ở Ngân hàng Bắc Kinh đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại thủ đô trong những năm qua. Tôi tin rằng hệ thống ngân hàng sẽ là mục tiêu bị điều tra trong năm nay", chuyên gia Hồ nhận định.