Các nhà lãnh đạo châu Phi và nhiều nước phương Tây, trong đó có Pháp, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu hôm qua (15/5) đã có mặt tại thủ đô Abuja, Nigeria để tham dự Hội nghị an ninh cấp cao khu vực lần thứ 2, thảo luận về cuộc chiến chống nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Dù quốc tế đã đạt được những bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố này, song Boko Haram vẫn được xem là một trong những mối đe dọa hàng đầu với an ninh khu vực và quốc tế.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế đã thảo luận về cách thức nhằm chấm dứt những hành vi tàn bạo của Boko Haram, đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người từ năm và buộc hơn 2,6 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Dù cuộc chiến chống Boko Haram đã đạt được nhiều bước tiến, song việc triển khai từ giữa năm ngoái lực lượng quân sự hỗn hợp đa quốc gia, với sự tham gia của khoảng 8.500 binh sĩ chủ yếu là từ Nigeria và các nước châu Phi láng giềng vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là sự phối hợp giữa quân đội các nước.
Tuyên bố chung sau hội nghị khẳng định, dù “đế chế Boko Haram” đã bị suy yếu, song cộng đồng quốc tế vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa cả về tài chính và quân sự nhằm chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của nhóm khủng bố này và hỗ trợ người dân khu vực đối phó với tình hình nhân đạo ngày càng đáng lo ngại.
Tham dự cuộc họp, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp một lần nữa kêu gọi chính phủ các nước châu Phi không nên hạ thấp cảnh báo chống nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram, kêu gọi cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa nhằm hỗ trợ nhân đạo và phát triển cho các nước chịu ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond thừa nhận, những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống Boko Haram là rất ấn tượng, song nhóm khủng bố này vẫn là một mối đe dọa lớn, đồng thời cảnh báo mối liên hệ đang ngày càng rõ ràng giữa Boko Haram và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Ông Hammond nói: “Mối liên hệ giữa nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Boko Haram tại khu vực đang ngày càng trở nên rõ ràng, với những mối nguy cơ ngày càng lớn. Trong khi IS đang phải chịu những sức ép ngày càng tăng tại Syria, thì lại xuất hiện một mối nguy cơ thực sự rằng chúng đang tăng cường các nỗ lực mở rộng tại khu vực, với sự hỗ trợ của Boko Haram”.
Chia sẻ quan điểm này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho rằng, chiến thắng trên chiến trường là không đủ, cộng đồng quốc tế và khu vực cần một cách tiếp cận “bền vững và toàn diện” để Boko Haram không thể phục hồi, cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ.
Bà Mogherini nhấn mạnh: “Chúng ta không thể giành chiến thắng nếu không có những trường học và bệnh viện tốt, tăng cường các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm là cho giới trẻ, cả nam và nữ. Một sự lãnh đạo hiệu quả của các các cấp chính quyền nhằm chống lại tham nhũng và một hệ thống luật pháp công bằng cho tất cả mọi người cũng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để truy quét tận gốc những kẻ khủng bố”.
Kể từ khi Tổng thống Muhammadu Buhari lên nắm quyền tại Nigeria hồi đầu năm ngoái, quân đội nước này đã giành được nhiều chiến thắng quân sự trước Boko Haram và ông Buhari mới đây đã tuyên bố, về mặt kỹ thuật, nhóm nổi dậy đã bị đánh bại.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm nổi dậy vẫn còn khá mạnh và thường xuyên tiến hành các vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 13/5 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo mối liên hệ giữa Boko Haram và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.