Và sự gay cấn đang chờ đợi sự bứt phá của các doanh nghiệp trong nước nhằm cạnh tranh với các đại gia ngoại đang tăng tốc mở rộng.
Tăng tốc mua lại, mở mới
“Tôi đã thay mặt các cổ đông khác để quyết định bán 100% cổ phần của Công ty CP đầu tư An Phong, chủ thương hiệu Maximark, cho Tập đoàn Vingroup chỉ sau hai tuần thương thảo. Dù đã gầy dựng 20 năm, nhưng khi bán Maximark tôi không tiếc vì đây là thời điểm thích hợp để làm điều này” - bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, cổ đông lớn nhất của Maximark, đề cập về thương vụ khá đình đám và bất ngờ hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Cùng với Citimart, thương hiệu Maximark là một trong hai thương hiệu bán lẻ đầu tiên do các doanh nghiệp tư nhân trong nước thành lập và quản lý từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau khi Citimart đồng ý bán cho Aeon - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - 49% cổ phần của mình dưới hình thức hợp tác, đồng thời đổi tên thành “Aeon Citimart” hồi cuối năm 2014, có thể hiểu thương hiệu siêu thị do tư nhân Việt làm chủ không còn nhiều nữa.
Vingroup kể từ khi lấn sang lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn tư nhân này cũng liên tục mở mới thêm nhiều siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng với quy mô lẫn tốc độ chóng mặt. Sau gần hai năm gia nhập thị trường bán lẻ, đến nay Vingroup đã có trong tay 125 điểm bán dưới tên gọi VinMart và VinMart+, chưa kể 12 trung tâm thương mại có thương hiệu Vincom và Vincom Mega Mall.
Mua lại Maximark, Vingroup sẽ sở hữu thêm chín siêu thị sẵn có của An Phong rải khắp TP.HCM, Biên Hòa, Tuy Hòa, Cam Ranh, Nha Trang, trong đó TP.HCM nhiều nhất với bốn siêu thị vốn đã có sẵn lượng khách rất đông và ổn định từ nhiều năm qua.
Có tốc độ mở mới không kém cạnh Vingroup là Saigon Co.op. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này vừa khởi công Co.opmart Gò Công (Tiền Giang) với vốn đầu tư 70 tỉ đồng, nâng tổng số điểm bán lẻ hiện có của Saigon Co.op lên đến 360 điểm. Và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm hai siêu thị nữa, trong đó hình thức siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi chiếm đa số.
Khối ngoại phình to
Khi dãy tường rào phía trước siêu thị E-mart trên đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp được dỡ bỏ giữa tháng 10-2015, hình ảnh một đại siêu thị khang trang đang dần hoàn thiện hút mắt người đi đường. Bà Phạm Thị Hà, ngụ P.5, Q.Gò Vấp, cho biết gần đây những người trong xóm bà không ngừng bàn tán về những đại siêu thị sắp mở gần nhà mình.
Sống ở khu này lâu năm, hằng ngày bà quen việc chợ búa ở những sạp quán ven đường, chợ tạm gần nhà. Nhưng sắp tới, người dân ở đây có thêm sự lựa chọn khác khi khu vực này có đến ba siêu thị lớn, trong đó hai siêu thị sắp được đưa vào hoạt động. Tất cả đều cách nhà bà trong bán kính chưa tới 2km.
E-mart là nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc và đây là siêu thị đầu tiên của tập đoàn này ở thị trường VN. Tuy nhiên từ năm 2011, E-mart đã nghiên cứu thị trường VN bằng cách lập một liên doanh bán lẻ tại VN. Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư tháng 3-2015, đại diện E-mart khẳng định sẽ phát triển lâu dài ở VN.
Trước đó, “đồng hương” của E-mart là hệ thống Lotte Mart cũng khá thành công với 11 siêu thị, trong đó siêu thị mới nhất vừa được khai trương ở Cần Thơ hồi giữa tháng 10-2015. Theo đại diện Lotte Mart, tốc độ mở siêu thị của họ lẽ ra còn nhanh hơn nếu như không vấp phải một số thủ tục liên quan đến giấy tờ, hành chính. Dự kiến hệ thống này sẽ tăng lên 60 siêu thị trước khi kết thúc năm 2020.
Sự thành công của nhà bán lẻ Nhật Bản Aeon tại VN đang được các nhà đầu tư Nhật Bản ca ngợi như là điểm sáng tiêu biểu khi đi làm ăn ra bên ngoài. Theo ông Yasuo Nishitohge - tổng giám đốc Aeon VN, số vốn đầu tư của Aeon tại VN đến thời điểm hiện tại ước 220 triệu USD.
Hiện Aeon có ba siêu thị tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội và dự kiến vươn tới 20 Aeon mall trước năm 2020, khi đó khoản đầu tư “rót” cho thị trường VN sẽ lên đến 1 tỉ USD.
“Chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi ra vùng ven và ngoại thành, tập trung vào mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp ở các khu vực trọng điểm TP.HCM và Hà Nội, sau đó sẽ mở rộng ra những thành phố trung tâm khác như Đà Nẵng, Cần Thơ...” - ông Yasuo Nishitohge nói.
“Quyết định mở rộng đầu tư của các đơn vị trong nước ở thời điểm này là hết sức phù hợp, nhằm tạo đối trọng cần thiết cho việc duy trì và giữ vững thị phần”
Ông Nguyễn Thành Nhân (tổng giám đốc Saigon Co.op)
Có lẽ bộc lộ rõ sự quan tâm đến thị trường bán lẻ VN chính là nhà đầu tư Thái Lan. Liên tiếp các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) khủng của nhà đầu tư nước này đã diễn ra trong năm 2014, như: Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua 19 trung tâm của Metro Cash & Carry VN với giá 655 triệu euro, hay Central Group hoàn tất mua 49% cổ phần hệ thống điện máy Nguyễn Kim... Bên cạnh đó, nhà đầu tư Thái còn công bố chiến lược phát triển dài hạn tại VN với nhiều loại mô hình bán lẻ sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Lo cho hàng nội
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, sân chơi bán lẻ của VN đã được phân định khá rõ phân khúc thị trường. Đối với hàng bình dân đại chúng, hệ thống Co.op Mart, Big C đảm đương khá tốt.
Khách có thu nhập trung bình khá trở lên, Maximark, Citimart Aeon là điểm đến lý tưởng. Khu vui chơi phức hợp kết hợp mua sắm đã có Vincom Mega Mall, Lotte Mart, SC Vivo City là những lựa chọn ưu tiên. “Không ai giẫm chân lên ai. Chỉ người tiêu dùng là lựa chọn cho mình điểm đến phù hợp với túi tiền chi tiêu của mình” - bà Hồng nhận xét.
Ông Nguyễn Thành Nhân - tổng giám đốc Saigon Co.op - cho rằng: việc các doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư ở thị trường bán lẻ là một tín hiệu vui.
Quyết định mở rộng đầu tư của các đơn vị trong nước ở thời điểm này là hết sức phù hợp, nhằm tạo đối trọng cần thiết cho việc duy trì và giữ vững thị phần. Chưa kể, việc cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội học hỏi để hoàn thiện các mô hình bán lẻ trong nước nhanh và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, việc các thương hiệu bán lẻ ngoại tăng tốc đầu tư vào VN, ngoài yếu tố thị trường VN hấp dẫn cũng cần phải lưu ý đến khả năng VN đang trở thành là một điểm “tập kết” mới để các nước đẩy hàng hóa của họ sang theo kiểu “mua tận gốc, bán tận ngọn” nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Vì vậy, trước mắt có thể người tiêu dùng trong nước có lợi vì có nhiều cơ hội để lựa chọn hàng hóa, sản phẩm đa dạng. Về lâu dài nguy cơ tiềm ẩn là khả năng sản phẩm nội ngày một “teo tóp” lại ngay chính trên sân nhà do yếu thế hơn về năng lực cạnh tranh.
Cửa hàng tiện lợi “mọc” khắp nơi
Phân khúc cạnh tranh sôi động nhất có thể nói là cửa hàng tiện lợi với những ưu thế như mặt bằng nhỏ gọn, có thể len lỏi sâu vào khu dân cư đông đúc. Ngay tại trục giao lộ Huỳnh Văn Bánh - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong vòng bán kính chưa đầy 1km đã có đến ba cửa hàng tiện lợi của VN, Nhật và Thái Lan cùng “ngự” trên cung đường luôn đông đúc.
Các cửa hàng này đang là sự lựa chọn của giới học sinh, sinh viên, dân văn phòng... cho các bữa trưa, hay là chỗ dừng chân tán gẫu như trong phim ảnh.
Đại diện Familymart (Nhật) cho biết tính đến cuối tháng 11, hệ thống cửa hàng tiện lợi này có khoảng 85 mặt bằng trong chiến lược 300 cửa hàng tại VN trong vài năm tới.
Đại gia bán lẻ của Mỹ là 7-Eleven cũng nhảy vào VN khi công ty con của Seven & I Holdings tại Mỹ là Seven Eleven Ink đã ký thỏa thuận nhượng quyền với Công ty Seven System Vietnam để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi tại VN, mục tiêu hướng tới sẽ mở 100 cửa hàng sau ba năm.
Còn Tập đoàn BJC (Thái Lan) trước khi mua lại Metro cũng đã mua 42 cửa hàng của nhà bán lẻ Nhật Bản trong liên doanh với Phú Thái, sau đó đổi tên thành B’s mart kinh doanh nhiều mặt hàng tiện lợi nhập khẩu từ Thái Lan.
Riêng Saigon Co.op đang có khoảng 200 cửa hàng Co.op và cửa hàng Bến Thành ở phân khúc này, kinh doanh 100% hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo Tuổi trẻ