Microsoft sử dụng năng lượng hạt nhân cho các trung tâm dữ liệu và AI

VietTimes – Trí tuệ nhân tạo cần rất nhiều sức mạnh tính toán và Microsoft đang có một lộ trình để cung cấp năng lượng bằng các lò phản ứng hạt nhân nhỏ.

Ảnh: CNBC
Ảnh: CNBC

Theo bản mô tả công việc mà Microsoft đăng hôm thứ Năm, công ty này đang tìm kiếm một chuyên gia công nghệ hạt nhân để lãnh đạo, đánh giá kỹ thuật của công ty về việc tích hợp các lò phản ứng hạt nhân nhỏ và lò phản ứng vi mô “để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu chứa Microsoft Cloud và AI”.

Cụ thể, Microsoft đang tìm cách thuê một “người quản lý chương trình phát triển công nghệ hạt nhân” và người đó “sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện và triển khai chiến lược năng lượng cho Lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng vi mô toàn cầu”, thông báo tuyển dụng cho biết. Microsoft đang tìm cách tạo ra năng lượng bằng phản ứng phân hạch hạt nhân.

Vào tháng 1, Microsoft đã công bố khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD trong nhiều năm vào OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT. Bill Gates , người đồng sáng lập Microsoft, cũng là chủ tịch hội đồng quản trị của TerraPower, một công ty đổi mới hạt nhân đang trong quá trình phát triển và nhân rộng các thiết kế lò phản ứng mô-đun nhỏ.

Một phát ngôn viên nói với CNBC rằng TerraPower “hiện không có bất kỳ thỏa thuận nào để bán lò phản ứng cho Microsoft”.

Tuy nhiên, Microsoft đã công khai cam kết theo đuổi năng lượng hạt nhân từ một nhà đổi mới nhiệt hạch.

Vào tháng 5, Microsoft thông báo họ đã ký thỏa thuận mua bán điện với Helion, một công ty khởi nghiệp về phản ứng tổng hợp hạt nhân, để mua điện từ công ty này vào năm 2028. Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI, là nhà đầu tư sớm và quan trọng vào Helion.

Phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra khi hai hạt nhân nguyên tử nhỏ hơn va chạm với nhau tạo thành một nguyên tử nặng hơn và giải phóng một lượng năng lượng cực lớn trong quá trình đó. Đây cũng là cách mặt trời tạo ra năng lượng. Hiện tại, nhiều công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư mạo hiểm đang nỗ lực phát triển công nghệ này nhờ tiềm năng hứa hẹn về năng lượng sạch gần như không giới hạn.

Sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân đã tăng lên cùng với những lo ngại về biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, khi các lò phản ứng hạt nhân tạo ra điện mà hầu như không thải ra bất kỳ lượng khí thải carbon dioxide nào.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Mỹ phần lớn được xây dựng từ năm 1970 đến năm 1990 và hiện tạo ra khoảng 18% tổng lượng điện ở Mỹ. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, năng lượng hạt nhân cũng chiếm 47% lượng điện không có carbon của Mỹ vào năm 2022.

Phần lớn hy vọng về thế hệ công nghệ lò phản ứng hạt nhân tiếp theo ở Mỹ được đặt vào các lò phản ứng hạt nhân nhỏ hơn, điều mà thông báo tuyển dụng của Microsoft cho thấy công ty quan tâm đến việc sử dụng công nghệ này để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu của mình.

Các lò phản ứng hạt nhân nhỏ, đúng như tên gọi, nhỏ hơn các lò phản ứng thông thường, rẻ hơn và xây dựng nhanh hơn vì chúng được thiết kế với cấu trúc mô-đun và không phải mọi bộ phận của lò phản ứng đều cần quy trình sản xuất riêng.

Theo CNBC