Máy bay tối tân F-35 rơi xuống Biển Đông, Mỹ-Trung bắt đầu cuộc chiến trục vớt xác dưới đáy biển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hải quân Mỹ ngày 25/1 cho biết đang thu xếp để trục vớt chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35C bị rơi xuống Biển Đông sau sự cố hạ cánh. Có tin Trung Quốc cũng đang tìm cách có được mảnh xác của nó..
Sơ đồ vụ tai nạn khiến chiếc F-35C rơi xuống Biển Đông hôm 24/1 (Ảnh: Daily Mail).
Sơ đồ vụ tai nạn khiến chiếc F-35C rơi xuống Biển Đông hôm 24/1 (Ảnh: Daily Mail).

Hãng tin Anh Reuters ngày 25/1 đưa tin, Hải quân Mỹ cho biết vụ tai nạn của chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới có thể cất hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson xảy ra hôm thứ Hai (24/1) khiến 7 quân nhân bị thương, viên phi công đã thoát chết bằng cách nhảy dù. Vào thời điểm đó, tàu sân bay USS Carl Vinson đang ở Biển Đông.

Trung úy Nicholas Lingo, phát ngôn viên của Hạm đội 7 cho biết: "Máy bay va vào sàn đáp khi hạ cánh sau đó lao xuống biển. Hải quân Mỹ đang triển khai hành động thu hồi chiếc máy bay F-35C trên tàu sân bay USS Carl Vinson trong một vụ tai nạn ở Biển Đông”.

Ông Lingo cũng nói: "Chúng tôi lo ngại Trung Quốc sẽ cản trở việc trục vớt và tìm cách cướp lấy chiếc máy bay chiến đấu F-35C gặp nạn. Chúng tôi không thể suy đoán ý đồ của Trung Quốc trong vụ việc này".

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tập trận trên Biển Đông (Ảnh: US NAvy).

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tập trận trên Biển Đông (Ảnh: US NAvy).

Tờ Daily Mail của Anh ngày 25/1 đưa tin, sau vụ va chạm với tàu sân bay Carl Vinson khi hạ cánh, quân đội Mỹ đang ráo riết gấp rút trục vớt chiếc tiêm kích tàng hình F-35C trị giá 100 triệu USD từ đáy Biển Đông trước mặt người Trung Quốc. Họ lo lắng công nghệ bí mật của loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Mỹ có thể rơi vào tay kẻ thù.

Hạm đội 7 Mỹ cho biết trong một tuyên bố trước đó vào ngày 25/1 rằng chiếc máy bay chiến đấu F-35C, bị rơi trên boong tàu USS Carl Vinson và làm bị thương 7 quân nhân, đã mất tích ở rìa boong tàu. Tuyên bố cũng nói rằng tàu sân bay USS Carl Vinson vẫn có thể tiếp tục các hoạt động bay ngay sau vụ tai nạn.

Vụ tai nạn hôm 24/1 là vụ rơi máy bay F-35 do hãng Lockheed Martin chế tạo trên tàu sân bay thứ hai chỉ trong vòng hơn hai tháng.

Vào tháng 11 năm 2021, một máy bay chiến đấu F-35 trên tàu HMS Queen Elizabeth đã đâm xuống biển Địa Trung Hải, phi công đã nhảy dù thoát nạn và trở về an toàn. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, xác chiếc máy bay đã được tìm thấy sau đó.

Máy bay F-35C trên tàu USS Carl Vinson (Ảnh: US Navy).

Máy bay F-35C trên tàu USS Carl Vinson (Ảnh: US Navy).

Đầu tháng 1/2022, một chiến đấu cơ F-35A của Hàn Quốc đã phải hạ cánh khẩn cấp trong quá trình huấn luyện.

Vào tháng 4 năm 2019, một máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Nhật Bản đã bị rơi ở Thái Bình Dương gần phía bắc Nhật Bản, khiến người phi công thiệt mạng.

Theo thông tin mới nhất vào sáng 27/1, hiện Hải quân Mỹ đang tiến hành công tác chuẩn bị để trục vớt chiếc máy bay chiến đấu F-35C bị rơi xuống Biển Đông. Đài CNN hôm 26/1 phân tích cho rằng chiếc máy bay gặp nạn có thể tương đối hoàn chỉnh, nhưng nhiệm vụ trục vớt rất gian nan và có thể mất tới 120 ngày. Về việc liệu Mỹ có thể trực tiếp làm nổ tung xác chiếc máy bay hay không, câu trả lời là khó có thể làm được.

Tin tức cho biết, do chiếc F-35C lao ra khỏi mép boong và rơi xuống biển khi hạ cánh xuống tàu sân bay nên tốc độ khá chậm, máy bay có thể khá nguyên vẹn. Hồi tháng 11/2021, một chiếc máy bay F-35B trên tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh đã lao xuống biển ngay lúc vừa mới cất cánh, từ những bức ảnh chụp nó sau khi được trục vớt từ biển có thể thấy phần thân máy bay vẫn tương đối hoàn chỉnh.

Xác chiếc F-35B của Anh khá nguyên vẹn sau khi được trục vớt hồi tháng 11/2021 (Ảnh: Sina).

Xác chiếc F-35B của Anh khá nguyên vẹn sau khi được trục vớt hồi tháng 11/2021 (Ảnh: Sina).

Tuy nhiên, trục vớt một máy bay chiến đấu từ đáy biển không phải là việc dễ dàng mà là một nhiệm vụ rất khó khăn. Sau khi chiếc F-35B của Anh lao xuống biển, dù Anh, Mỹ và Italy đã hợp lực, nhưng cũng phải mất hai tuần để xác định chính xác vị trí của chiếc máy bay chiến đấu dưới đáy biển, và mất thêm một tuần nữa mới trục vớt thành công xác máy bay.

Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, dự đoán rằng các tàu trục vớt của Mỹ sẽ phải mất 10 đến 15 ngày để đến địa điểm chiếc máy bay gặp nạn và mất khoảng 120 ngày cho các hoạt động thu hồi nó. "Tất cả phụ thuộc vào độ sâu đáy biển nơi chiếc F-35C nằm".

Khi được hỏi liệu có thể sử dụng ngư lôi hoặc chất nổ để phá hủy xác chiếc F-35C hay không, các nhà phân tích cho biết điều đó khó có thể thực hiện được. Ông Koh Swee Lean Collin, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược S.Rajaratnam thuộc Đại học Nam Dương Singapore, cho biết cho dù có bị phá hủy vẫn có thể tồn tại "những thông tin tình báo quan trọng tiềm tàng" trong các mảnh vỡ chiếc máy bay và có thể bị những ai quan tâm đến nó tìm thấy và lấy đi.

Tàu sân bay USS Carl Vinson trên Biển Đông (Ảnh: Sina).

Tàu sân bay USS Carl Vinson trên Biển Đông (Ảnh: Sina).

Liên quan đến vụ máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ va chạm với tàu sân bay rơi xuống Biển Đông, tác giả Quân Chính Bình (Jun Zhengping) của Nhật báo Quân Giải phóng (Jiefangjunbao) bình luận giễu cợt: “Hổ giấy không thể khiến người ta khiếp sợ. Chỉ trong nửa năm, quân đội Mỹ đã bị hỏng một tàu ngầm hạt nhân và rơi một máy bay chiến đấu tiên tiến, ‘Trộm gà không xong còn mất cả gạo nhử’, đã trở thành trò cười quốc tế. Biển Đông là vùng biển hòa bình, đẹp đẽ và yên tĩnh, quân đội Mỹ đừng xả rác bừa bãi!”.

Được biết, vụ tai nạn này xảy ra trong lúc hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln đang tiến hành tập trận chung ở Biển Đông. Trước đó, hai nhóm tàu này đã đi vào Biển Đông qua eo Bashi ngày 23/1.

Trang tin Deutsche Welle ngày 27/1 đưa tin: hiện tại, Mỹ đã cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay với hơn 14.000 binh sĩ tổ chức tập trận ở Biển Đông. Quân đội Mỹ cho biết điều này là để chứng minh "khả năng trên biển mạnh mẽ mà Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có thể cung cấp."

Hình ảnh vệ tinh ngày 25/1 cho thấy hai nhóm tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở khu vực đông và đông bắc bãi cạn Scarborough. Cụ thể, vào lúc 10 giờ 33 phút, giờ Hà Nội, một tàu sân bay ở vị trí cách bãi cạn Scarborough khoảng 55 hải lý về phía đông và một tàu sân bay ở cách bãi cạn này khoảng 72 hải lý về phía đông bắc. Nhiều khả năng đây chính là nơi mà chiếc máy bay F-35C bị rơi xuống biển.

Khu vực hoạt động của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông sáng 25/1 (Ảnh: @ Duan Dang)
Khu vực hoạt động của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông sáng 25/1 (Ảnh: @ Duan Dang)

Một nguồn thạo tin cho biết USS Carl Vinson đã băng qua eo Verde Island ở Philippines để rời Biển Đông vào tối 25/1. Như vậy, nhiều khả năng nhiệm vụ tìm kiếm và trục vớt chiếc máy bay F-35C sẽ do nhóm tàu USS Abraham Lincoln đảm nhận.

Sáng 26.1, một phát ngôn viên Hạm đội 7 cho biết Hải quân Mỹ đang tiến hành chuẩn bị cho việc trục vớt chiếc máy bay. Sự cố của F-35C ở Biển Đông khiến Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ tham gia chạy đua trục vớt xác chiếc máy bay để sở hữu công nghệ.

Sau khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông, Trung Quốc cũng điều động khá nhiều tàu chiến tới. Địa điểm chiếc F-35C bị rơi xuống biển có thể là điểm nóng trong những ngày tới, khi tàu chiến Mỹ khoanh vùng bảo vệ và tàu chiến Trung Quốc kéo đến khu vực.

Một nguồn thạo tin về tình hình Biển Đông cho biết, ngay trong sáng 26/1, Mỹ đã triển khai số lượng lớn các loại máy bay trinh sát đến Biển Đông, bao gồm P-8A, EP-3E, RC-135V và máy bay không người lái MQ-4C.

F-35C là máy bay chiến đấu tàng hình một động cơ và là loại máy bay phản lực mới nhất trong hạm đội Hải quân Mỹ, trị giá 100 triệu USD/chiếc. Hải quân Mỹ đang tích cực tổ chức các nỗ lực trục vớt và các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động của quân đội Mỹ và cũng có thể tìm cách trục vớt nó.

Hải quân Mỹ không tiết lộ vị trí chính xác của vụ tai nạn ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần 1,3 triệu dặm vuông (3,3 triệu km vuông) ở Biển Đông và đang tích cực xây dựng các cơ sở quân sự trên các rạn san hô và các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép. Mỹ và các nước phương Tây đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông bằng cách triển khai các lực lượng quân sự nhằm thúc đẩy một "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Khu vực hoạt động của chiếc USS Carl Vinson trên Biển Đông, có thể là nơi chiếc F-35C bị rơi xuống biển (Ảnh: @ Duan Dang).

Khu vực hoạt động của chiếc USS Carl Vinson trên Biển Đông, có thể là nơi chiếc F-35C bị rơi xuống biển (Ảnh: @ Duan Dang).

Các quan chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về vụ tai nạn, nhưng các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc gần như chắc chắn muốn có thông tin về F-35.

Tờ Navy Times đưa tin Mark Cancian, cố vấn cấp cao về chương trình an ninh quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng quân đội Mỹ đảm bảo rằng máy bay F-35C không bị rơi vào tay Trung Quốc, điều này là vô cùng quan trọng. "Đây là loại máy bay tiên tiến nhất của chúng tôi. Máy bay được trang bị tất cả các loại thiết bị điện tử mà kẻ thù muốn làm chủ", Cancian nói với Navy Times.

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, cho biết: "Trung Quốc đã cố gắng sử dụng tàu ngầm và một trong những tàu lặn sâu để xác định vị trí và điều tra kỹ lưỡng chúng."

Schuster nói rằng Trung Quốc có thể căn cứ quyền cứu hộ tự xưng để trục vớt thiết bị từ các quốc gia khác. Ông Schuster cho biết, hoạt động trục vớt có thể mất nhiều tháng, tùy thuộc vào độ sâu của F-35 ở Biển Đông và Hải quân Mỹ có thể túc trực trong khu vực máy bay rơi một thời gian.

Tờ Independent của Anh phân tích rằng, giống như Nga, Trung Quốc chắc chắn muốn có được công nghệ tàng hình và radar tiên tiến trên chiếc F-35.