Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng (NH) Nhà nước phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn từ 1%-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường. Nhiều NH thương mại cho rằng lãi suất cho vay đã giảm “trước một bước” so với yêu cầu ở những khách hàng tốt nên khó giảm thêm.
Nâng đầu vào để cho vay cao
Từ đầu tháng 4 đến nay, một số NH thương mại tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động đầu vào theo hướng giảm dần ở các kỳ hạn thêm 0,1%-0,3%/năm, thu hẹp khoảng cách giữa khối NH thương mại quốc doanh và NH cổ phần. Đáng nói gần đây, trên biểu lãi suất của một số NH thương mại xuất hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung từ 7%-7,5%/năm.
Điều rất lạ là trên cùng biểu lãi suất của một NH, kỳ hạn 12 tháng chỉ 6%/năm nhưng kỳ hạn 13 tháng lãi suất huy động “nhảy” lên 7%/năm với điều kiện khách hàng gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. Hoặc một NH khác vừa niêm yết biểu lãi suất mới từ ngày 13-4, lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ 5,8%/năm nhưng chuyển sang kỳ hạn 13 tháng, lãi suất đến 7,7%/năm với điều kiện khách phải gửi từ 500 tỷ đồng trở lên...
Chúng tôi thắc mắc: “Nếu gửi dưới 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất bao nhiêu?”, nhân viên phòng giao dịch một NH cổ phần trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TP. HCM), cho biết NH không nhận các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng thấp hơn mức này! Trong bảng ghi chú, một số NH còn giải thích rõ: “Lãi suất này được tham chiếu để tính lãi suất cho các hợp đồng tín dụng”.
Đây phải chăng là “động tác kỹ thuật” để NH neo lãi suất cho vay ở mức cao mà không bị dòm ngó, bởi hầu hết hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn, mức lãi suất điều chỉnh 3-6 tháng/lần theo thị trường được tính bằng công thức: Lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc13 tháng + biên độ 2,5%-4%. Nếu lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng càng neo cao, NH càng có lý do để chần chừ hạ lãi suất.
Trả lời phóng viên, tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP. HCM thừa nhận có “động tác kỹ thuật” này. Ông nói không phải NH cố tình “lách” mà đây chỉ là cách để NH không phải điều chỉnh giảm quá sâu lãi suất những khoản vay cũ. “Nhiều khoản vay trung dài hạn được giải ngân cách đây vài năm, thời điểm đó mức lãi suất huy động rất cao, NH đã trả cho người gửi. NH cũng phải cân đối chi phí và lợi nhuận nên không thể đột ngột giảm quá sâu” - ông phân trần.
Không sòng phẳng!
Trong khi đó, tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô nhỏ tại TP. HCM nói: “Nếu tham chiếu lãi suất cho vay từ lãi suất huy động thì mức lãi suất gửi kỳ hạn 13 tháng không được có điều kiện. Áp một mức lãi suất tiền gửi mà không thực tế, rồi tham chiếu cho vay là không sòng phẳng với khách hàng”.
Một chuyên gia tài chính phân tích: Các NH thương mại tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 5%-7%/năm trong thời gian đầu để kéo khách. Nhưng nếu cho vay quá thấp, NH sẽ không có lợi nhuận bởi huy động kỳ hạn dài lãi suất đã 6%-7%/năm. Họ bù đắp bằng cách nào? Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-13 tháng được đẩy lên cao đột biến, dùng để tham chiếu tính lãi suất cho vay trung dài hạn các năm tiếp theo là một thủ thuật. “Năm đầu ưu đãi, NH sẽ lấy lại vốn tiền lãi vay ở các năm tiếp theo. Đây là “chiêu” về mặt kỹ thuật mà không phải doanh nghiệp nào cũng để ý” - chuyên gia này bình luận.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, cho rằng nếu lấy lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng làm tham chiếu tính lãi suất cho vay thì mức 13 tháng này phải là bình quân. Chẳng hạn, nếu khách hàng không gửi 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng mà chỉ gửi 1 tỷ đồng, lãi suất là bao nhiêu? Nếu lãi suất thấp hơn phải lấy bình quân chứ không thể dùng mức lãi suất cao để áp tham chiếu cho vay.
Lãi suất cần ổn định
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng 3 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức rất thấp là cơ sở để NH thương mại hạ lãi suất huy động. Nhưng lãi suất cho vay, nhất là các khoản vay trung dài hạn lại không giảm tương ứng khiến doanh nghiệp (DN) không mạnh dạn vay vốn để đầu tư.
“Sợ” là từ được nhiều DN trả lời khi hỏi về vay vốn để đầu tư cho tương lai. Trong quá khứ, rất nhiều DN vay vốn với lãi suất 10%-11%/năm, sau đó có thời điểm nhảy vọt lên 24%-25%/năm, nhiều DN phá sản. “Mức lãi suất 8%-10%/năm có thể chấp nhận được nhưng phải ổn định ít nhất 2/3 thời gian dự án thì DN mới mạnh dạn vay vốn làm ăn” - ông Hưng nói.
Theo NLĐ