|
Tên lửa Trường Chinh - 5B của Trung Quốc được phóng ngày 29/4 (Ảnh: AFP) |
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn nguồn từ Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc cho biết, các bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển lúc 10h24 sáng theo giờ Bắc Kinh và đáp xuống tại một vị trí có tọa độ ở kinh độ 72,47 độ Đông và 2,65 độ vĩ Bắc.
Các tọa độ điểm va chạm ngoài đại dương ở đâu đó phía Tây Nam của Ấn Độ và Sri Lanka. Hầu hết các mảnh vỡ đã bị đốt cháy trong khí quyển.
Trước đó, ngày 7/5, Trung Quốc cho biết nguy cơ mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh-5B gây thiệt hại khi rơi trở lại Trái đất sau khi tách khỏi một mô-đun của trạm vũ trụ là "cực thấp", sau cảnh báo của Hoa Kỳ về khả năng nó có thể rơi xuống một khu vực có người ở.
Các chuyên gia quân sự Mỹ dự đoán xác tên lửa Trường-Chinh 5B sẽ rơi xuống bề mặt Trái Đất vào cuối tuần này, nhưng cảnh báo rằng rất khó dự đoán nó sẽ hạ cánh ở đâu và khi nào.
Ngày 7/5, phản hồi câu hỏi về vụ mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh-5B sắp quay trở lại khí quyển Trái đất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết: “Khả năng gây thiệt hại cho các hoạt động hàng không và mặt đất là cực thấp"
Ông giải thích hầu hết mảnh vỡ của tên lửa này sẽ bị thiêu rụi khi rơi qua khí quyển Trái đất và nói thêm rằng nhà chức trách "sẽ thông báo cho công chúng về tình hình đúng lúc".
Trung Quốc đã đổ hàng tỉ USD vào thám hiểm không gian trong nỗ lực khẳng địng vị thế toàn cầu và sức mạnh công nghệ đang lên của họ, theo bước chân ngoài Trái đất của Mỹ, Nga và châu Âu.
Việc phóng modul đầu tiên của trạm vũ trụ Tiangong (Thiên cung) vào tháng 4 là một cột mốc quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm thiết lập sự hiện diện thường xuyên của con người trong không gian.
Vào tháng 3, Trung Quốc cũng cho biết họ đang có kế hoạch cùng với Nga xây dựng một trạm vũ trụ Mặt Trăng riêng biệt.