|
Khu vực khai thác quặng bauxite tại khu đất của nông dân Surin Beris trước đây từng trồng cây cọ - Ảnh: AFP |
Nông dân giàu có nhờ khai thác bauxite trái phép
Nhu cầu bauxite, thường được dùng trong ngành sản xuất nhôm, gia tăng do Trung Quốc thiếu nguồn cung, theo AFP.
Nông dân Surin Beris (67 tuổi) san bằng khu đất trồng cọ của ông để tham gia cuộc chạy đua khai thác bauxite ở bang Pahang (Malaysia). Sự bùng nổ nhu cầu bauxite là “món quà từ đấng Allah”, ông Surin, một người Hồi giáo, cho biết.
Trước đây, ông Surin mỗi tháng thu hoạch quả và dầu cây cọ chỉ kiếm khoảng 2.000 ringgit (470 USD). Nhưng kể từ ngày bỏ cây cọ chuyển qua khai thác bauxite, thu thập của người nông dân này tăng lên đáng kể. “Tôi kiếm được một triệu ringgit (232.339 USD) chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng. Tôi cám ơn đấng Allah vì ngài đã quá hào phóng”, ông Surin nói với AFP.
Khai thác bauxite bùng nổ ở Malaysia ngay sau khi Indonesia, một trong những nhà xuất khẩu bauxite hàng đầu, cấm xuất khẩu bauxite kể từ năm 2014 nhằm kích thích ngành sản xuất kim loại trong nước, khiến những khách hàng lớn như Trung Quốc bị thiếu nguồn cung trầm trọng.
Malaysia đã giúp giải tỏa "cơn khát" bauxite. Khai thác bauxite bắt đầu gia tăng ở Malaysia trong những năm gần đây và cũng đã xuất hiện nạn khai thác trái phép, theo AFP. Sản lượng bauxite trong năm 2014 tăng gấp bốn lần so với năm trước, lên đến 963.000 tấn và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, theo con số thống kê của chính phủ Malaysia.
Tuy nhiên, các chuyên gia Malaysia cảnh báo việc khai thác quặng bauxite còn quá nghiệp dư và chính phủ hầu như không quan tâm đến mối đe dọa môi trường do khai thác bauxite gây ra.
Quặng bauxite thường nằm dưới đất đỏ, khi khai thác người ta phải đào xới lên. Điều này có thể khiến những kim loại nặng gây ung thư như Stronti, Xêsi và cả phóng xạ thoát ra môi trường.
Tại Pahang, nơi có nhiều rừng nhiệt đới và người dân chủ yếu sản xuất canh tác nông nghiệp, giờ đây phải hứng chịu bụi mù đất đỏ và cảnh tượng hàng loạt xe tải chở bauxite rần rần chạy mỗi ngày từ các mỏ khai thác đến cảng Kuantan, để từ đó chuyển bauxite sang Trung Quốc.
|
Không thể thở nổi
Các chuyên gia lo ngại những kim loại nặng độc hại sẽ nhiễm vào nguồn nước hoặc chuỗi thức ăn của cộng đồng người dân sống quanh các mỏ bauxite.
Các nhà môi trường học cho hay những con sông dọc theo thành phố Kuantan, thủ phủ bang Pahang, có nước chuyển sang màu đỏ do bị ô nhiễm bùn đỏ từ việc khai thác quặng bauxite. Ngày càng nhiều người dân tại thành phố này phàn nàn về việc họ bị các căn bệnh về đường hô hấp và dị ứng da.
“Đứa cháu gái 4 tuổi của tôi thường xuyên bị bệnh bởi vì nó gần như không thể thở bình thường được. Chúng tôi phải hít bụi mỗi ngày, và chính quyền thì phớt lờ sức khỏe người dân", ông Manap Muda, sống ở ngoại ô Kuantan phản ánh.
Bà Fuziah Salleh, một nghị sĩ đảng đối lập tại thành phố Kuantan, cho hay có những lỗ hổng pháp luật cho phép những ông chủ đất khai thác trái phép quặng bauxite và nhiều người đang “cưỡng bức” đất đai để trục lợi.
“Nhiều người tham lam và kiếm được bộn tiền, đe dọa sức khỏe cộng đồng”, bà Salleh nói. Và chính phủ Malaysia cũng đã bắt đầu thừa nhận vấn nạn này.
|
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Wan Junaidi Tuanku Jaafar đã cung cấp cho AFP một bản báo cáo của chính phủ cho thấy “một lượng lớn” chất độc hại được phát hiện trong các mẫu nước hồi tháng 8.2015 từ sông Pengorak, gần những khu vực khai thác bauxite và Kuantan.
“Kết quả kiểm tra cho thấy các mẫu nước nhiễm nhôm, thạch tín, chì, và mangan. Hoạt động khai thác bauxite khiến chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi”, ông Jaafar cho biết.
Theo báo cáo này, nước sông Pengorak bị ô nhiễm nghiêm trọng và không thể dùng để uống, tưới tiêu, bơi; cá không sống nổi.
Tuy nhiên, ông Mohamad Soffi Abdul Razak, chủ tịch Ủy ban Môi trường của chính quyền bang Pahang, lại bác bỏ những mối lo ngại về sức khỏe và môi trường do khai thác bauxite. “Cuộc chạy đua khai thác bauxite tạo ra công ăn việc làm. Pahang được Thượng đế phù hộ”, ông Razak nói.
“Tôi đã lên tiếng nhiều lần, nhưng nạn tham nhũng đã khiến cho việc khai thác bauxite cứ tiếp diễn”, trưởng thôn Manap Muda của một ngôi làng ở ngoại ô Kuantan chia sẻ.
Nghị sĩ Fuziah cho biết bà đã lên tiếng kêu gọi chính phủ ngay lập tức ngừng xuất khẩu bauxite. Nhưng hoạt động khai thác bauxite có vẻ như không thể dừng lại, theo AFP.
Nông dân Surin thừa nhận ông khai thác bauxite trái phép và trở nên giàu có nhờ nó, đồng thời bác bỏ những mối quan ngại về môi trường khi nói điều đó xuất phát từ “những kẻ ghen ăn tức ở”.
Theo AFP, NLĐ