HDBank xếp vị trí thứ 6 trong hệ thống
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, báo cáo của Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - Mã CK: HDB) cho thấy ngân hàng này đã đạt được những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2018.
Cụ thể, lũy kế cả năm 2018, lợi nhuận trước thuế của HDB đạt 4.005 tỷ đồng, tăng trưởng 65,7% so với năm trước và hoàn thành vượt 1,8% kế hoạch đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2018, quy mô tổng tài sản của HDB tăng 14,1% so với đầu năm, đạt 216.057 tỷ đồng. Quy mô nguồn vốn chủ sở hữu đạt mức 16.828 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2017.
Về huy động vốn, tính đến cuối năm 2018, tổng vốn huy động của HDB đạt 186.722 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 142.987 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với năm trước. Ở chiều hướng ngược lại, tổng dư nợ tín dụng của HDB đạt 129.624 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2017.
Về công tác quản lý rủi ro và xử lý nợ xấu, HDB cho biết đã thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành nhiều quy chế nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro, hệ số an toàn trong hoạt động.
Trong đó, HDB đã đạt được nhiều chỉ tiêu an toàn vốn theo quy định như: hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt mức 12,1%; tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2018 đạt 1,5% (thấp hơn nhiều so với giới hạn 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN).
Tuy nhiên, các con số báo cáo mới chỉ so sánh sự phát triển của HDB so với năm trước, ngân hàng này “đang đứng ở đâu trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam” cũng là điều mà cổ đông trăn trở.
Để giúp các cổ đông định hình rõ hơn “vị trí” của HDB trong hệ thống các TCTD tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDB, đã có những chia sẻ cởi mở về “thứ hạng” của nhà băng này trong hệ thống.
Theo bà Thảo, nếu xét về các chỉ tiêu tài chính như tổng tài sản, dư nợ, quy mô huy động vốn, HDB đang xếp hạng thứ 8 trong số các ngân hàng thương mại (NHTM). "Đấy là đã bao gồm cả các NHTM cổ phần có vốn nhà nước", bà Thảo nêu rõ. Trong khi đó, nếu xét về chỉ tiêu lợi nhuận, HDB đang xếp ở vị trí thứ 6.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (thứ 2, từ trái qua) - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank
|
Những “nền tảng” giúp HDB trở thành ngân hàng bán lẻ
Trả lời câu hỏi của đông về lợi thế cạnh tranh của HDB khi định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết ngân hàng này có những “nền tảng” phát triển riêng và đánh giá đây là “điều kiện thuận lợi mà ít ngân hàng nào có được để có thể trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại thị trường Việt Nam và khu vực”.
Trong đó, bà Thảo cho biết HDB đã nhận được những đóng góp tích cực và tin tưởng của các cổ đông trong suốt nhiều năm, cũng như sự xuất hiện của thế hệ nhà đầu tư mới, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngân hàng đang có cơ hội tiếp cận trực tiếp và gián tiếp với hàng triệu khách hàng thông qua các doanh nghiệp lớn như: CTCP Hàng không VietJet (Vietjet Air - Mã CK: VJC), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
“Hệ sinh thái của chúng ta đang sở hữu có tập khách hàng lên tới hơn 7 triệu thành viên. Trong khi đó, Vietjet Air (HDBank là cổ đông sáng lập) cũng có tài khoản thanh toán và thu chi hộ ở HDBank. Do đó, ngân hàng sẽ cơ hội tiếp cận với khoảng 27 triệu lượt khách hàng của hãng máy bay này trong năm nay.
Tới đây, khi sáp nhập với PGBank (Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex), HDBank cũng có thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Petrolimex. Thông qua đó, ngân hàng sẽ tiếp cận được với lượng khách hàng “khổng lồ” từ hệ thống bán lẻ xăng dầu của tập đoàn này. Đó là chưa kể tới các nhà phân phối lớn như Vinamilk, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp mà HDBank đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác khác.
Tất cả những mối quan hệ cộng hưởng sẽ này giúp ngân hàng dựng hệ sinh thái khách hàng lớn, là nơi chúng ta có thể phát triển, khai thác các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng, tạo nên sự khác biệt cho HDBank” - bà Nguyễn Thị Phương Thảo phân tích.
Bên cạnh hệ sinh thái khách hàng “khủng”, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tự tin về khả năng cạnh tranh của HDBank khi ngân hàng này đang sở hữu hệ thống các phòng giao dịch, nguồn nhân lực tới hơn 14.000 nhân viên và 13.000 điểm giao dịch của công ty con (HD Saison) trên khắp cả nước./.