Sau khi Bộ tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ đổi tên thành Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một cuộc tập trận quân sự lớn lần đầu tiên ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chính thức khởi động, tham gia gồm ba nước đang thúc đẩy tích cực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương là Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Địa điểm cuộc tập trận hải quân Malabar - 2018 lần này ở vùng biển khu vực Guam. Cuộc tập trận được tổ chức theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là giai đoạn diễn tập ở cảng biển diễn ra từ ngày 7 - 10/6, giai đoạn 2 là giai đoạn diễn tập trên biển diễn ra từ ngày 11 - 16/6. Nhìn vào lực lượng, cuộc tập trận lần này được coi là một cuộc tập trận Malabar mạnh nhất.
Hải quân Ấn Độ đã cử tàu hộ vệ tàng hình INS Sahyadri lớp Shivalik, tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ INS Kamorta lớp Kamorta và tàu chở dầu INS Shakti tham gia tập trận. Những tàu chiến này đều thuộc Hạm đội miền Đông, hải quân Ấn Độ.
Ngoài ra, hải quân Ấn Độ còn cử máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon tham gia cuộc tập trận lần này. Đây cũng là lần đầu tiên Ấn Độ cử loại máy bay tuần tra săn ngầm này tham gia một cuộc tập trận ở nước ngoài.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon, hải quân Ấn Độ. Ảnh: Airliners.net.
|
Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận này với quy mô lớn, bao gồm tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan lớp Nimitz, tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Pasadena lớp Los Angeles, các tàu tuần dương tên lửa USS Antietam và USS Chancellorsville lớp Ticonderoga; các tàu khu trục USS Benfold và USS John S. McCain lớp Arleigh Burke, cùng với máy bay tuần tra săn ngầm P-8A.
Là nước luôn cố gắng nắm bắt cơ hội để thể hiện sức mạnh quân sự với bên ngoài, trong những năm gần đây, Nhật Bản luôn là nước tích cực tham gia cuộc tập trận Malabar. Năm 2017, Nhật Bản đã cử tàu sân bay trực thăng tham gia tập trận.
Năm nay, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cử lực lượng mạnh hơn năm ngoái, bao gồm tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga, tàu khu trục Suzunami lớp Takanami, tàu khu trục Fuyuzuki lớp Akizuki và một chiếc tàu ngầm động cơ thông thường lớp Soryu tiên tiến. Ngoài ra, một máy bay tuần tra săn ngầm P-1 cũng sẽ tham gia cuộc tập trận này.
Nhìn vào các loại tàu chiến mặt nước và tàu ngầm cùng các máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến tham gia, cuộc tập trận lần này sẽ là một cuộc tập trận tác chiến hiệp đồng lập thể trên không - mặt biển - dưới mặt biển, chứ không phải là cuộc tập trận thông thường với các khoa mục như chống khủng bố, cứu viện.
Cuộc tập trận Malabar - 2016. Ảnh: Naval Today.
|
Theo báo chí Ấn Độ, trong giai đoạn 1 cuộc tập trận, ba bên sẽ tiến hành giao lưu chuyên nghiệp. Còn trong giai đoạn 2 tiến hành diễn tập tác chiến trên biển, ba bên sẽ tiến hành diễn tập tác chiến tàu sân bay, tác chiến săn ngầm, tác chiến mặt nước, diễn tập liên hợp và các khoa mục chiến thuật.
Đối với cuộc tập trận hải quân Malabar lần này, Phó Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ Ashok Kumar cho biết đây có lẽ là cuộc tập trận Malabar có sự tham gia của trang bị hải quân ba nước Ấn - Mỹ - Nhật với mức độ lớn nhất. Hơn nữa, đây cũng sẽ là một cuộc tập trận Malabar phức tạp nhất.
Cuộc tập trận này được tiến hành sau khi Mỹ, Nhật Bản kêu gọi Ấn Độ phát huy vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ gần đây đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy Washington rất coi trọng và dành ưu tiên cho khu vực này, mục đích là để tiếp tục làm sâu sắc hợp tác Mỹ - Ấn - Nhật ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi mà Trung Quốc đang ngày càng mở rộng vai trò ảnh hưởng. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên cuộc tập trận Malabar tiến hành ở Guam, Mỹ.
Nhìn vào việc cả ba nước Mỹ - Ấn - Nhật đều cử máy bay tuần tra săn ngầm tham gia cuộc tập trận và bình luận của báo chí Ấn Độ, một trọng điểm lớn của cuộc tập trận lần này là tác chiến săn ngầm. Hơn nữa, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và tàu ngầm thông thường của Nhật Bản đều sẽ làm “quân xanh” - tàu ngầm Trung Quốc.
Tàu sân bay trực thăng Ise lớp Hyuga của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh: The Diplomat.
|
Theo báo Ấn Độ, trong cuộc tập trận lần này, hải quân ba nước lần đầu tiên triển khai máy bay tuần tra săn ngầm để nâng cao khả năng tác chiến săn ngầm. Mỗi bên đều có máy bay có thể thả phao sonar và giám sát lẫn nhau. Ba bên sẽ “trộn lẫn” lực lượng với nhau.
Hơn nữa, Nhật Bản và Mỹ lần lượt sẽ sử dụng máy bay trực thăng săn ngầm mang theo trên tàu sân bay trực thăng và tàu sân bay lớp Nimitz để tiến hành diễn tập tác chiến săn ngầm.