|
Tên lửa Trident II D5 không đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo USS Maryland (SSBN 738) lớp Ohio ngoài khơi bờ biển Florida ngày 31.08.2016. Ảnh Hải quân Mỹ. |
Chương trình phát triển “khả năng tấn công nhanh toàn cầu - PGS” bằng vũ khí thông thường của Lầu Năm Góc sẽ cho phép các lực lượng vũ trang Mỹ có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên hành tinh bằng vũ khí thông thường có độ chính xác cao trong khoảng thời gian chưa đầy một giờ. Hệ thống vũ khí này được coi là các phương tiện răn đe, ngăn chặn tương đương, bổ sung cho khả năng răn đe tấn công hạt nhân.
Trang UNNI cho biết: giám đốc điều hành Chương trình phát triển những Hệ thống Chiến lược (SSP), phó đô đốc Terry Benedict, trong bài phát biểu ngày 02.11.2017 đã nói: "Tôi rất tự hào thông báo rằng, vào hồi 03.00 ngày 30.10.2017, SSP đã phóng từ Hawaii (Căn cứ tên lửa tầm xa Thái Bình Dường) tên lửa siêu thanh... tên lửa tấn công nhanh thông thường đầu tiên của Hải quân Mỹ”.
“Đòn tấn công nhanh toàn cầu được thử nghiệm trong hình thức thiết kế mà nếu được lựa chọn, tên lửa sẽ được sử dụng cho các ống phóng của tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio. Đây là một thành tựu vĩ đại".
Phó đô đốc Terry Benedict phát biểu điều này tại hội nghị chuyên đề hàng năm của Liên đoàn tàu ngầm Hải quân Mỹ tại hạt Arlington, bang Virginia. Ông nhấn mạnh rằng, cơ quan của ông có thể sẵn sàng triển khai loại vũ khi tấn công nhanh toàn cầu PGS cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio và lớp Columbia, đang được trang bị vũ khí hạt nhân.
Theo ông, cơ quan SSP đã giới thiệu công nghệ tấn công nhanh toàn cầu cho OSD AT&L (Tổng cục hậu cần kỹ thuật, mua sắm trang bị Bộ quốc phòng), đây cũng là lần đầu tiên SSP phóng thử nghiệm một tên lửa tấn công nhanh toàn cầu. Chuyến bay thử nghiệm của tên lửa siêu thanh đầu đạn thông thường PGS được đánh giá là rất thành công.
Văn phòng báo chí Chương trình phát triển Hệ thống Chiến lược phát biểu với trang USNI News rằng: Bốn tàu ngầm lớp Ohio SSBN sẽ được chuyển sang tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSGN), trang bị vũ khí tấn công toàn cầu thông thường. Những chiếc tàu ngầm tấn công hạng nhẹ hiện nay hoặc trong tương lai Virginia với mô-đun lắp đặt vũ khí, nếu trang bị thêm ống phóng tên lửa, có thể cũng sẽ là những phương tiện mang vũ khí tấn công toàn cầu thông thường, trong điều kiện các quan chức Lầu Năm Góc tiếp tục theo đuổi ý tưởng đang được thử nghiệm.
Khi được hỏi về chi tiết cuộc thử nghiệm, phó đô đốc Benedict cho biết, ông không thể bình luận gì thêm, Cơ quan hậu cần, kỹ thuật và mua sắm Bộ Quốc phòng Mỹ (OUSD - AT&L)) sẽ nghiên cứu, đánh giá về khả năng của tên lửa siêu thanh tấn công nhanh mang đầu đạn thông thường.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá hải quân Patrick Evans trả lời phỏng vấn USNI News cho biết " Cơ quan Chương trình phát triển Hệ thống Chiến lược Hải quân (SSP), thay mặt Bộ quốc phòng tiến hành thử nghiệm tên lửa tấn công nhanh toàn cầu CPS FE-1 tầm trung ngày 30.10.2017, phóng từ căn cứ tên lửa tầm xa Thái Bình Dương ở Kauai, Hawaii.
Cuộc thử nghiệm nhằm thu thập dữ liệu về công nghệ động cơ đẩy tốc độ siêu âm và tầm bay trên tầng khí quyển. Những dữ liệu này sẽ được Bộ Quốc phòng sử dụng để thử nghiệm trên mặt đất, thiết kế mô hình đầu đạn tên lửa và mô phỏng hiệu suất của phương tiện mang phản lực siêu nhanh, có thể áp dụng cho các loại tên lửa mang đầu đạn thông thường thuộc nhóm vũ khí tấn công nhanh toàn cầu CPS (Conventional Prompt Strike).
Chương trình phát triển hệ thống vũ khí tấn công nhanh toàn cầu thông thường, được coi là hệ thống vũ khí chiến lược nhằm răn đe, ngăn chặn các cường quốc hạt nhân như Nga, Trung Quốc và các quốc gia Iran, Triều Tiên. Do cả Nga và Trung Quốc cùng đang phát triển các loại vũ khí răn đe phi hạt nhân – vũ khí siêu thanh có độ chính xác cao, do đó các mục tiêu tiềm năng của nhóm vũ khí này có thể để răn đe, ngăn chặn Iran hoặc Triều Tiên.
Từ những cuộc chiến có sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk, ngoài tuyên bố răn đe thông thường Iran – Triều Tiên, do sử dụng đầu đạn phi hạt nhân, các loại vũ khí này cũng có thể được sử dụng để tấn công các quốc gia không thân thiện như Syria.