|
Tàu sân bay Stennis Mỹ đang cùng tàu sân bay Reagan tập trận sát Biển Đông |
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện diễn ra gay gắt. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett đã bày tỏ hoài nghi về lời tuyên bố của Trung Quốc rằng họ được hàng chục nước ủng hộ cho quan điểm của họ về vụ Philippines khiếu nại họ. Bà Willett cũng nói Washington sẽ giữ vững các cam kết về phòng vệ.
Bà nói Washington có “nhiều lựa chọn” để đáp trả bất cứ hành động nào của Trung Quốc trong khu vực có tầm quan trọng sống còn đến các lợi ích của Mỹ. Vào lúc dự kiến phán quyết sẽ được đưa ra trong vòng vài tuần nữa, Phó Trợ lý Ngoại trưởng nói Mỹ đang vận động các đồng minh và đối tác trong khu vực để đảm bảo có một mặt trận thống nhất.
Bà Willett nhắc lại quan điểm của Mỹ là phán quyết của tòa phải có tính ràng buộc pháp lý. Bà nói Washington hy vọng Trung Quốc sẽ xem phán quyết như “một cơ hội để tái khởi động những cuộc thảo luận nghiêm túc với các nước láng giềng”.
Cách thức Washington xử lý hệ quả của phán quyết được nhiều người xem là một thử thách về tính đáng tin cậy của Mỹ ở trong khu vực. Các quan chức Mỹ cho đến nay vẫn cảnh báo Trung Quốc chớ có tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông hồi năm 2013, cũng như chớ có tăng cường xây dựng và củng cố các đảo nhân tạo.
Về sự kiện hồi tuần trước các nước trong Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á thể hiện sự không thống nhất, bà cho rằng điều đó không quá quan trọng. Sau cuộc họp cấp ngoại trưởng với Trung Quốc, ASEAN đã ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông rồi đột ngột rút lại. Việc này bị xem là do họ chịu áp lực từ Trung Quốc.
Một quan chức cao cấp của Mỹ nói các nước ASEAN đã “chịu một áp lực lớn” và nói rằng ở trong hậu trường Washington đang làm việc để giúp họ có quyết tâm vững chắc.
Theo Straits Times, VOA