Lừa đảo trực tuyến - Bài 5: Các bộ, ngành cần chung tay "làm sạch" môi trường mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc chiến phòng, chống lừa đảo trực tuyến cần tiếp tục có sự tham gia, góp sức của tất cả các bộ ngành liên quan, trong đó có việc liên thông dữ liệu – theo quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.

Trao đổi với báo chí về tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, gần đây, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Do đó, “cuộc chiến” phòng, chống lừa đảo trực tuyến cần tiếp tục có sự tham gia, góp sức của tất cả các bộ ngành liên quan, trong đó có việc liên thông dữ liệu.

Cho rằng đây là vấn đề toàn cầu, các nước khác trong khu vực và trên thế giới cũng gặp các vấn đề tương tự như Việt Nam và đều có những phương án hành động giống như chúng ta, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nhằm giúp người dân có thể tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng, biết cách phòng tránh các chiêu thức lừa đảo trực tuyến.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nổi

Thời gian qua, đã có nhiều đường dây tội phạm công nghệ cao có yếu tố người nước ngoài bị bóc gỡ, triệt phá, nhất là các đối tượng nước ngoài cầm đầu đặt trụ sở tại nước ngoài, lôi kéo một số người dân tham gia hoạt động tội phạm lừa đảo.

Thượng tá Phạm Công Hải, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho biết, hiện nay tội phạm công nghệ cao có những diễn biến phức tạp, các hoạt động lừa đảo, xâm hại quyền riêng tư xảy ra với nhiều người dân, nhất là những người dân vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn và người lớn tuổi.

Thượng tá Phạm Công Hải, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05).JPG
Thượng tá Phạm Công Hải cho biết, Bộ Công an cũng đã triệt phá nhiều đường dây có yếu tố người nước ngoài, các nhóm lừa đảo đặt trụ sở tại nước ngoài, lôi kéo người Việt tham gia hoạt động cờ bạc, lừa đảo.

Theo Thượng tá Hải, thời gian vừa qua, tội phạm công nghệ cao vẫn tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, với những phương thức tội phạm mới nổi lên như tội phạm lừa đảo dùng công nghệ Deepfake, tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật, sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc dùng các phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo.

Cùng với đó, hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh trên các nền tảng di động và qua mạng; hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân; hoạt động của một số đối tượng nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để thiết lập điều hành các trang mạng, đường dây tội phạm...

Cùng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm về việc cần sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức, Thượng tá Hải cho biết, lực lượng Công an đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chú trọng triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đã được. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên toàn quốc qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức, các đơn vị của Bộ Công an cùng công an các địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Song song đó, công an cũng tổ chức tốt các công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật.

Theo đại diện A05, Bộ Công an cũng đã triệt phá nhiều đường dây có yếu tố người nước ngoài, các nhóm lừa đảo đặt trụ sở tại nước ngoài, sau đó lôi kéo người Việt tham gia hoạt động cờ bạc, lừa đảo.

Mặc dù vậy, tình trạng tội phạm công nghệ cao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. "Lý do là các đối tượng lợi dụng các thế mạnh của công nghệ thông tin như tính mã hóa, bảo mật, xuyên biên giới. Hành vi phạm tội được thực hiện rất dễ dàng nhưng quá trình điều tra, xử lý lại tốn nhiều thời gian, công sức", ông Hải giải thích.

Nhiều nhóm lừa đảo đặt trụ sở ở Campuchia, Lào và Philippines, sau đó "tuyển dụng", lôi kéo người Việt để lừa đảo người Việt, hoặc mời chào người dân tham gia các hoạt động cờ bạc, tín dụng đen.

huong-dan-su-dung-ung-dung-ncovi-2243324-1832020-6049204-1842020-4338-232.jpeg

Để phòng chống lừa đảo trực tuyến hiệu quả, ông Phạm Công Hải cũng cho rằng cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong xử lý tội phạm lừa đảo trên mạng. Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, trong đó có việc phối hợp với các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước để bàn giải pháp ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật, như việc sử dụng xác thực sinh trắc học để phát hiện, ngăn ngừa tội phạm.

“Thông thường, tội phạm lừa đảo khi nhận lượng tiền lớn, sẽ chuyển qua rất nhiều tài khoản để chiếm đoạt. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế xác thực sinh trắc học để ngăn chặn dòng tiền đó. Hiện chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước”, ông Phạm Công Hải nêu dẫn chứng.

Làm sạch dữ liệu khách hàng, rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ tùy thân

Cũng liên quan việc phối hợp giữa các cơ quan để phòng, chống lừa đảo trực tuyến, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhận định, vấn đề lừa đảo trực tuyến đang ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp. Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách, bao gồm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn các quy trình nhận biết, xác minh thông tin khách hàng.

vt_Tuyen NHNN.JPG
Ông Lê Văn Tuyên cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp để kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia để làm sạch dữ liệu khách hàng.

Không chỉ kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm việc sử dụng tài khoản thanh toán bởi chính chủ đăng ký hoặc người ủy nhiệm hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước còn định kỳ áp dụng biện pháp kiểm tra, xác minh để bảo đảm chủ tài khoản thanh toán là chủ của số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS banking và mobile banking. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp ngăn chặn trường hợp thuê bao cho thuê, cho mượn tài khoản để thanh toán các mặt hàng bất hợp pháp.

Đặc biệt, ông Lê Văn Tuyên thông tin thêm, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để thực hiện nhiều nội dung triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trong đó có kết nối và khai thác Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu khách hàng, thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ tùy thân để mở tài khoản thanh toán.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có phương án hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin chủ tài khoản đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động.

Ông Lê Văn Tuyên cũng chia sẻ, việc Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường giải pháp xử lý SIM rác hiệu quả đã giúp chủ tài khoản đăng ký SIM di động khớp đúng với tài khoản ngân hàng, góp phần phòng chống tội phạm mạng.

Bộ Công an khuyến cáo 8 điểm sau để phòng, chống lừa đảo trực tuyến:

1. Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là công an, để thông báo, yêu cầu điều tra các vụ án liên quan.

2. Người dân lưu ý thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội.

3. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cá nhân, cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa xác định rõ nhân thân lai lịch của người đó.

4. Người dân không nhấp vào đường link hoặc tệp đính kèm trong email (thư điện tử), tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

5. Nếu nhận tin nhắn vay, mượn tiền, chuyển tiền từ tài khoản của người thân, tin nhắn qua ứng dụng OTT, người dân cần xác nhận lại thông tin.

6. Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến. (Website của tổ chức doanh nghiệp sẽ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu đăng ký bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền giao thức https).

7. Người dân tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng, hay nhận tiền chuyển khoản của hàng từ người không quen biết.

8. Nếu nghi ngờ gặp phải trường hợp chiếm đoạt tài sản cá nhân, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết./.