Lừa đảo trực tuyến - Bài 3: Thực trạng Việt Nam so với thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lừa đảo trực tuyến không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo ước tính của Global Anti-Scam Alliance, những kẻ lừa đảo đã đánh cắp được hơn 1.000 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến 8/2023.

Lừa đảo trực tuyến - Bài 3: Thực trạng Việt Nam so với thế giới

Thiệt hại hơn 1 nghìn tỉ USD

Hôm 18/10 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh về chống lừa đảo toàn cầu ở Lisbon, tổ chức phi lợi nhuận Global Anti-Scam Alliance (GASA) phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu ScamAdviser đã công bố số liệu về lừa đảo trực tuyến toàn cầu. Đây là lần thứ 4 Hội nghị được tổ chức.

Theo công bố, thiệt hại từ các vụ lừa đảo từ tháng 8/2021 đến 8/2022 lên tới 1,02 nghìn tỉ USD, cao hơn nhiều so với mức 55,3 tỉ USD trong năm 2021 và 47,8 tỉ USD vào năm 2020.

Con số này được tổng kết sau khi các chuyên gia của GASA tiến hành khảo sát 49.459 người từ 43 quốc gia khác nhau trên thế giới. Những người được khảo sát chia sẻ về hình thức lừa đảo trực tuyến mà họ gặp phải và số tiền bị mất. Dữ liệu sau đó được ngoại suy dựa trên dân số của quốc gia.

Ông Jorij Abraham, Giám đốc điều hành của GASA, nói rằng phương pháp tính toán trước đây dựa trên số liệu cung cấp bởi các cơ quan thực thi pháp luật nên chưa chính xác, do chỉ có khoảng 7% số vụ lừa đảo được báo cáo cho cơ quan thực thi pháp luật. Lần này, tổ chức của ông đã tiến hành khảo sát trực tiếp người dân để có con số chính xác hơn.

Nghiên cứu cho thấy người dân Singapore bị lừa mất nhiều tiền nhất, trung bình 4.031 USD/nạn nhân. Thụy Sĩ xếp sau với 3.767 USD. Người dân Áo xếp thứ 3 với 3.484 USD. Có 2 nạn nhân người Singapore đã mất tổng cộng 660,7 triệu USD.

Hình thức lừa đảo phổ biến nhất, theo GASA, liên quan đến mua sắm trực tuyến, đánh cắp danh tính. Và chúng đang lợi dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi của mình. Những kẻ lừa đảo thường không xuất hiện trên video, nhưng giờ đây chúng có thể làm điều đó dựa vào công nghệ Deepfake.

Lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam so với thế giới

Theo nghiên cứu cũng của GASA thực hiện riêng tại châu Á, thì người dùng Internet Việt Nam đối mặt với nguy cơ lừa đảo trực tuyến ở mức trung bình so với châu lục. Cụ thể, 10% người dùng đối mặt với nguy cơ lừa đảo hàng ngày, 20% mỗi tuần và 25% vài tháng một lần.

Tại Việt Nam, 80,2% số người được hỏi cho biết những kẻ lừa đảo tiếp cận với họ qua điện thoại, 57,5% qua tin nhắn SMS và 49,9% qua ứng dụng OTT.

lua dao online.jpg

Báo cáo của GASA cũng cho thấy ở các quốc gia được khảo sát ngoại trừ Trung Quốc, thì Facebook là một trong số 5 nền tảng mà người dùng đối mặt với nguy cơ lừa đảo cao nhất.

Ở Việt Nam, tỉ lệ rủi ro bị lừa đảo của người dùng khi sử dụng Facebook là 71,5%, Gmail là 29,5%, Telegram là 28%, Google là 12,9% và TikTok là 12,8%.

Các tình huống lừa đảo phổ biến nhất bao gồm lừa đảo tài chính (12,5%), mua sắm (12,3%), trộm cắp dữ liệu (12,2%), việc làm (9%) và từ thiện (4,8%).

Gần 16% nạn nhân tại Việt Nam cho biết họ không nhận ra hành vi lừa đảo, trong khi 21,9% trở thành nạn nhân do bị dụ dỗ bằng những ưu đãi hấp dẫn. Khoảng 18% chấp hành rất nhanh trước yêu cầu của kẻ lừa đảo do bị thao túng tâm lý.

Tại châu Á, Hồng Kông là nước có tỷ lệ lừa đảo trực tuyến cao nhất, với 45% người được hỏi cho biết họ gặp lừa đảo hàng ngày, 26% gặp hàng tuần. Ngược lại, tỷ lệ lừa đảo trực tuyến ở Philippines, Nhật Bản, Indonesia và Trung Quốc là tương đối thấp.

Theo chuyên gia của CASA, nguyên nhân lừa đảo trực tuyến gia tăng ở châu Á là do sau Covid-19, nhiều nước đã nỗ lực đưa nền kinh tế, xã hội lên môi trường số. Đây là điều kiện thuận lợi để những kẻ lừa đảo giấu mặt thực hiện các hành vi của mình.

Còn theo thông tin mà ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc An ninh mạng Viettel đưa ra hôm 15/11 vừa qua, trong năm 2023 Việt Nam có 12 triệu tài khoản các loại bị xâm nhập và 48 triệu bản ghi dữ liệu cá nhân, tổ chức bị rò rỉ và rao bán trên "chợ đen".

Cụ thể, có 10.552 tài khoản của các đơn vị bán lẻ, 26.654 tài khoản của các đơn vị sản xuất bị đánh cắp thông tin. Hơn 11.000 tài khoản lĩnh vực giáo dục và hàng nghìn tài khoản ngành ngân hàng cũng bị xâm nhập, gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thống kê được 5.800 tên miền lừa đảo, ghi nhận 24 vụ rao bán dữ liệu trái phép. Đây chính là nguồn dữ liệu mà kẻ xấu khai thác để đánh lừa người dùng và chiếm đoạt tài sản.

Mặc dù tỷ lệ lừa đảo trực tuyến của Việt Nam chỉ đứng mức trung bình ở châu Á, nhưng lại cao nhất Đông Nam Á và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Vì thế, người dân và các doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức và luôn cảnh giác trước nguy cơ thông tin bị lộ lọt. Điều quan trọng nhất là người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên trách về chống lừa đảo, chẳng hạn như trang web tingia.gov.vn; canhbao.ncsc.gov.vn.

Áp dụng "3 không" để tránh bị lừa đảo

Theo chia sẻ của ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc Ngân hàng ACB - tại Hội thảo "Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực truyến" hôm 19/9 vừa qua, người dân có thể hạn chế nguy cơ bị lừa đảo nếu thực hiện "3 không".

Thứ nhất, không click vào các đường link gửi đến

Thứ hai, không tải app từ bên thứ ba, chỉ tải trên kho Google Play hay App Store

Thứ ba, không nghe theo tư vấn liên quan đến đầu tư, lợi ích tài chính, nhận thưởng... qua điện thoại hoặc mạng xã hội, vì đa phần đó là lừa đảo, làm phiền.

(Còn tiếp)