Loạt tỉ phú công nghệ đồng loạt quay sang ủng hộ ông Trump: Đâu là lý do?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong cuộc bầu cử trước, những người ủng hộ ông Trump ở Thung lũng Silicon thường giữ kín sự ủng hộ của mình. Dù số lượng vẫn còn ít, nhưng giờ họ không còn giấu giếm mà công khai tài trợ.

Ông Donald Trump được giới tỉ phú công nghệ ủng hộ ngày càng nhiều (Ảnh: Crickey)
Ông Donald Trump được giới tỉ phú công nghệ ủng hộ ngày càng nhiều (Ảnh: Crickey)

Khu vực Vịnh San Francisco từ lâu đã là “thành trì” của đảng Dân chủ, nơi có lối sống phóng khoáng, với đa số cử tri bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton vào năm 2016 và ông Joe Biden vào năm 2020. Tuy nhiên, có một nhóm nhỏ nhưng quyền lực bao gồm các tỉ phú ở Thung lũng Silicon đang mở đường cho những người có thể ủng hộ ông Donald Trump và những người tò mò về phong trào “Giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) trong thế giới công nghệ.

Tỉ phú Elon Musk đã công khai ủng hộ ông Trump vào cuối tuần trước, và theo tờ The Wall Street Journal, ông đã hứa sẽ tài trợ một số tiền lớn cho ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ ông Trump, gọi là America PAC.

David Sacks, một tỉ phú đầu tư công nghệ, đã tổ chức một buổi gây quỹ tại nhà của ông ở San Francisco vào tháng trước và phát biểu tại Đại hội Quốc gia Đảng Cộng (RNC) hòa hôm 15/7. Những người khác đóng góp cho America PAC bao gồm anh em sinh đôi Winklevoss, Doug Leone của quỹ đầu tư Sequoia Capital và Joe Lonsdale, người sáng lập Palantir, theo hồ sơ của Ủy ban Bầu cử Liên bang.

Trong cuộc bầu cử trước, những người ủng hộ ông Trump ở Thung lũng Silicon thường giữ kín sự ủng hộ của mình. Dù số lượng vẫn còn ít, nhưng giờ họ không còn giấu giếm mà công khai tài trợ.

Vậy điều gì đã khiến họ thay đổi?

2.png
Nhiều tỉ phú công nghệ nổi tiếng ở Thung lũng Silicon đang dồn sức ủng hộ ông Trump (Ảnh: Getty)

Một người có thể cho rằng số người ủng hộ ông Trump trong ngành công nghệ không nhiều.

"Có thông tin sai lệch cho rằng nhiều tỉ phú công nghệ đang rời bỏ đảng Dân chủ để ủng hộ chiến dịch của Trump/Vance. Thực ra, hầu hết các nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ không ủng hộ Trump/Vance, và những người quan trọng ủng hộ thì đã luôn ở đó từ lâu", Jeffrey Sonnenfeld, trưởng khoa Nghiên cứu Lãnh đạo tại Trường Quản lý Yale, cho hay.

Lý do nhóm này ủng hộ không phải là vì đam mê khẩu hiệu MAGA của ông Trump, mà chỉ đang quan tâm đến lợi nhuận.

Hai vấn đề chính mà nhóm tỉ phú trong ngành công nghệ lo ngại là cách chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xử lý các vụ kiện chống độc quyền và quan điểm của họ về tiền mã hóa, theo Adam Kovacevich, Giám đốc điều hành của Chamber of Progress, một nhóm nghiên cứu chính sách công nghệ.

“Tôi không nghĩ sự thay đổi này chủ yếu là do ông Trump. Nếu ông Biden quan tâm hơn đến lĩnh vực đổi mới, họ có thể vẫn ủng hộ ông ấy”, ông nói.

Nói cách khác: Không phải vì các tỉ phú yêu thích ông Trump, mà là vì họ không thích Lina Khan, người đứng đầu các vụ kiện chống độc quyền của Tổng thống Joe Biden, và Gary Gensler, người giám sát Phố Wall, người đã công khai phản đối tài sản kỹ thuật số.

Gần đây, bà Khan đã chỉ đạo các vụ kiện chống lại Amazon, Microsoft và Meta. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN năm ngoái, bà cho biết những nỗ lực này là một phần của chiến dịch rộng lớn hơn nhằm đưa nhiều nguồn lực của chính phủ vào giải quyết các vấn đề kinh tế hàng ngày của người dân.

Dù các quy định của chính phủ có thể có mục đích tốt, nhưng những người đang kiếm được nhiều tiền từ hệ thống hiện tại lại không thích chúng.

Hai trong số các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất ở Thung lũng Silicon, Marc Andreessen và Ben Horowitz, đã cam kết tài trợ cho America PAC, theo nhiều nguồn tin. Họ cũng không giấu sự thất vọng của mình với chính quyền Biden.

3.png
Lina Khan, chủ tịch FTC, đã dẫn đầu một chiến dịch chống độc quyền tích cực, đặc biệt nhắm vào các Big Tech (Ảnh: Getty)

“Chính phủ Mỹ hiện nay đang xử lý các startup mới một cách cứng rắn hơn trước”, họ viết trong một đoạn blog gần đây, chỉ trích việc các cơ quan quản lý dùng “các cuộc điều tra, truy tố, đe dọa và áp lực để cản trở các ngành công nghiệp mới”. Họ cũng phê phán kế hoạch của chính quyền Biden về việc đánh thuế vào lợi nhuận mà các công ty dự đoán sẽ có trong tương lai, vì điều này sẽ gây hại cho các startup và ngành đầu tư mạo hiểm.

Một người hiểu rõ về kế hoạch của họ nói với Financial Times rằng họ chuyển sang ủng hộ ông Trump vì “có nhiều yếu tố quan trọng liên quan đến tiền mã hóa” và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Người này cũng cho biết điều đó không có nghĩa là họ ủng hộ quan điểm của ông Trump về nhập cư.

Trước đây, ông Trump không mấy yêu thích các doanh nhân công nghệ, những người mà ông từng cáo buộc có thành kiến chống lại các quan điểm bảo thủ, đặc biệt sau khi một số nền tảng mạng xã hội khóa tài khoản của ông. Tuy nhiên, việc gần đây có nhiều tiền từ ngành công nghệ đổ vào, một phần nhờ người vị phó tướng 39 tuổi của ông, dường như đã làm giảm bớt một số quan điểm bảo thủ của ông Trump về công nghệ.

Vào năm 2021, ông Trump đã gọi bitcoin là “trò lừa đảo chống lại đồng USD”. Gần đây, ông lại đang cố gắng thể hiện mình là ứng cử viên ủng hộ tiền mã hóa. Mặc dù chiến dịch của ông chưa đưa ra các chính sách cụ thể về tài sản kỹ thuật số.

Trong khi đó, chính quyền Biden đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với các lãnh đạo ngành công nghiệp, những người cho rằng họ đã gặp khó khăn vì Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) và Gary Gensler, người được coi là đối thủ lớn của cộng đồng tiền mã hóa.

Nhiều công ty công nghệ lớn vẫn đang quyên góp tiền cho ông Biden và các ứng cử viên Dân chủ khác, như Reid Hoffman (người sáng lập LinkedIn) và Eric Schmidt (đồng sáng lập Google). Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông Trump từ Thung lũng Silicon đang gia tăng ngay trong lúc một số nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ đã tạm dừng ủng hộ vì đang có các cuộc thảo luận về việc thay đổi ứng cử viên Tổng thống.