Những dự án bất động sản tỷ USD đổ về Đông Anh
Đông Anh là một trong hai huyện vùng ven Hà Nội đang phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024 được công nhận lên quận. Đây là huyện cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô có diện tích tự nhiên 185,68km2, quy mô dân số đạt hơn 437.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc.
Hiện Đông Anh gần như chưa có dự án khu đô thị quy mô lớn nào hoàn thành. Tuy nhiên, trước thềm lên quận, Đông Anh liên tiếp đón nhiều doanh nghiệp bất động sản như Vingroup, BRG, Sun Group, T&T Group… đăng ký tham gia phát triển loạt siêu dự án tại huyện này.
Đầu tiên là BRG với siêu dự án Thành phố thông minh. Với dự án này, BRG hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản là Sumitomo để cùng phát triển. Dự án được nhà đầu tư động thổ vào tháng 10/2019 này có diện tích hơn 271 ha, tổng mức đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD. Đến tháng 11/2023, Hà Nội công bố triển khai dự án, song từ đó đến nay, siêu dự án vẫn chưa triển khai thêm vì phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
Tiếp đó, Tập đoàn Vingroup cũng hiện diện tại thị trường Đông Anh thông qua công ty con VEFAC - chủ đầu tư dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (quy mô lên tới 90 ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới) và Khu đô thị mới Vinhomes Cổ Loa (tên thương mại Vinhomes Global Gate) với tổng diện tích 385 ha, tổng mức đầu tư 42.000 tỷ đồng.
Ngoài dự án trên, Vingroup cùng 2 liên danh khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại Long Hải và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn (công ty con của Vinhomes) cũng đã đăng ký làm dự án Khu đô thị thông minh, sinh thái tại huyện này.
Dự án Khu đô thị thông minh, sinh thái nằm tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh, huyện Đông Anh có quy mô 268 ha, với dân số khoảng 38.500 người sau khi hoàn thành. Tổng mức đầu tư sơ bộ cho dự án này khoảng 33.093 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2.090 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, vào trung tuần tháng 10, Vingroup đã gửi văn bản lên UBND thành phố Hà Nội đề xuất xây cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT). Cây cầu có tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng kết nối trung tâm TP.Hà Nội với huyện Đông Anh, mở ra kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Vành đai 3.
Một dự án khác của chủ đầu tư Sun Group là Công viên Kim Quy, có diện tích 190 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng cũng nằm tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Dự án này được động thổ vào tháng 9/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Hay mới đây, T&T Group và Tập đoàn đầu tư và tư vấn quốc tế JTA (Qatar) ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu phát triển dự án tổ hợp thể thao đa năng, công viên giải trí Disneyland tại Đông Anh. Trong đó, nghiên cứu xây dựng tổ hợp thể thao tiêu chuẩn thế vận hội Olympic với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1,3 tỷ USD và tổ hợp công viên chuyên đề, vui chơi giải trí có tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD. Tổng mức đầu tư siêu dự án này có thể lên đến 4,5 tỷ USD, trên diện tích 330 ha.
Ngoài ra, Đông Anh gần đây cũng ghi nhận loạt doanh nghiệp đăng ký tham gia các dự án như: Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex - WTO) đăng ký thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung (quy mô 46,6 ha, vốn 13.000 tỷ đồng).
Bên cạnh những dự án chưa hiện hữu trên, Đông Anh hiện có 2 dự án chung cư đã đi vào hoạt động là Eurowindow River Park của Eurowindow Holding (gồm 200 biệt thự, liền kề và 2.058 căn hộ chung cư) và Intracom Riverside của Intracom Group (3 tòa nhà cao 39 tầng gồm 1.036 căn hộ cùng tiện ích văn phòng).
Bất động sản Đông Anh thiết lập giá mới
Liên tiếp đón hàng loạt các dự án lớn, thị trường bất động sản Đông Anh cũng trở nên sôi động trong thời gian gần đây. Khảo sát của VietTimes ghi nhận, lượng môi giới và nhà đầu tư đổ về thị trường Đông Anh ngày càng đông, giá đất và nhà ở cũng thiết lập mặt bằng mới.
Ngoài ra, sức nóng của dự án án Vinhomes Global Gate Đông Anh kéo theo nhà đất xung quanh khu vực này tăng mạnh.
Theo ghi nhận của PV VietTimes, tại các xã Vĩnh Ngọc, Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm ghi nhận giá tăng cao nhất. Giá đất mặt đường Xuân Canh hiện tại 120-140 triệu đồng/m2; đất trong ngõ 80-97 triệu đồng/m2 trong khi cách đây vài tháng giá chỉ 60-65 triệu đồng/m2.
Giá đất 2 mặt tiền đường Đông Hội (thôn Trung Thôn) sát vách dự án Vinhomes Cổ Loa hiện tại đã lên 230-240 triệu đồng/m2, trong khi cuối năm ngoái chỉ khoảng 130-150 triệu đồng/m2.
Khảo sát tại xã Mai Lâm cho thấy giá đất thôn Lê Xá - nơi có khu đất đấu giá, có mức giá cao nhất. Một số khu đất dịch vụ Lê Xá tăng cao lên 135-150 triệu đồng/m2.
Tại các xã sát dự án Thành phố thông minh của BRG cũng ghi nhận tăng cao. Đối với đất mặt tiền rộng ở Phương Trạch có mức giá hiện tại khoảng 190-210 triệu đồng/m2, đất mặt tiền 4m khoảng 140-160 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, hiện có một dãy nhà đất mặt tiền chỉ vài chục hộ sinh sống và kinh doanh tại trục đường chính sầm uất nhất thôn Ngọc Chi (xã Vĩnh Ngọc), sát chân cầu Nhật Tân có giá bán lên tới 300 triệu đồng/m2.
Nhìn chung, tại Đông Anh hiện chỉ còn xã Tiên Dương, Vân Nội đang có mức giá đất nền trong ngõ sâu mềm nhất, dao động khoảng 40-55 triệu đồng/m2.
Ở phân khúc cao tầng, dự án chung cư cũ Intracom Riverside có giá mỗi m2 căn hộ đang dao động quanh mức 51-53 triệu đồng/m2. Hay dự án Eurowindow River Park cũng tăng gấp đôi lên hơn 50 triệu đồng/m2, trong khi cùng thời điểm tháng 6/2023 giá chỉ 25-27 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, tại dự án chung cư Masteri Grand Avenue sắp mở bán tại Đông Anh của Masterise Homes có giá thăm dò khoảng 97-130 triệu đồng/m2 - cao nhất khu vực ngoại thành, thậm chí cao hơn nhiều so với một số dự án trung tâm.
Còn ở phân khúc thấp tầng, Vinhomes Global Gate cũng gây sốc với mức giá liền kề 300 - 350 triệu đồng/m2 còn biệt thự có giá tham khảo 400 - 730 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Một số căn biệt thự, liền kề tại này được đưa ra để thăm dò thị trường có giá cao hơn hẳn các dự án đã mở bán trước đó ở khu vực trung tâm.