Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 12 tháng 3 cho hay, từ tháng 7/2016, khi Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD), hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng xấu. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi vào tuần trước, Tập đoàn Lotte đồng ý đổi đất với quân đội Hàn Quốc để triển khai THAAD.
Đảng cầm quyền Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ tích cực xem xét tiến hành kiện Trung Quốc lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng, các quan chức chính phủ thì cho rằng cách làm được cho là "hành động báo thù" này rất tế nhị, WTO rất khó tiến hành trừng phạt đối với vấn đề này.
Hiện nay hầu như không có chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc vi phạm các quy định của WTO. Nếu Hàn Quốc kiện lên WTO thì việc này sẽ chỉ làm xấu thêm quan hệ hai nước.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Hàn Quốc. Số liệu của Hiệp hội thương mại Hàn Quốc cho biết kim ngạch xuất khẩu đối với Trung Quốc năm 2016 đạt 124 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi đó, cách đây 15 năm, tỷ lệ này chỉ ở mức khoảng 10%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hàn Quốc hầu như không thay đổi, vẫn chiếm khoảng 4,5% tổng xuất khẩu của họ.
Các biện pháp đáp trả của Hàn Quốc có thể đến từ các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất đối với Trung Quốc là chất bán dẫn và màn hình, những mặt hàng này chiếm 1/3 xuất khẩu đối với Trung Quốc.
Nhưng, một nhà phân tích đầu tư chứng khoán Hàn Quốc cho biết, nếu Hàn Quốc áp dụng bất cứ biện pháp pháp lý nào như hạn chế xuất khẩu loại hàng hóa này thì họ đều sẽ phải hy sinh lợi nhuận của ngành này, vì vậy sẽ không thực tế. Trong tình hình xấu nhất, tranh chấp có thể làm cho quy mô kinh tế Hàn Quốc giảm tới 0,25%.
Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc đã chuyển sang đề nghị doanh nghiệp tìm đối sách như phân tán thị trường. Le Belle Cosmetics là một trong những doanh nghiệp cân nhắc áp dụng cách làm này.
Giám đốc doanh nghiệp này cho biết do số lượng du khách Trung Quốc giảm xuống, tiêu thụ của một cửa hàng miễn thuế thuộc công ty này ở trung tâm Soeul "từ từ rơi vào đình trệ".
Vị giám đốc này nói: "Chúng tôi không thể chỉ lệ thuộc vào Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh, các thị trường mới nổi như Việt Nam cũng là phương án lựa chọn mở rộng tiềm năng, "nhưng, không có thị trường nào có thể thay thế Trung Quốc".
Một nhà nghiên cứu lâu năm từ Viện nghiên cứu ngành nghề Hàn Quốc cho rằng chính phủ Hàn Quốc đề nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, từ đó giảm ảnh hưởng từ Trung Quốc xuống thấp nhất. Có điều, đề nghị này rất "thiếu trách nhiệm".
Nhà nghiên cứu này nói: "Thị trường Trung Quốc quá lớn". Kiện lên WTO cũng không khả thi, bởi vì thiếu chứng cứ, hơn nữa có thể mất thời gian vài năm. "Phương pháp tốt hơn là thông qua kênh ngoại giao để thảo luận".
Một nguồn tin cho hay doanh nghiệp ô tô Hyundai Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình, "đến nay vẫn chưa thấy tác động quá lớn, nhưng chúng tôi lo ngại sự phát triển của tình hình". "Có công ty đã trở nên bất lực".