|
Hộ chiếu CH Síp đang là mục tiêu nhắm tới của nhiều nhà giàu và quan chức Trung Quốc (Ảnh: zhihu). |
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) tiếng Trung, thành viên Liên minh châu Âu Cộng hòa Síp đã phê duyệt 1.400 "hộ chiếu vàng" từ năm 2017 đến năm 2019, trong đó hơn 500 hộ chiếu được cấp cho người Trung Quốc. Đây là nội dung của "Hồ sơ Cyprus" được Đài Al Jazeera đưa tin.
Chính phủ Cộng hòa Síp đã đưa ra "Kế hoạch đầu tư Síp" vào năm 2013. Theo kế hoạch này, người nào thông qua việc mua bất động sản và các hình thức đầu tư khác vào CH Síp với giá trị ít nhất 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD) là có thể xin được cấp cái gọi là "hộ chiếu Vàng". Hộ chiếu CH Síp có thể mang lại nhiều lợi ích, không yêu cầu người chủ phải sống ở đó và đảm bảo quyền tự do ra vào 26 quốc gia EU khác và được làm việc tại đó.
|
Hồ sơ Cyprus đã lật tẩy hàng ngàn nhà giàu và quan chức các nước vung tiền mua quốc tịch của CH Síp để trốn tránh pháp luật trong nước (Ảnh: inty).
|
Các phóng viên điều tra của Al Jazeera đã nghiên cứu "Hồ sơ Cyprus" bị rò rỉ và phát hiện ra rằng hầu hết những người lấy được “hộ chiếu Vàng” là người Nga, Trung Quốc và Ukraine... Chính phủ CH Síp đã nhận được tới 7 tỷ euro trong kế hoạch đầu tư trong vòng hai năm. Đây chắc chắn là một thứ thuốc trợ lực quý giá cho nước CH Síp đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Trong số khoảng 500 người Trung Quốc nhập tịch CH Síp, Al Jazeera đã công bố thông tin của 8 người, trong đó có Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), sinh năm 1981, bà chủ của Tập đoàn Bích Quế Viên (Country Garden), người phụ nữ giàu nhất châu Á. Theo bảng xếp hạng những phụ nữ giàu nhất thế giới năm 2020 của Forbes, Dương Huệ Nghiên đứng thứ 6 với tài sản ước tính 20,3 tỷ USD. Tài sản của cô chủ yếu đến từ cha cô, Dương Quốc Cường (Yang Guoqiang), người sáng lập và là chủ tịch hội đồng quản trị Country Garden. Ông Dương Quốc Cường cũng là Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc (CPPCC). Xin hộ chiếu nước khác hoặc quyền cư trú vĩnh viễn tại một quốc gia khác không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không công nhận hai quốc tịch. Về lý thuyết, sau khi lấy được hộ chiếu Síp vào ngày 23/10/2018, Dương Huệ Nghiên không thể tiếp tục giữ quốc tịch Trung Quốc.
|
Dương Huệ Nghiên, nữ doanh nhân giàu nhất Trung Quốc bị lật tẩy đã có hộ chiếu CH Síp, ảnh nhỏ là cha cô, ông Dương Quốc Cường (Ảnh: chinesenews).
|
Những người Trung Quốc khác đã được Al Jazeera công khai quốc tịch CH Síp cũng bao gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân và thành viên của Ủy ban Chính Hiệp của một số tỉnh và thành phố. Tờ South China Morning Post xuất bản ở Hồng Kông chỉ ra rằng một khi những người này bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài, họ sẽ bị bãi bỏ tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc Ủy viên Chính Hiệp.
Trong số những người bị lật tẩy còn có Lục Văn Bân (Lu Wenbin), đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thành Đô, được cấp hộ chiếu CH Síp vào tháng 7/2019; Trần An Lâm (Chen Anlin), Ủy viên Chính Hiệp quận Hoàng Pha, thành phố Vũ Hán, được cấp hộ chiếu tháng 7/2018; và Phó Chính Quân (Fu Zhengjun), cựu Ủy viên Chính Hiệp thành phố Kim Hoa tỉnh Chiết Giang, nhận hộ chiếu tháng 11/2017; và Triệu Chấn Bằng, (Zhao Zhenpeng), Ủy viên Chính Hiệp thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, nhận hộ chiếu CH Síp vào tháng 2/2019.
Tờ South China Morning Post cũng chỉ ra rằng những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép có hộ chiếu nước ngoài. Trong “danh sách đen” được Al Jazeera tiết lộ có tên của Đường Dũng (Tang Yong), chủ tịch của China Resources Power (Tập đoàn Điện lực Hoa Nhuận), một doanh nghiệp nhà nước. Theo báo cáo, Đường Dũng có hộ chiếu CH Síp vào tháng 1/2019. Tháng 12 cùng năm, ông được chuyển từ China Resources Land sang China Resources Power với tư cách là chủ tịch.
Có nhiều tiền đầu tư vào CH Síp không phải là điều kiện duy nhất để những người giàu có có được hộ chiếu nước này. Chính phủ CH Síp yêu cầu xác minh nghiêm ngặt lý lịch của người xin nhập quốc tịch; những người có tiền án không được nhập quốc tịch.
Tuy nhiên, “Hồ sơ Síp” cho thấy có đầy sơ hở trong điểm này. Thương gia Trung Quốc Trương Khắc Cường (Zhang Keqiang), một doanh nhân đã bị kết án tù vì tội kinh doanh cổ phiếu, và một doanh nhân Trung Quốc khác, Lý Gia Đông (Li Jiadong), đã từng bị Mỹ trừng phạt vì rửa tiền hơn 100 triệu USD. Nhưng cả hai người này đều đã mua được “hộ chiếu vàng” của CH Síp. Sau khi các vụ bê bối tương tự được tiết lộ, CH Síp đã sửa đổi các luật liên quan vào năm 2019, không chỉ điều tra nghiêm ngặt các nhà đầu tư, mà còn hủy bỏ các hộ chiếu đã cấp. Hiện tại, chính phủ CH Síp đã hủy bỏ quyền công dân Síp của khoảng 30 người nước ngoài.
|
Ngày càng có nhiều nhà giàu Trung Quốc tìm cách có hộ chiếu nước ngoài để rời khỏi Trung Quốc (Ảnh: zhihu).
|
Tuy nhiên, "Kế hoạch đầu tư Síp" vẫn đang được thực hiện. Theo Đài Al Jazeera, trong số hơn 500 người đến từ Trung Quốc, chỉ có 8 "nhân vật chính trị của công chúng" được tiết lộ, phần lớn những người còn lại đều không có lý lịch chính trị hay tiền án phạm tội quan trọng.
Al Jazeera cũng cung cấp tư liệu về 11 người Trung Quốc nộp đơn xin nhập quốc tịch CH Síp nhưng không nêu tên của họ, bao gồm "cựu giám đốc ngân hàng đầu tư của một công ty chứng khoán ở Trung Quốc", "chủ tịch một nhà máy sản xuất ô tô điện" và "Giám đốc thông tin của một công ty dược phẩm ở Hồng Kông"... Trước đó, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo trong một báo cáo vào tháng 1/2019 rằng chương trình "Hộ chiếu vàng" của CH Síp có thể giúp các nhóm tội phạm có tổ chức thâm nhập châu Âu, đồng thời làm gia tăng nguy cơ rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế.