Lo ngại Ukraine không kích, Nga bố trí hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên nóc các tòa nhà ở Moscow

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Được sự hỗ trợ quân sự liên tục từ phương Tây, Ukraine thường xuyên phản công, Điện Kremlin cảnh báo nếu Kiev có được vũ khí tầm xa có thể khiến leo thang chiến tranh nên đã chủ động phòng ngừa ở Moscow.
Ngày 19/1, Nga đã triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên một số nóc tòa nhà trụ sở chính phủ ở Moscow (Ảnh: Newsweek).
Ngày 19/1, Nga đã triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên một số nóc tòa nhà trụ sở chính phủ ở Moscow (Ảnh: Newsweek).

Để đối phó với tình huống Ukraine oanh kích các mục tiêu quan trọng ở thủ đô Moscow, hệ thống phòng không Pantsir-S1 đã xuất hiện trên nóc một số tòa nhà chính phủ, trong đó có Trung tâm Quản lý Quốc phòng (National Defense Management Center).

Theo trang tin NetEasy Trung Quốc ngày 20/1, các cơ quan truyền thông Mỹ như NewsweekThe Drive ngày 19/1 đưa tin, những bức ảnh và video về việc các hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 được cẩu lên nóc các tòa nhà liên tục lan truyền mạnh mẽ trên Internet hôm thứ Năm (19). Đồng thời cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng chiến tranh có thể leo thang nếu phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine. Ông nói: "Điều đó có thể cực kỳ nguy hiểm, có nghĩa là sẽ đưa cuộc xung đột này lên một cấp độ hoàn toàn mới. Đương nhiên nó không phải là tín hiệu tốt xét từ quan điểm an ninh toàn cầu và toàn châu Âu".

Cần cẩu đưa hệ thống Pantsir-S1 lên nóc nhà (Ảnh: Newsweek).

Cần cẩu đưa hệ thống Pantsir-S1 lên nóc nhà (Ảnh: Newsweek).

Kể từ khi Nga mở “Chiến dịch Quân sự đặc biệt” đưa quân vào Ukraine ngày 24/2/2022, Mỹ và các đồng minh phương Tây khác đã liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine một cách đều đặn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ không cung cấp cho Kiev các loại vũ khí có khả năng tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Ukraine có thể không phải dựa vào Mỹ vẫn có đủ sức mạnh tác chiến tấn công lãnh thổ Nga.

Tờ Kyiv Independent của Ukraine trước đây đã đưa tin, nhà sản xuất vũ khí Ukroboronprom của nhà nước Ukraine tuyên bố đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm một loại máy bay không người lái tầm xa với tầm hoạt động hơn 1.000 km và có tải trọng khoảng 165 pound (gần 75 kg). Trước đó Ukraine cũng đã sử dụng loại máy bay không người lái tầm xa TU-141 do Liên Xô trước đây sản xuất để tập kích các sân bay chiến lược ở sâu trong lãnh thổ Nga.

Thông tin về động thái này trên mạng xã hội (Ảnh: NetEase).

Thông tin về động thái này trên mạng xã hội (Ảnh: NetEase).

Sau khi thông tin Nga lắp đặt hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên nóc các tòa nhà chính phủ được tung ra, một số cư dân mạng đã cảnh báo: "Nếu không tính toán sức chịu đựng của kết cấu mái nhà, sức nặng của hệ thống này khiến nhà sập xuống thì thật nguy hiểm".

Hệ thống phòng không Pantsir-S1 có hai radar, một để xác định mục tiêu và một để dẫn đường cho tên lửa đánh chặn. Mỗi hệ thống Pantsir-S1 bao gồm 12 quả tên lửa 57E6E và 2 khẩu pháo phòng không 30 mm 2 nòng 2A38.

Pantsir-S1 (tiếng Nga: Панцирь-С1, NATO gọi là SA-22 Greyhound) là một tổ hợp tên lửa - pháo phòng không, tổ hợp này có thể tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung. Đây là một sản phẩm của Công ty KBP ở Tula, Nga. Tổ hợp này có thể được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, hoặc đặt trên các bệ, trụ cố định. Pantsis được phát triển trên cơ sở tổ hợp 9M311 Tunguska SA-19.

Tổ hợp Pantsir-S1 và radar (Ảnh: NetEase).

Tổ hợp Pantsir-S1 và radar (Ảnh: NetEase).

Mỗi tổ hợp Pantsir-S1 có kíp chiến đầu gồm 2 đến 3 người. Tổ hợp phòng không này gồm các khẩu pháo phòng không tự động và các tên lửa đất đối không, cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và đài chỉ huy vô tuyến. Hiện tại đây được xem là tổ hợp pháo phòng không kết hợp với tên lửa bán chạy nhất thế giới và không có đối thủ trên thị trường vũ khí.

Một tổ hợp Pantsir-S1 trên nóc một tòa nhà ở Moscow (Ảnh: Newsweek).

Một tổ hợp Pantsir-S1 trên nóc một tòa nhà ở Moscow (Ảnh: Newsweek).

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 được sử dụng để bảo vệ các khu vực mục tiêu trọng yếu, các điểm dân cư và quân sự, đội hình đơn vị chiến đấu đang cơ động cấp trung đoàn hoặc bảo vệ các hệ thống phòng không khác như S-300/S-400. Nó có thể được sử dụng để đối phó với nhiều mối đe dọa khác nhau bao gồm máy bay chiến đấu cánh cố định, máy bay trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình, đồng thời cũng có thể đánh chặn đạn pháo và bom… với diện tích phản xạ radar nhỏ nhất là 2 cm² tới 3 cm², và tốc độ lớn nhất lên tới 1300 m/s. Vũ khí của tổ hợp Pantsir-S1 có tầm bắn tối đa 20 km và trần bắn 15 km ngay cả khi hệ thống đang di chuyển, có thể tấn công cùng lúc 4 mục tiêu; đây được coi là cải tiến vượt trội so với hệ thống 9M311 Tunguska SA-19. Theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.

Máy bay không người lái tầm xa TU-141 của Ukraine (Ảnh: Twitter).

Máy bay không người lái tầm xa TU-141 của Ukraine (Ảnh: Twitter).

Trong cuộc nội chiến Syria, Nga đã đưa Pantsir-S1 tới Căn cứ Không quân ở Syria để bảo vệ lực lượng đặc nhiệm Nga đóng tại đây trong các hoạt động chung với lực lượng chính phủ Syria. Pantsir-S1 đã thể hiện xuất sắc và bắn hạ tất cả các đối tượng tấn công. Hiệu quả của nó năm 2017 lần đầu tiên được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc tiết lộ trong một phóng sự đặc biệt; theo đó Pantsir-S1 đã bắn hạ 18 mục tiêu, bao gồm 3 tên lửa, 3 khinh khí cầu trinh sát, một quả đạn cải tiến từ bình ga và 3 máy bay không người lái IAI Heron do Israel sản xuất, RQ-21 của Mỹ và Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, 1 UAV dân sự của DJI (Trung Quốc) cải tiến và 6 UAV tự chế trong một vụ việc xảy ra vào cuối năm.

Video trên mạng về Nga triển khai hệ thống phòng không Pantsir-S1 trên nóc các tòa nhà ở Moscow.

Trong cuộc nội chiến lần thứ hai ở Libya, lực lượng vũ trang của Haftar đã nhận được phiên bản xuất khẩu của hệ thống phòng không Pantsir-S1 từ Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng nó đã bị máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt.

Sau khi Nga mở “Chiến dịch Quân sự đặc biệt” năm 2022, rất nhiều tổ hợp phòng không tự hành Pantsir-S1 đã được đưa vào chiến trường ở tiền tuyến, nhưng do khi đó vào lúc vừa chuyển từ mùa đông sang mùa xuân và chiến trường chủ yếu diễn ra ở vùng hoang dã nên một số lượng Pantsir-S1 không xác định bị mắc kẹt trong bùn do bánh lốp không thể chạy khỏi chiến trường nên đã bị quân đội Ukraine bắt giữ.