Sẽ trở thành nước sở hữu nhiều máy bay F-35 nhất ở khu vực
Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 13/9 dẫn Đài phát thanh quốc tế Pháp ngày 12/9 cho hay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba được 3 ngày, Quân đội Hàn Quốc cân nhắc mua thêm 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Loại máy bay chiến đấu tàng hình này nghe nói có thể chọc thủng mạng lưới phòng không 4 tầng của Bình Nhưỡng, tiến hành tấn công chính xác đối với Bình Nhưỡng một cách "thần tốc".
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc cho hay, năm 2013, Quân đội Hàn Quốc xác định muốn sở hữu 60 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, nhưng do ngân sách có hạn, khi đó chỉ quyết định mua 40 chiếc. 40 máy bay chiến đấu F-35 này dự tính bắt đầu trang bị cho Quân đội Hàn Quốc trong giai đoạn 2018 - 2021.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35A có thể lắp 2 quả bom dẫn dường chính xác GBU-31 (JDAM) và 2 quả tên lửa đất đối không AIM-120C. Mặc dù bị cho là hỏa lực không đủ, nhưng do tránh được radar, nó có thể xâm nhập Bình Nhưỡng tiêu diệt cơ quan đầu não của Triều Tiên.
Tờ Phương Đông Trung Quốc ngày 13/9 dẫn nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc cũng tiết lộ, Quân đội Hàn Quốc đang cân nhắc mua bổ sung 20 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ, đây là đối sách mới của Hàn Quốc nhằm ứng phó với sự thay đổi của tình hình an ninh sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên.
Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cho rằng, với việc mua bổ sung này, Hàn Quốc sẽ trở thành nước có số lượng máy bay chiến đấu F-35A triển khai nhiều nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vượt số lượng mua F-35 của Nhật Bản.
Lý Lỵ cho rằng, sau khi trang bị lô máy bay chiến đấu F-35A này, sức chiến đấu của Không quân Hàn Quốc sẽ tăng vọt.
Từ thiết kế thân máy bay và giảm tiết diện phản xạ của radar, máy bay chiến đấu F-35A có khả năng tàng hình nhất định. Ưu thế này rất rõ ràng khi so sánh với máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba. Bán kính tác chiến của F-35A sẽ trên 1.000 km.
Ngoài ra, F-35A còn có khả năng tuần tra siêu âm, khác hẳn các máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba hiện có của Hàn Quốc như F-15, F-16.
Khi không đốt nhiên liệu phụ trội, F-35A có thể duy trì bay siêu âm trong thời gian dài, chứ không cần sử dụng nhiên liệu đốt thêm của động cơ.
Điều quan trọng hơn là, lần này Hàn Quốc đã coi trọng hệ thống điện tử hàng không của F-35. Theo bố cục bộ cảm biến của F-35, nó có thể tiến hành dò tìm 360 độ, tức là có thể do thám ở mọi hướng - cả phía sau, phía dưới và mặt bên.
Máy bay ném bom B-1 Mỹ đã đến Hàn Quốc răn đe Triều Tiên
Ngoài ra, nguồn tin từ Quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc tiết lộ, để uy hiếp Triều Tiên, 2 máy bay ném bom B-1B Lance trong ngày 13/9 đã cất cánh từ căn cứ Guam, bay đến căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc để tiến hành răn đe vũ lực đối với hành động thử hạt nhân của Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap Hàn Quốc xác nhận, trong 2 máy bay ném bom B-1B này, có 1 chiếc được 4 máy bay chiến đấu F-15K Không quân Hàn Quốc hộ tống bay qua căn cứ Osan, một chiếc khác được 4 máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ hộ tống bay phía sau.
Loại máy bay ném bom này là một trong 3 máy bay ném bom chiến lược lớn của Mỹ, tốc độ bay nhanh, có thể chở 24 quả bom hạt nhân.
Mỹ vốn có kế hoạch điều động máy bay ném bom chiến lược tiến hành răn đe Triều Tiên vào sáng ngày 12/9, nhưng do thời tiết ở Guam xấu, kế hoạch này bị trì hoãn đến ngày 13/9.
Tư lệnh Quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc Vincent Keith Brooks cho biết: “Việc phô diễn hôm nay cho thấy sức mạnh quân sự toàn diện của liên minh (Mỹ-Hàn) đủ để cung cấp và tăng cường hiệu quả răn đe. Triều Tiên thử hạt nhân là sự leo thang xung đột cực kỳ nguy hiểm, nó tạo ra mối đe dọa không thể chấp nhận”.
Vincent Keith Brooks cho biết, Mỹ sẽ áp dụng tất cả “các biện pháp cần thiết, bao gồm hành động tương tự ngày hôm nay và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở bán đảo Triều Tiên”.
Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục điều các vũ khí chiến lược đến bán đảo Triều Tiên. 1 tháng tới, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tổ chức tập trận chung trên biển, khi đó, sẽ có sự tham gia của tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan – tàu sân bay này thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.