|
Tàu ngầm nguyên tử USS Georgia cùng 2 chiến hạm hộ tống băng qua eo biển Hormuz hôm 21/12 (Ảnh: RT) |
Và mối quan hệ giữa Washington và Tehran tiếp tục chuyển biến xấu hơn trong tuần này, sau khi tàu ngầm tên lửa dẫn đường USS Georgia của Mỹ băng qua Eo biển Hormuz tiến vào Vịnh Ba Tư trong hôm đầu tuần. Đây là động thái mới nhất mà Mỹ đưa ra nhằm đối phó với Iran.
Tàu ngầm của mỹ được hộ tống bởi 2 chiến hạm; Hải quân Mỹ xác nhận.
“Tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio chạy bằng năng lượng nguyên tử USS Georgia (SSGN 729) cùng với các tàu tên lửa dẫn đường USS Port Royal (CG 73) và USS Philippines Sea (CG 58), băng qua Eo biển Hormuz để tiến vào Vịnh Ba Tư” – tuyên bố của Hải quân Mỹ nêu rõ.
Việc tàu ngầm Mỹ tiến vào Vịnh Ba Tư xuất hiện giữa lúc căng thẳng gia tăng với Iran, đặc biệt là sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc các nhóm phiến quân mà Iran hậu thuẫn tấn công bằng rocket nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghda, Iraq hôm Chủ nhật tuần trước.
Theo hãng NPR, dẫn một số nguồn tin ngoại giao Mỹ, vụ tấn công đã khiến ít nhất 1 thường dân thiệt mạng. Không có nhân sự bên trong Đại sứ quán Mỹ bị thương hay thiệt mạng trong vụ việc.
Trong tuyên bố mới nhất, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad đã lên án vụ tấn công, gọi đây là “hành động vi phạm luật pháp quốc tế” và là đòn tấn công nhằm vào “chủ quyền của chính phủ Iraq”; theo NPR.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo và thủ lĩnh chính trị Iraq có những bước đi để ngăn chặn những vụ tấn công tương tự và bắt những kẻ đứng đằng sau phải chịu trách nhiệm” – tuyên bố nói thêm.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm Chủ nhật tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo đã lên án vụ tấn công này.
“Mỹ cực lực lên án vụ tấn công mới nhất mà các nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào Vùng Quốc té ở Baghdad” – ông Pompeo nói – “Chúng tôi mong rằng những người bị thương nhanh chóng hồi phục”.
Một quan chức Hải quân Mỹ xác nhận với Fox News rằng việc triển khai chiến hạm tới Vịnh Ba Tư “đã được lên kế hoạch từ lâu”, và nhân lễ tưởng niệm tướng Soleimani đang tới gần, nhưng không phải là một phản ứng trước vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Iraq.
Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ cùng các quốc gia khác đã trở nên cực kỳ căng thẳng kể từ tháng trước, sau vụ sát hại ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học kỳ cựu của Iran người dẫn đầu chương trình hạt nhân nước này.
Nhà khoa học nguyên tử hàng đầu của Iran đã bị sát hại ở vùng ngoại ô phía Đông thủ đô Tehran. Cơ quan An ninh Quốc gia Tối cao Iran nói rằng, cơ quan tình báo Mossad của Israel và Tổ chức People’s Mujahedin – nhóm phiến quân/chính trị bị Iran cấm hoạt động – có dính líu tới vụ ám sát này.