|
Công ty phát triển đô thị URB đã công bố bản thiết kế đường cao tốc "xanh" được đề xuất ở Dubai, UAE (Ảnh: URB) |
URB đã công bố các bản thiết kế nguyên mẫu cho một tuyến cao tốc dài 64 km sẽ biến đường Sheikh Mohammed Bin Zayed – một trong những trục đường chính của thành phố - thành một "Xương sống Xanh", bao gồm các xe điện tự động chạy bằng năng lượng mặt trời và hệ thống quản lý giao thông thông minh.
Baharash Bagherian, nhà quy hoạch đô thị và người sáng lập hãng URB, tin rằng dự án "đầu tiên dạng này" sẽ làm cho thiết kế của thành phố trở nên "tập trung hơn vào con người".
"Dubai đang mở rộng nhanh chóng, dân số dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi lên 8 triệu người vào năm 2040", Bagherian cho biết. "Sự tăng trưởng này đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới để đối phó với cả thách thức hiện tại và tương lai. Chúng ta phải xem việc di chuyển không chỉ là việc di chuyển của con người".
Công nghệ thông minh và năng lượng mặt trời
Xe điện tự động chạy bằng năng lượng mặt trời chỉ là một phần của hệ thống giao thông của tuyến đường cao tốc được đề xuất: trên đường ray của xe điện, một mạng lưới các khu vực xanh, công viên và cầu vượt sẽ tăng cường tính kết nối và khả năng đi bộ của người dân – hoạt động được coi là khó ở thời điểm hiện tại.
Con đường cao tốc cũng sẽ tích hợp công nghệ thông minh, như các cảm biến internet vạn vật (IoT), để quản lý giao thông và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.
Thiết kế của Bagherian cho phép lắp đặt các tấm pin mặt trời công suất 300 megawatt và hệ thống lưu trữ dưới đường ray, cung cấp điện cho hệ thống xe điện và tạo ra năng lượng sạch đủ cho khoảng 130,000 ngôi nhà.
Các khu vực xanh, bao gồm công viên và vườn cộng đồng, sẽ có không gian cho 1 triệu cây xanh, giúp làm mát thành phố và cải thiện chất lượng không khí.
Còn nhiều thách thức
Việc tạo ra tuyến đường cao tốc "xanh" nhất thế giới trong một thành phố nằm trên sa mạc không phải là điều dễ dàng.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hiện đang có tỷ lệ tiêu thụ nước trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới, khoảng 550 lít/ngày (so với trung bình 310 lít/ngày ở Mỹ, 150 lít ở Hong Kong và 144 lít ở EU).
Hầu hết lượng nước này không được sử dụng làm nước uống, mà được sử dụng trong nông nghiệp và cảnh quan, và các khu vực xanh sử dụng lượng nước lớn của đất nước. Ví dụ, Dubai Miracle Garden – một công viên rộng 72,000 mét vuông với 150 triệu cây hoa – tiêu thụ 757,000 lít nước mỗi ngày.
"Dubai đối mặt với một loạt thách thức: sự phát triển nhanh chóng, dân số đa dạng, sự gia tăng của các đô thị và điều kiện khí hậu cực đoan", Bagherian nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất khái niệm “thiết kế cảnh quan nhạy cảm với nước” bao gồm sử dụng cây cối bản địa và các loại cây chịu hạn thích hợp với khí hậu khô cằn, cùng với việc trộn đất với zeolite, một loại tinh thể hút ẩm giúp duy trì nước.
Ông cho biết, những "kỹ thuật thụ động" này được kết hợp với công nghệ tưới tiêu thông minh, "sử dụng dữ liệu thời gian thực để điều chỉnh lịch tưới dựa trên mức độ ẩm của đất, dự báo thời tiết và nhu cầu của cây cối”.
Đô thị trong mơ
Đây không phải là lần đầu tiên URB tham gia vào thiết kế thành phố tương lai. Đề xuất của họ cho "Dubai Mangroves" – dự án tái sinh bờ biển lớn nhất thế giới nếu được thực hiện – đã được tiết lộ vào đầu năm nay. Năm ngoái, họ cũng đề xuất dự án "siêu cao tốc" đi xe đạp trong nhà dài 93 km gọi là “The Loop” có thể giúp cư dân UAE di chuyển mà không cần dùng xe hơi.
Cũng như dự án “Green Spine”, chưa có thiết kế nào trong những dự án này đã được xác nhận. Tuy nhiên, Bagherian cho biết việc hiện thực hóa những thiết kế khái niệm này không phải là điều quá khó khăn.
"Khi phân tích các thành phần của dự án, bạn sẽ thấy không có gì mới mẻ từ quan điểm công nghệ, cấu trúc hoặc vật liệu", ông nói và cho biết rằng sự đổi mới nằm ở cách các công nghệ này được "tích hợp một cách sáng tạo và hài hòa để đáp ứng nhiều nhu cầu".
Bước tiếp theo là thu hút các cơ quan công quyền tham gia, để cung cấp "sự hỗ trợ cần thiết, khung pháp lý và tích hợp cơ sở hạ tầng để đưa dự án tham vọng này thành hiện thực", Bagherian cho biết.