Trong báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và Khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc tế CDC (Cayman Islands), Middle Utilities Company (Singapore) và Infra Asia Investment (Hồng Kông) thành lập tổ chức kinh tế để triển khai các bến cảng tổng hợp bằng nguồn vốn tự có và tự huy động là phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư của Chính phủ.
Đây cũng là lý do để Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Được biết, các nhà đầu tư sẽ tập trung đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp, trong đó hệ thống cảng biển gồm 10 bến tàu cho tàu 50.000 DWT, dịch vụ logistic trên diện tích 1.1292 ha. Thời gian thực hiện Dự án có tổng mức đầu tư 6.940 tỷ đồng này là 50 năm và được phân kỳ thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn bắt đầu từ năm 2017 đến 2021.
Trong Văn bản số 53414/BKHĐT - QLKKT gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá rằng, Dự án có nhiều lợi thế để phát triển.
Cụ thể, Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp này có vị trí khá thuận lợi: giáp Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, cách sân bay Cát Bi 30 km, ở vị trí trung tâm của TP. Hạ Long - Uông Bí - Hải Phòng nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển gắn với các ngành công nghiệp có yêu cầu sử dụng dịch vụ cảng biển, góp phần khai thác hiệu quả cảng Lạch Huyện, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, tạo động lực hình thành trung tâm logistic, tam giác phát triển Hạ Long - Uông Bí - Hải Phòng.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án có doanh thu trung bình khoảng 1.019 tỷ đồng/năm; lợi nhuận sau thuế đạt 389 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách khoảng 240 tỷ đồng/năm. Quan trọng hơn, Dự án dự kiến tạo việc làm trực tiếp cho 110.000 lao động địa phương và các vùng lân cận.
Cần phải nói thêm rằng, tổ hợp nhà đầu tư này đã theo đuổi Dự án khá lâu và tỏ rõ quyết tâm triển khai Dự án. Các nhà đầu tư sẽ thành lập pháp nhân để thực hiện dự án đầu tư theo loại hình công ty cổ phần, vốn điều lệ 1.041 tỷ đồng, trong đó vốn góp của CDC chiếm 70%, Middle East Utilities Company và Infra Asia góp 15% mỗi bên.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, CDC là đơn vị có kinh nghiệm phát triển và xây dựng tại Qatar và khu vực Trung Đông. Nhà đầu tư này có vốn chủ sở hữu 511,7 triệu đồng Qatari Rivals, tương đương 3.155 tỷ đồng Việt Nam. Đây làdoanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển và xây dựng tại Qatar và các nước khu vực Trung Đông, có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính lớn. Công ty này đã triển khai một số dự án quy mô lớn như Tổ hợp Vịnh phía Tây Doha, Qatar (175 triệu USD); khu giải trí và nhà ở The St.Regis Doha (420 triệu USD).
Một tên tuổi rất quen thuộc trong lĩnh vực khai thác cảng biển thế giới góp mặt tại liên danh này là Rent - A - port (cổ đông chính chiếm 94% cổ phần Công ty Infra Asia, 6% còn lại là vốn góp của Chính phủ Bỉ). Tại Việt Nam, Rent - A - port đã đầu tư thành công Dự án Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng có diện tích 541 ha, đã thu hút được 64 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 tỷ USD và 11.800 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đang triển khai Dự án Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với vốn đầu tư 5.147 tỷ đồng.
“Đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định hiện hành; chỉ đạo nhà đầu tư tuân thủ đúng cam kết, thực hiện ký quỹ Dự án theo quy định và thực hiện các ngành nghề kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết của Việt Nam với quốc tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.
Theo Đầu tư