|
Ả Rập Xê-út ra tối hậu thư với Qatar |
Hôm qua (ngày 7/6), hãng thông tấn SkyNews Arabia cho biết Ả Rập Xê-út đã đưa cho Qatar tối hậu thư 24h bắt đầu có hiệu lực từ tối 7/6. Tối hậu thư này yêu cầu Qatar đáp ứng đủ 10 điều kiện nếu muốn quan hệ giữa hai bên trở về bình thường. Các điều kiện này được giao cho bên hòa giải là Cô-oét. Theo tin tức từ phía truyền thông, một trong số các điều kiện quan trọng là Qatar phải chấm dứt mọi quan hệ với hai tổ chức Anh em Hồi giáo và Hamas.
Để đáp trả, Arabic CNN cho biết, Qatar đã đặt quân đội trong tình trạng “báo động cao nhất”, đồng thời điều 16 xe tăng Leopard ở Doha ra khỏi kho niêm cất để chuẩn bị trong trường hợp bị các quốc gia vùng Vịnh xung quanh tấn công quân sự. Hơn nữa, Bộ Quốc phòng Qatar cũng đã gửi thư tới chính phủ các nước Ả Rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain để nói rằng họ sẽ tấn công bất kỳ tàu hải quân nào từ các nước này xâm nhập vào vùng biển của Qatar.
Tình hình căng thẳng leo thang này diễn ra cùng lúc tổng thống Mỹ Trump được cho là đã thay đổi đường lối với Qatar, chỉ một ngày sau khi ông Trump tán thưởng động thái của các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Doha, nơi Mỹ đặt một căn cứ quân sự hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống IS ở đây.
Theo CNN, trong cuộc điện đàm với thủ tướng Qatar, ông Trump đã đề nghị giúp các bên giải quyết những khác biệt bằng cách mời họ tới họp ở Nhà Trắng nếu cần thiết.
Ông Trump cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của tất cả các nước trong khu vực cùng hợp tác ngăn chặn việc tài trợ cho các nhóm khủng bố và ngăn chặn tư tưởng cực đoan.”
Theo các quan chức Mỹ, tình hình hiện nay ở Qatar chưa ảnh hưởng đến các chiến dịch quân sự của Mỹ và tình hinh an ninh quân đội Mỹ ở Qatar.
Trước đó, vào ngày 5/6, Qatar bị A rập Xê út cáo buộc hỗ trợ cho các nhóm khủng bố. Ngay lập tức các nước vùng Vịnh đã cắt đứt quan hệ với nước này và thực hiện biện pháp cấm vận hàng hải với Qatar. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 9 nước cắt đứt quan hệ với Qatar.
Bị cấm vận hàng hải khiến Qatar không chỉ bị cô lập về mặt chính trị mà còn bị cản trở các hoạt động giao thương hàng hải và làm giảm lượng xuất khẩu dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).