|
Tổng thống Mỹ D. Trump điện đàm với Tổng thống Nga V. Putin |
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố rằng, sẽ hợp tác với Nga và Syria để tiêu diệt tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS). Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, mượn cớ ngụy tạo “quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học sát hại dân thường”, Tổng thống Donald Trump bất ngờ quyết định sử dụng 59 tên lửa Tomahawk tấn công vào một sân bay của Syria . Đồng thời, ông tuyên bố sẽ loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad ra khỏi tiến trình chính trị ở Syria. Những động thái mới này của Mỹ dường như đã đặt dấu chấm hết đối với chủ trương của Donald Trump hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.
Câu hỏi đặt ra trong lúc này là liệu Washington có hợp tác với Matxcơva trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria dưới thời Tổng thống Donald Trump? Để trả lời được câu hỏi này cần “giải phẫu” bản chất chiến lược của Mỹ chống khủng bố quốc tế là gì?
Những nghịch lý cần được hóa giải
Thế giới đang chứng kiến những nghịch cần có lời giải.
Nghịch lý thứ nhất: các vụ khủng bố tàn bạo liên tiếp diễn ra trên khắp thế giới và ngay cả trong lòng châu Âu, nhưng nguyên thủ nhiều quốc gia ở “lục địa già” là thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại đang ra sức tuyên truyền và nhồi nhét vào nhận thức của người dân về cái mà họ gọi là “nguy cơ xâm lược từ nước Nga hung hăng”, trong khi Liên bang Nga đang đi đầu trên thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố nhằm ngăn chặn và loại bỏ tội ác do khủng bố gây ra.
Câu trả lời cho nghịch lý thứ nhất là chìa khóa để tìm ra lời giải cho một nghịch lý khác. Đó là, vì sao trong hơn 15 năm qua, NATO sử dụng bộ máy quân sự lớn nhất thế giới tiến hành “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan, nhưng khủng bố không những không bị tiêu diệt mà ngày một lan tỏa mạnh mẽ ra khắp toàn cầu mà các vụ khủng bố ở châu Âu xảy ra ngay “trước mũi” của Bộ Chỉ huy NATO
Nghịch lý thứ ba: Mỹ và NATO tuyên bố, để đánh bại khủng bố ở Syria, trước hết phải loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad, người trong hơn 5 năm nay đã và đang lãnh đạo quân và dân Syria kiên cường chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo nhất ở quốc gia này, hậu quả từ chính sách can thiệp của các nước phương Tây vào các nước Trung Đông trong các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân A rập” .
Chìa khóa để tìm ra lời giải những nghịch lý này ẩn dấu một trong những toan tính chiến lược nguy hiểm. Đó là, NATO đang sử dụng khủng bố như một trong những loại vũ khí hữu hiệu nhất trong cuộc chiến tranh địa chính trị nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược toàn cầu của họ, trước hết là nhằm chống phá nước Nga, bởi chính sách đối ngoại độc lập của Matxcơva là vật cản lớn nhất đối với tham vọng kiểm soát thế giới của các tập đoàn tài phiệt ở phương Tây-“bà đỡ” của liên minh quân sự lớn nhất thế giới sau Chiến tranh lạnh.
Khủng bố-vũ khí hữu hiệu của NATO trong Chiến tranh lạnh
Trong chuyên khảo cứu mang tựa đề "Những đội quân bí mật của NATO: chủ nghĩa khủng bố ở Tây Âu"(“NATO's Secret Armies:Terrorism in Western Europe”), giáo sư lịch sử hiện đại thuộc Đại học tổng hợp Yale, ông Daniele Ganser, chứng minh rằng, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, NATO đã tổ chức nhiều cuộc khủng bố ở Tây Âu để rồi sau đó gắn cho các đảng cánh tả và cực tả, nhằm làm mất uy tín của các đảng đó trước con mắt các cử tri trong các cuộc bầu cử vào quốc hội.
Theo kết quả khảo cứu của Giáo sư Daniele Ganser, NATO là trung tâm của mạng lưới bí mật có quan hệ với chủ nghĩa khủng bố, trong đó gắn kết và phân vai hoạt động giữa NATO với các cơ quan mật vụ Tây Âu, Cục tình báo trung ương Mỹ, Cục tình báo Anh và các tổ chức khủng bố được tuyển mộ từ các nhóm cực hữu. Đội quân bí mật của NATO tồn tại trên lãnh thổ nhiều quốc gia ở Tây Âu như Đức, Italia, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thuỵ Sĩ…
Những tổ chức bí mật này của NATO tiến hành các hoạt động được được gọi là "Stay Behind" (có nghĩa là “hoạt động phía sau”). Các tổ chức bí mật của NATO được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) phối hợp với Cục tình báo Anh trang bị, cung cấp tài chính và huấn luyện, để chống lại các lực lượng vũ trang Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh và thực hiện các hành động khủng bố ở các nước khác nhau trên khắp thế giới. Những tổ chức này đã từng gây ra các vụ khủng bố, sau đó đổ vấy cho những người cộng sản gây ra các hành động đó. Vào thời kỳ khi các Đảng Cộng sản ở châu Âu có quyền lực lập pháp đáng kể trong Quốc hội, chiến lược gây mất ổn định nhằm làm mất uy tín và làm suy yếu những người cộng sản, ngăn cản họ giành được các ghế trong cơ quan lập pháp và hành pháp.
Biểu hiện rõ ràng nhất về chiến lược của NATO sử dụng khủng bố như một thứ vũ khí hữu hiệu trong Chiến tranh lạnh là cuộc chiến tranh ở Afghanistan trong những năm 1980, trong đó Mỹ sử dụng mang lưới khủng bố Al-Qaeda để chống lại các lực lượng của Quân đội Liên Xô đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng của quốc gia này [1]
Nguy cơ khủng bố - lý do “tiện lợi” nhất để biện minh cho sự tiếp tục tồn tại của NATO sau Chiến tranh lạnh
Sau Chiến tranh lạnh, “nguy cơ” từ Liên Xô và các Đảng Cộng sản khác mà NATO ra sức tuyên truyền, cũng như Liên minh phòng thủ Warsava của các nước xã hội chủ nghĩa đã bị giải thể không còn. Để biện minh cho sự tồn tại và mở rộng của mình, NATO vẽ ra “nguy cơ khủng bố mang tính toàn cầu đang đe dọa thế giới”, và để đối phó với nguy cơ này, NATO “buộc” phải tiếp tục mở rộng và kết nạp thêm nhiều thành viên mới, mặc dù lãnh đạo quân sự và chính trị của NATO đã từng cam kết với Liên Xô và Nga rằng liên minh này “sẽ không mở rộng thêm sau Chiến tranh lạnh”.
Trong điều kiện đó, NATO đã tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập quân sự được tuyên truyền là nhằm “sẵn sàng đối phó với nguy cơ khủng bố có tầm toàn cầu”, nhưng trên thực tế, lại là diễn tập các kịch bản đổ bộ lên lãnh thổ một số nước Đông Âu, trước hết là các quốc gia có biên giới giáp với Nga. Để đánh lạc hướng dư luận, NATO tuyên bố thiết lập quan hệ “Đối tác vì hòa bình” với Nga và các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết. Thực chất là thông qua quan hệ “Đối tác vì hòa bình”, từng bước đưa Nga và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây vào tầm kiểm soát của NATO [2].
Khủng bố: công cụ của NATO thực hiện mục đích địa chính trị sau Chiến tranh lạnh
Thí dụ điển hình về việc sử dụng khủng bố làm công cụ để thực hiện mục đích địa chính trị sau Chiến tranh lạnh là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do NATO tiến hành ở Afghanistan sau sự kiện 11/9/2001. Sau sự kiện này, mượn cớ tiến hành chiến dịch quân sự để tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda - một tổ chức được coi là kẻ thủ phạm gây ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ G.W.Bush phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” mà thực chất là mở đầu “cuộc thập tự chinh mới” sau Chiến tranh lạnh.
Trên thực tế, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” trước hết nhằm kiểm soát dầu mỏ và khí đốt ở Trung Á. Trước khi xẩy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001, các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ đã từng rất quan tâm tới đề án xây dựng đường ống dẫn khí đốt có tên viết tắt là TAPI, tên gọi hợp thành từ chữ cái đầu của tên 4 nước tham gia là Turkmenistan (T), Afghanistan (A), Pakistan (P) và India (I).
Theo dự kiến, TAPI có khả năng chuyển tải mỗi năm 33 tỷ m3 khí đốt và sẽ được khởi công xây dựng tại một mỏ khí đốt của Turkmenistan đi qua Afghanistan và Pakistan và cuối cùng sẽ đến thành phố Fazilka ở Tây Bắc Ấn Độ. Để được tham gia đề án TAPI, năm 1997, Mỹ đã đón đoàn đại biểu của Phong trào Taliban ở Afghanistan tới Văn phòng của Công ty Unocal ở Houston để thảo luận về việc Washington tham gia đề án này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã thất bại do Taliban không chấp nhận. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã đưa ra tối hậu thư với Taliban, theo đó, trước ngày 11/9/2001-nghĩa là trước vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ, họ được quyền lựa chọn một trong hai khả năng: sẽ được nhận “tấm thảm bằng vàng” nếu đồng ý cho Mỹ lắp đặt đường ống chuyển tải khí đốt đi qua lãnh thổ Afghanistan,còn nếu không thì Taliban sẽ phải nhận các trận ném bom rải thảm. Taliban đã không chịu nhận “tấm thảm bằng vàng”. Vì thế, Mỹ quyết định loại bỏ Taliban. Trong bối cảnh đó, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 giống như “một dịp may có một không hai” đối với các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ để gia tăng tiến trình thực hiện kế hoạch loại bỏ Taliban.
Trong cuộc chiến này, các tập đoàn dầu mỏ và khí đốt của Mỹ đã đạt được mục đích của họ ở Afghanistan. Đó là, sau khi Mỹ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” để lật đổ chế độ cầm quyền Taliban ở Afghanistan, Chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai ở Cabun đã chấp nhận cho Mỹ tham gia đề án xây dựng tuyến đường ống TAPI. Đây cũng là lý do sâu xa khiến Mỹ không thể rút hết quân khỏi Afghanistan vì còn phải bảo vệ lợi ích lâu dài của họ tại đây.
Một thí dụ điển hình khác là “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ tiến hành ở Syria. Mượn cớ chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), Mỹ tiếp tục ủng hộ các lực lượng mang tên “các lực lượng đối lập ôn hòa” tiến hành cuộc chiến nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad. Vì thế mà Washington luôn tuyên bố, điều kiện tiên quyết để “chống khủng bố” thành công ở Syria là phải “loại bỏ ông Bashar al-Assad”.
Nếu Mỹ phải tiêu diệt Taliban vì tổ chức này cản trở tham vọng của các công ty Mỹ kiểm soát đề án TAPI, thì việc Mỹ kiên quyết loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad cũng là vì ông ta không chấp nhận cho Mỹ tham gia đề án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt từ các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông tới thị trường châu Âu đi qua lãnh thổ quốc gia này. Theo Đề án Trung Đông Lớn của Mỹ, Syria là một phần hợp thành đề án đường ống dẫn khí đốt đi qua nhiều nước Arập có chiều dài 1.200km, đường kính đường ống gần 1 m, có khả năng chuyển tải tối đa mỗi năm gần 10 tỷ m3 khí đốt. Hiện nay, khí đốt của Egypt đang được cung cấp sang Syria theo đường ống này. Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ kết nối với mạng lưới đường ống đang được xây dựng kéo dài 230 km. Do đó, cần phải bảo đảm cung cấp khí đốt ổn định trước khi tiếp tục kết nối đường ống dẫn khí đốt ở Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó đi sang Châu Âu [ 3]
Do đó, việc thay đổi chế độ cầm quyền ở Syria cũng như ở Iraq, Libya, Libanon, Somali, Sudan và Iran đã từng được dự kiến cách đây 20 năm nhằm 2 mục tiêu: kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí đốt đi qua các nước này; loại bỏ hoặc giảm đảng kể ảnh hưởng của Iran, Nga và Trung Quốc. Syria đóng vai trò trung tâm trên toàn bộ tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua các nước Arập và vì thế quốc gia này được chọn làm mục tiêu của các cuộc bạo động chính trị mang tên "Mùa xuân Arập" [1].
Tương tự, việc Mỹ đứng đằng sau đạo diễn “cuộc cách mạng phẩm giá” ở Ukraine để loại bỏ Tổng thống Yanukovich - một nhân vật được coi là thân Nga trong tháng 2/2014, chính là để đưa Ukraine gia nhập NATO và chặn đứng tuyến đường dẫn khí đốt của Nga sang EU, còn nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ được cung cấp từ Mỹ và các đồng minh của họ từ Trung Đông như Arabia Saudi, Qatar. Cũng chính vì thế mà Arabia Saudi, Qatar là 2 đồng minh kiên quyết ủng hộ toan tính của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố” ở Syria [4].
Liệu Mỹ có hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria dưới thời Tổng thống Donald Trump?
Ở đây thế giới đang chứng kiến sự lặp lại lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong thế kỷ XX, các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ ủng hộ toàn diện về kinh tế và chính trị để đưa Hitler lên cầm quyền, sau đó sử dụng Hitler trước hết tấn công vào các nước ở Châu Âu, biến châu lục này trở thành hậu phương, rồi sau đó từ hậu phương nay, tập trung toàn lực tấn công trực diện vào Liên Xô theo chiến lược chiến tranh chớp nhoáng để hủy diệt nhà nước xô-viết [5]
Hiện nay, các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ sử dụng các tổ chức hồi giáo cực đoan tạo ra “vòng cung bất ổn” bao quanh nước Nga, từ Trung Á tới Bắc Phi-Trung Đông, trong đó Syria là chiến trường trọng điểm nhằm mục tiêu cuối cùng là tổ chức cuộc chiến tranh khủng bố nhằm vào Nga. Sau khi NATO tiến hành chiến tranh xâm lược Libya núp dưới cái cớ “thiết lập vùng cấm bay", để tiêu diệt Tổng thống Muammar Gaddafi, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain từng tuyên bố “kịch bản Libya sẽ lặp lại ở Syria, Iran, các nước trong không gian hậu Xô-viết, và sẽ “gõ cửa” Nga và Trung Quốc”.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, sau khi nhận thấy Liên Xô có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít sau khi đã đánh bại Hitler trong chiến dịch chiến lược ở ngoại ô Matxcơva, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt, với sự nhạy bén chiến lược và sự dũng cảm phi thường vượt lên chính mình, đã quyết định nhảy vào tham chiến trong liên minh chống phát xít cùng với Liên Xô. Nếu ông ta không sớm đưa ra quyết định này, thì khi Liên Xô sẽ đánh bại phát xít Đức, Hoa Kỳ sẽ đánh mất ảnh hưởng không chỉ ở Châu Âu.
Còn hiện nay, các tập đoàn tài phiệt Hoa Kỳ mượn cớ thành lập liên minh chống IS để tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh chiến lược của Nga ở Trung Đông. Vì thế, sau khi Nga quyết định thành lập liên minh quốc tế chống IS, thì Mỹ không hợp tác với Nga mà vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương ủng hộ “các lực lượng đối lập ôn hòa” nhằm loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thực chất là đối đầu với Nga. Do đó, chỉ khi Nga hợp tác với Syria và Iran đánh bại IS, thì khi đó Mỹ mới chấp nhận hợp tác với Nga để chia phần “miếng bánh gato mang tên Syria” nếu Washington không muốn bị trắng tay trong canh bạc phiêu lưu và rất mạo hiểm này.
Đại tá Lê Thế Mẫu
Tài liệu tham khảo:
[1] Ganser. NATO's Secret Armies-Operation Gladio and Terrorism in Western Europe. https://archive.org/details/pdfy-cJFgKNCmJiUKmCF_
[2] F. William Engdahl. Full Spectrum Dominance: Totalitarian Democracy in the New World Order
[3] The Moral Decoding of 9-11: Beyond the U.S. Criminal State, The Grand Plan for a New World Order. http://www.globalresearch.ca/the-moral-decoding-of-9-11-beyond-the-u-s-criminal-state-the-grand-plan-for-a-new-world-order/5323300
[4] A Primer On the REAL Global Geopolitical Battle
http://www.washingtonsblog.com/2012/10/the-wars-in-the-middle-east-and-north-africa-are-not-just-about-oil-theyre-also-about-gas.html
[5] Как американские банкиры развязали Вторую мировую войну. http://www.warandpeace.ru/ru/analysis/view/34556/