Liệu đại dịch COVID-19 sắp kết thúc? Các chuyên gia tìm hiểu nguyên nhân dịch đột nhiên suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có phải đã thấy ánh sáng về đại dịch COVID-19 toàn cầu? Trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới đột nhiên giảm sâu khiến các chuyên gia bất ngờ không hiểu và đi tìm nguyên nhân.
 Đại dịch COVID-19 trên thế giới đang biến đổi theo chu kỳ bí ẩn 2 tháng khiến các chuyên gia khó hiểu (Ảnh: istockphoto).
Đại dịch COVID-19 trên thế giới đang biến đổi theo chu kỳ bí ẩn 2 tháng khiến các chuyên gia khó hiểu (Ảnh: istockphoto).

Được biết, trong hơn một tháng qua, số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày ở Mỹ đã giảm 61% và số ca nhiễm mới trên toàn thế giới cũng giảm tới hơn 50%. Các chuyên gia cũng không hiểu tại sao số người mắc bệnh và dịch lại bắt đầu giảm mạnh, nhưng qua nghiên cứu thực tế thì thấy đại dịch COVID-19 có chu kỳ bí ẩn 2 tháng, cứ nóng lên trong 2 tháng rồi lại giảm trong 2 tháng, các chuyên gia nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc.

Theo báo Mỹ New York Times, kể từ ngày 1/9, số lượng ca nhiễm mới ở Mỹ đã có xu hướng giảm rõ ràng. Theo trang web Worldometer, ngày 1/9 số người Mỹ được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 là 190 ngàn người, đến ngày 4/10 số người mắc mới đã giảm xuống còn 73.000 người, mức giảm tới 61%.

Bên cạnh sự sụt giảm mạnh về số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 mới, số ca tử vong, số ca bệnh nhân COVID-19 nặng mới và số ca nhập viện điều trị ở Mỹ cũng có xu hướng giảm mạnh. Kể từ ngày cao điểm 21/9 đến nay, số người tử vong đã giảm hơn 70%; từ 1/9 đến nay số trường hợp nhập viện đã giảm khoảng 25%.

Số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ hiện đang giảm mạnh (Ảnh: Newyorktimes).

Số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ hiện đang giảm mạnh (Ảnh: Newyorktimes).

Nhìn từ khía cạnh toàn cầu, xu hướng tương tự cũng xuất hiện. Kể từ cuối tháng 8 đến nay, số lượng ca nhiễm mới trên toàn thế giới mỗi ngày cũng giảm mạnh. Theo thống kê của Worldometer, nếu tính từ đỉnh dịch vào ngày 19/8, số ca mắc mới trong một ngày lên tới 746.000 người thì đến ngày 4/10, số ca mắc mới trong một ngày đã giảm xuống còn 345.000, giảm tới hơn 53%.

New York Times chỉ ra rằng xu hướng giảm trong các trường hợp được xác nhận trên đây phù hợp với "chu kỳ hai tháng bí ẩn"; cũng tức là, kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 đến nay, sự gia tăng mỗi ngày về số lượng các trường hợp mới nhiễm thường kéo dài trong khoảng hai tháng, sau đó sẽ là giai đoạn suy giảm kéo dài hai tháng.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết tại sao chu kỳ bí ẩn hai tháng này lại xảy ra. Nhiều người suy đoán rằng nó có thể liên quan đến mùa vụ hoặc các chính sách giãn cách xã hội. Tuy nhiên, New York Times chỉ ra rằng chu kỳ hai tháng cũng xảy ra trong các mùa khác nhau, thậm chí ngay cả khi mọi người không tuân thủ nghiêm ngặt chính sách giãn cách xã hội.

Hiện nay, cách giải thích hợp lý nhất là tính chất sinh học của virus kết hợp với hành vi giao tiếp xã hội của con người. Ví dụ, các chủng đột biến khác nhau đặc biệt dễ lây nhiễm trong các nhóm người cụ thể. Khi những nhóm người yếu thế này bị lây nhiễm, virus sẽ tự nhiên suy giảm. Ngoài ra, cũng có thể mỗi chủng biến thể mất 2 tháng để lây lan trong một cộng đồng có quy mô trung bình.

Tuy nhiên, Michael Osterholm, một nhà dịch tễ học tại Đại học Minnesota, cho rằng việc duy trì sự giãn cách xã hội không quan trọng như chúng ta nghĩ, bởi vì hàng triệu trẻ em Mỹ hiện đã trở lại trường học, nhưng số ca lây nhiễm mới vẫn tiếp tục giảm trong thời gian gần đây.

Bất kể nguyên nhân gây nên nó là gì, chu kỳ hai tháng vẫn liên tục xuất hiện trong hai năm qua. Xét về số lượng ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn thế giới, số lượng ca nhiễm mới tăng từ tháng 2 đến tháng 4/2021, sau đó liên tục giảm đến cuối tháng 6; sau đó bắt đầu tăng lên đến cuối tháng 8 và gần đây bắt đầu giảm.

Tình hình diễn biến dịch COVID-19 ở Mỹ đang suy giảm mạnh (Nguồn: CNN).

Lấy ví dụ ở nước Mỹ, biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện và lây lan ở các bang miền nam vào cuối tháng 6/2021, sau đó số ca bệnh ở các bang đó giảm vào tháng 8. Làn sóng dịch do chủng Delta ở các bang khác bắt đầu muộn hơn, bắt đầu từ tháng 7, nhưng gần đây chúng đã cũng có xu thế lắng xuống.

Sự thuyên giảm của dịch có liên quan đến vaccine không? Dường như không thể chứng minh, theo Jennifer Nuzzo ở Đại học Johns Hopkins nói với tờ Washington Post mặc dù trẻ em dưới 12 tuổi ở Mỹ chưa được tiêm chủng vaccine COVID-19, nhưng số lượng trẻ em nhiễm bệnh cũng đang giảm trong thời gian gần đây.

Liệu có phải điều này có nghĩa là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu sắp kết thúc? New York Times chỉ ra rằng chu kỳ hai tháng có lẽ không phải là một quy luật vững bền, bởi vì vẫn còn nhiều ngoại lệ và biến số. Ví dụ, số lượng ca nhiễm mới ở Vương quốc Anh trong hai tháng qua đã lên xuống thất thường, không phải lúc nào cũng có xu hướng giảm; ngoài ra sắp bước vào mùa đông, các hoạt động trong nhà gia tăng cũng có thể khiến dịch bệnh gia tăng.