Ngoại trưởng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7, gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nhật Bản, Canada, Đức) hôm 11-4 ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích trên biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang leo thang yêu sách đòi chủ quyền.
Thông điệp chỉ trích
“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động đơn phương khiêu khích hoặc đe dọa nào nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng” - tuyên bố sau cuộc họp tại TP Hiroshima - Nhật Bản nêu rõ. Song song đó, G7 kêu gọi các nước tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế và thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do tòa án và tòa trọng tài đưa ra. Theo hãng Reuters, G7 có ý nhắc đến vụ Philippines kiện đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc.
Trang tin Bloomberg nhận định dù không nêu đích danh Trung Quốc nhưng tuyên bố trên phát đi thông điệp chỉ trích tham vọng bá quyền trên biển của nước này. “G7 đang nói rõ rằng Trung Quốc sẽ phải trả giá nếu tiếp tục khiêu khích. Tuyên bố của G7 cũng giúp Mỹ có thêm chỗ dựa để thuyết phục các đồng minh chủ chốt, trong đó có Úc, cùng hành động” - ông Malcolm Davis, nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định.
Cũng như mọi khi, Bắc Kinh lập tức phản bác. “Nếu G7 muốn tiếp tục đóng một vai trò lớn trên thế giới, nhóm này cần tìm hiểu sự thật từ những thông tin chính xác để xử lý các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất lúc này” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lớn tiếng.
Thái độ lạ lùng
Phản ứng hằn học không thể che giấu được sự thật rằng tuyên bố trên đã giáng một đòn mạnh vào Trung Quốc. Dù không phải thành viên G7 song Bắc Kinh liên tiếp kêu gọi nhóm không can thiệp tình hình biển Đông. Trang tin EJ Insight của Hồng Kông chỉ ra điều lạ lùng: Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ việc không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước nhưng lại thường xuyên lên tiếng bảo quốc gia khác nên và không nên nói chuyện gì. Ở đây, điều mà Trung Quốc không muốn các nước khác đề cập là hành vi xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa của họ ở biển Đông.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn nhận định của giáo sư danh dự Stein Ringen tại Trường ĐH Oxford (Anh) cho biết dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, một Trung Quốc mới đang nổi lên - quyết đoán và hung hăng hơn- khiến căng thẳng với các nước láng giềng gia tăng. Ngoài ra, kinh tế tăng trưởng chậm cũng buộc Trung Quốc tìm cách “chuyển lửa” ra bên ngoài, như tăng cường bành trướng ở biển Đông.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Ernest Bower của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ) cho rằng Nhật Bản, Mỹ, Úc đang bắt tay lập một liên minh an ninh trong nỗ lực thuyết phục mọi quốc gia châu Á tuân thủ luật pháp quốc tế. Hồi cuối tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ký một hiệp định cung cấp thiết bị và công nghệ quốc phòng với Nhật Bản. Theo ông Bower, bản thân hiệp định đó có thể không quan trọng nhưng tác động lịch sử và địa chính trị của nó rất lớn. Thỏa thuận phát đi tín hiệu về sự hình thành một cấu trúc an ninh trỗi dậy từ tình hình biển Đông.
Thỏa thuận trên được ký sau khi Tòa án Tối cao Philippines loại bỏ trở ngại pháp lý đối với Hiệp định Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) giữa Mỹ và Philippines. Ngoài ra, Nhật còn đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Úc để tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của ASEAN. Mục tiêu của sự hợp tác tay ba này còn nhằm thuyết phục Trung Quốc rằng cách tốt nhất để họ thúc đẩy những lợi ích an ninh riêng là tham gia thiết lập quy tắc trong khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo NLĐ