|
Viện nghiên cứu virus Vũ Hán - nơi đang trở thành tâm điểm quan tâm, điều tra của nhiều người (Ảnh: AFP). |
Hai nhà khoa học của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán bị điều tra
Cuộc điều tra này được tập trung vào 2 đối tượng là Chu Bằng (Zhou Peng), nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, người đã du học và nghiên cứu, lấy bằng Tiến sĩ tại Australia và Thạch Chính Lợi (Shi Zhengli), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mới của Viện Nghiên cứ virus Vũ Hán.
Theo trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 29/4, các cơ quan truyền thông Daily Mail của Anh và 7news (Tin tức Kênh 7) của Australia cho rằng hai cán bộ Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology) là Chu Bằng và Thạch Chính Lợi vốn đã tham gia vào một dự án nghiên cứu do chính phủ Australia và Trung Quốc đồng tài trợ. Chu Bằng, Trưởng nhóm của Viện chuyên nghiên cứu về virus của Dơi và miễn dịch, đã được gửi đến Phòng thí nghiệm động vật Australia để học tập, nghiên cứu từ năm 2011 đến 2014, tiến hành các công việc bao gồm mổ xẻ dơi sau khi trợ tử, để nghiên cứu loại virus chết người mà nó mang theo.
Theo các báo cáo, nghiên cứu của Chu Bằng được Tổ chức Khoa học và Công nghiệp khối Thịnh vượng chung Australia (CSIRO) và Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đồng tài trợ, nhằm mục đích ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh bằng cách tìm hiểu cách virus Corona lây lan từ dơi sang người.
|
Phía sau cánh cửa của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán hiện ẩn chứa nhiều điều bí mật (Ảnh: DF).
|
Thạch Chính Lợi, được biết đến với cái tên “Batwoman”, trong thời gian sống ở Australia với tư cách là học giả thỉnh giảng trong 3 tháng từ 22/2 đến 21/5/2006 và tiến hành nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm động vật của Tổ chức Khoa học và Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO) Australia, sử dụng các mẫu phân từ loài dơi Móng ngựa để xác định xem chúng có phải là vật chủ tự nhiên của coronavirus hay không.
Bộ trưởng Thương mại Australia: Sẽ không bình luận về điều tra liên quan đến an ninh quốc gia
Bộ trưởng Thương mại Australia, ông Simon Birmingham khi được Đài phát thanh ABC phỏng vấn đã không xác nhận về cuộc điều tra này. “Cả tôi và chính phủ đều không bình luận về các vấn đề liên quan đến an ninh hoặc tình báo quốc gia”, ông Birmingham nói. “Tôi không biết về bất kỳ cuộc điều tra nào. Ngay cả khi tôi biết về cuộc điều tra này, tôi sẽ không bình luận về nó”.
“Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ tiến hành một cuộc điều tra minh bạch về nguyên nhân (nguồn gốc bên trong của vụ dịch) để chúng ta có thể ngăn chặn đại dịch này xảy ra một lần nữa trong tương lai”, ông nói thêm.
CSIRO xác nhận rằng Thạch Chính Lợi và Chu Bằng đã nghiên cứu virus trên dơi ở Australia
Người phát ngôn của CSIRO đã xác nhận trong một tuyên bố rằng cả Thạch Chính Lợi và Chu Bằng đã tiến hành nghiên cứu về virus được dơi mang trong phòng thí nghiệm, và nói rằng CSIRO rất coi trọng sự an toàn và tiến hành tất cả các nghiên cứu theo các yêu cầu, quy định nghiêm ngặt về an toàn sinh học.
“Mặc dù ACDP (Trung tâm dự phòng dịch bệnh Australia) hiện chưa tiến hành nghiên cứu về dơi, nhưng việc nghiên cứu về dơi đã củng cố sự hiểu biết của chúng ta về các bệnh từ động vật (bệnh từ động vật sang người)”, người phát ngôn này tuyên bố.
|
Bà Thạch Chính Lợi đang nghiên cứu (Ảnh: bkmedia).
|
Trung Quốc đe dọa, Thượng nghị sỹ Mỹ nói: “Có tật giật mình”
Vào ngày 23/4, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về virus Corona mới và đại dịch COVID-19. Ông nói, tất cả các thành viên của WHO đều có nghĩa vụ tham gia vào cuộc điều tra và Australia sẽ yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế trong thời gian diễn ra Đại hội Y tế Thế giới (WHA) vào ngày 17/5.
Đáp lại lời kêu gọi gần đây của Australia về tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, DDại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cánh Nghiệp (Cheng Jingye) đe dọa các lưu học sinh và khách du lịch Trung Quốc sẽ tẩy chay Australia; ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp của Australia xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.
Ngày 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne đã tuyên bố, việc Australia yêu cầu tiến hành điều tra độc lập về dịch bệnh là hợp lý và hợp lý; việc công khai minh bạch và đánh giá trung thực vô cùng quan trọng.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Todd Young đã viết tweet vào ngày 27/4: “Trung Quốc đang đe dọa Australia nếu không dừng cuộc điều tra trách nhiệm về virus của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ khiến nước này phải gánh chịu đau khổ về kinh tế”.
Ông viết: “Kiểu bắt nạt này thật ghê sợ, nó khiến thế giới bên ngoài thấy thế giới do Trung Quốc lãnh đạo sẽ như thế nào”. Ông tiếp tục viết, “Nếu Trung Quốc không có gì phải che giấu, tại sao họ phải đe dọa?”.
Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với các phóng viên tại Vườn hồng Nhà Trắng rằng ông không hài lòng với Trung Quốc. Mỹ đang nghiêm túc điều tra những gì đã xảy ra và có nhiều cách để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gần đây nhiều lần cho biết trong các cuộc phỏng vấn trên nhiều cơ quan truyền thông rằng Mỹ đã sớm yêu cầu Trung Quốc điều tra thành phố Vũ Hán (bao gồm cả WIV) nơi khởi nguồn virus, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa đồng ý. Ông nhấn mạnh rằng “chỉ có điều tra nguồn gốc của virus mới có thể cứu được mạng sống”.
Hé mở chân dung “Batwoman” Thạch Chính Lợi
Thạch Chính Lợi, sinh năm 1964 tại Hà Nam, tốt nghiệp chuyên ngành Di truyền sinh vật Đại học Vũ Hán năm 1987, năm 1990 lấy bằng Thạc sĩ tại Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, 5/2000 lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Monpilie, Pháp. Bà nổi tiếng thế giới về công trình nghiên cứu về dơi mang virus Corona sau khi dịch SARS bùng phát.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2020, Tiến sĩ Vũ Tiểu Hoa đưa ra thuyết âm mưu, cho rằng Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán nơi Thạch Chính Lợi làm việc do quản lý kém đã để virus Corona mới thoát ra ngoài. Sau đó Thạch Chính Lợi đã xuất hiện phản bác, cho rằng luận cứ không đầy đủ, nặng về suy đoán, nội dung không đúng sự thật. Tuy nhiên, ngày 16/4. Chuyên gia người Pháp Luc Montagnier, nhà khoa học đoạt Giải Nobel Y học năm 2008 đã đưa ra ý kiến cho rằng, rất có thể virus Corona mới đã thoát ra từ Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán, gây xôn xao dư luận.
|
Bà Thạch Chính Lợi và đồng nghiệp trong Phòng thí nghiệm P4 (Ảnh: AFP).
|
Ngày 27/4, bài điều tra của tờ báo Pháp Le Monde ngày 27/04/2020 về Phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán do Pháp giúp Trung Quốc xây dựng đã đề cập đến người phụ nữ 55 tuổi được báo chí đặt biệt danh là “Batwoman”, do bà chuyên nghiên cứu loài dơi ở Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, các khu vực thực sự là “nhà máy sản xuất virus”.
Năm 2005, chính từ một con dơi mà bà Thạch Chính Lợi đã nhận diện được hai loại virus gần giống với SARS-CoV, virus đã gây ra dịch SARS năm 2003. Thế nên ngay từ khi những bệnh nhân đầu tiên nhập viện ở Vũ Hán, Thạch Chính Lợi đã thổ lộ với Jane Qiu, nhà báo của nguyệt san Scientific American, về nỗi lo con virus thoát ra từ Trung tâm bệnh truyền nhiễm của Viện Virus Vũ Hán. Bà nói, khi nạn dịch khởi đầu tại thành phố, bà không thể ngủ được trong nhiều ngày, với câu hỏi dai dẳng “Liệu có phải con virus đã thoát ra từ phòng thí nghiệm?”.
Thạch Chính Lợi làm việc trong hai môi trường : những hang động tối tăm ẩm ướt ở tỉnh xa mà bà phải lặn lội vào trong trang phục bảo hộ để bắt dơi, và phòng thí nghiệm. Bà là phó giám đốc phòng thí nghiệm P4 mới, chuyên nghiên cứu virus loại 4 có tỉ lệ lây nhiễm và làm chết người cao nhất, như Ebola đã giết hại 90% người bị nhiễm.
Ngày 14/04/2020, Washington Post đăng bài viết khẳng định các nhà ngoại giao Mỹ ngay từ tháng 3/2018 đã cảnh báo việc “thiếu thốn các kỹ thuật viên và điều tra viên được đào tạo đúng đắn để vận hành phòng thí nghiệm phải giữ an ninh cao độ này”. Nhưng trước đó, mối nghi ngờ về một sự cố khiến con virus thoát ra đã lan truyền ngay tại Trung Quốc.
4 ngày sau bài viết của Washington Post hôm 14/4, ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), Giám đốc P4 và là cấp trên của Thạch Chính Lệ khẳng định: “Không thể có chuyện con virus xuất xứ từ đây, chúng tôi có các quy định nghiêm ngặt. Không có sinh viên hoặc nhà nghiên cứu nào bị nhiễm virus”.
Tuy vậy các nghiên cứu về virus corona lại rất nhiều tại phòng thí nghiệm này. Thạch Chính Lợi và ê-kíp nhiều lần tái cấu trúc lại con virus để làm nó dễ lây hơn, sau đó nhận diện những điểm yếu để tìm cách xử lý. Hôm 20/1 khi công bố bảng mã của virus Corona chủng mới, bà chứng tỏ nó giống đến 96% một con virus từ loài dơi là RaTG13 mà chưa ai biết đến, được phát hiện cùng ngày ! Thế nên tủ đông lạnh của viện này còn ẩn chứa nhiều bí mật.
Với việc cơ quan tình báo cả 5 quốc gia cùng vào cuộc, có thể tới đây, bức màn bí mật về Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán và Thạch Chính Lợi cùng Chu Bằng sẽ được vén lên.