|
Dự án khí đốt quan trọng của Nga Nord Stream 2 đã bị Đưc ngừng lại (Ảnh: Getty). |
Các ngoại trưởng EU hôm thứ Ba (22/2) đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt tại Paris để thảo luận về kế hoạch trừng phạt chống lại Nga do Ủy ban châu Âu đưa ra.
Theo các nguồn tin được Deutsche Welle dẫn lại, giai đoạn đầu của lệnh trừng phạt bao gồm 4 phần: một là, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng trăm đại biểu Duma Quốc gia Nga đã bỏ phiếu công nhận khu vực ly khai ở đông Ukraine, bao gồm cấm nhập cảnh vào các nước EU và đóng băng các tài khoản ngân hàng của họ ở EU; hai là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty và ngân hàng liên quan đến việc hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của hai nước cộng hòa ly khai; thứ ba, các khu vực đã tuyên bố độc lập bị loại khỏi hiệp định thương mại tự do EU-Ukraine; thứ tư, EU cũng sẽ cấm giao dịch trái phiếu chính phủ Nga trên thị trường tài chính EU.
Giai đoạn thứ hai của các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào toàn bộ nền kinh tế Nga và các nhà tài phiệt lũng đoạn nền kinh tế nước này, nhưng sẽ chỉ áp dụng nếu ông Putin ra lệnh cho quân đội Nga vượt qua "đường ranh giới ngừng bắn" ngăn cách khu vực kiểm soát thực tế của các lực lượng vũ trang ly khai với phần còn lại của Ukraine, khi đó sẽ được coi là một cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
|
Ngoại trưởng các nước EU họp khẩn cấp hôm 22/2 tại Paris đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng thấy đối với Nga (Ảnh: 18SZ). |
Sau khi ký lệnh vào ngày 21/2 công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine là "các thực thể độc lập", ông Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine để gìn giữ hòa bình. Hãng tin Anh Reuters đưa tin, Nga và hai nước "Cộng hòa Nhân dân Luhansk" (LPR) và “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DPR) đã ký hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ, cho phép Nga thiết lập các căn cứ quân sự ở đó và đạt được các thỏa thuận về bảo vệ lẫn nhau, hợp tác quân sự và xác định đường biên giới.
Theo thông báo của Nga, việc nước này công nhận hai "nước cộng hòa nhân dân" Luhansk và Donetsk độc lập không chỉ ở các khu vực hiện do các lực lượng vũ trang ly khai thân Nga kiểm soát, mà còn ở các khu vực khác của hai tỉnh ở Donbas hiện đang do quân chính phủ Ukraine kiểm soát. Liên minh châu Âu không loại trừ khả năng xung đột sẽ tiếp tục diễn ra kịch liệt.
Nord Stream 2 cuối cùng đã bị gác lại
Trước việc tình hình ở Ukraine nhanh chóng diễn biến xấu đi, chính phủ Đức cũng đã có phản ứng rõ ràng, thông báo họ sẽ ngừng xem xét phê duyệt hoạt động của tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 gây tranh cãi.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Ba (22/2) nói tại Berlin rằng ông đã yêu cầu Bộ Kinh tế Liên bang tạm dừng thực hiện các trình tự hành chính cần thiết để phê duyệt cho dự án Nord Stream 2. Như vậy tuyến đường ống này sẽ không thể được đưa vào sử dụng. Ông Scholz nhấn mạnh rằng các bước đi của Nga đối với vấn đề miền đông Ukraine đã làm thay đổi tình hình, vì vậy "về vấn đề liên quan đến Nord Stream 2", nó cũng phải được đánh giá lại.
|
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố đã yêu cầu dừng xem xét phê duyệt dự án Nord Stream 2 (Ảnh: Deutsche Welle). |
Theo Der Spiegel (Tấm gương), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã yêu cầu Cục Quản lý Mạng Liên bang, một cơ quan trực thuộc bộ này, thu hồi giấy chứng nhận được cấp trước khi chính phủ mới nhậm chức. Nếu không có giấy chứng nhận này, quy trình phê duyệt cho tuyến đường ống Nord Stream 2 không thể tiếp tục. Trên thực tế, vào tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý Mạng Liên bang đã tạm dừng chứng nhận đối với Nord Stream 2 và yêu cầu cơ cấu tổ chức công ty của nhà điều hành phải phù hợp luật pháp Đức.
Thủ tướng Scholz đã gọi động thái của Nga là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế" và ông Putin không chỉ từ bỏ Thỏa thuận Minsk, mà còn vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc và tất cả các hiệp nghị có hiệu lực quốc tế mà Nga đã ký kết trong nhiều thập kỷ qua. Ông nói, “có thể vị Tổng thống Nga này muốn xâm chiếm toàn bộ Ukraine”.
Ông Scholz cho biết cộng đồng quốc tế sẽ có phản ứng "với sự tham vấn chặt chẽ, phối hợp hiệu quả và theo cách trực tiếp". Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh rằng các con đường cho đối thoại ngoại giao vẫn được rộng mở". Ở giai đoạn hiện tại, điều quan trọng là đồng thời với việc trừng phạt bước đầu, cần tránh tình hình leo thang thêm và xảy ra thảm họa - ông Scholz nói – “tất cả mọi nỗ lực Ngoại giao đều vì mục tiêu đó."
Mỹ phong tỏa ngân hàng Nga, đe dọa loại Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây
Tổng thống Mỹ Biden đã có bài phát biểu về tình hình Nga và Ukraine vào thứ Ba (22), ông mô tả “hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine đang bắt đầu” và công bố làn sóng trừng phạt mới đầu tiên chống lại Nga, đe dọa loại trừ chính phủ Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây.
Ông Biden nói rằng Mỹ sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa toàn diện đối với hai tổ chức tài chính lớn của Nga, là Ngân hàng Phát triển Nhà nước (VEB) và ngân hàng quân sự Nga (PSB); Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với khoản nợ có chủ quyền của Nga. Ông Biden tuyên bố, hành động này sẽ loại chính phủ Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây để họ không còn có thể huy động tiền từ phương Tây, cũng không thể giao dịch khoản nợ mới của họ trên thị trường Mỹ hoặc châu Âu.
|
Ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga (Ảnh: Reuters) |
Biden cũng cho biết ông sẽ trừng phạt giới tinh hoa của Nga và gia đình của họ, nói rằng họ "phải chia sẻ nỗi đau" do phân hưởng số tiền do tham nhũng từ các chính sách của Điện Kremlin. Ông Biden cũng nhắc lại rằng Mỹ đã hợp tác với Đức để đảm bảo rằng dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 2 không được tiến triển.
Ông Biden cũng chỉ ra rằng nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine, nhiều biện pháp trừng phạt hơn sẽ có thể được áp dụng đối với Nga. Ông cũng cho biết chính phủ Mỹ đang sử dụng "mọi công cụ có thể" để giảm thiểu tác động đến giá khí đốt tự nhiên trong nước do các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông cũng thừa nhận Mỹ có thể phải đối mặt với giá dầu cao hơn trong những tháng tới.
Ông Biden cũng cho biết, để đáp trả sự thừa nhận của Nga rằng họ sẽ không rút quân khỏi Belarus, ông đã cho phép tăng cường huy động quân đội và thiết bị quân sự của Mỹ ở châu Âu để tăng cường sức mạnh cho các đồng minh của Mỹ ở Biển Baltic, cụ thể là Estonia, Latvia và Lithuania. Ông khẳng định đây là hành động "hoàn toàn phòng thủ" và "không có ý định giao chiến với Nga" nhưng ông muốn truyền đi thông điệp rằng Mỹ sẽ cùng với các đồng minh bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO. Cuối cùng, ông Biden cũng chỉ ra rằng ông hy vọng việc giải quyết tình hình Nga và Ukraine thông qua các con đường ngoại giao vẫn khả thi.
Phản ứng lại, phát ngôn viên Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp.