|
Báo cáo của Liên Hợp quốc cho thấy, thương chiến Trung - Mỹ đã làm số lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm hơn một phần tư trong nửa đầu năm nay, hay trị giá 35 tỷ USD. |
Theo trang mạng Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) bản tiếng Trung ngày 6/11: hôm thứ ba (ngày 5/11), Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo nghiên cứu nói, cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã làm số lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm hơn một phần tư trong nửa đầu năm nay, tương đương trị giá 35 tỷ USD. Điều này đã dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ mua. Báo cáo cũng đề cập rằng Đài Loan trở thành bên hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại này vì sự chuyển giao thương mại.
Báo cáo nghiên cứu được công bố bởi Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, hàng hóa chịu thuế quan của Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm từ 130 tỷ USD 6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 95 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019. 35 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị giảm bao gồm thiết bị văn phòng, hóa chất, đồ dùng gia đình và máy móc. Lợi nhuận của việc sản xuất các hàng hóa này ở Mỹ thấp hơn so với các nhà sản xuất ở nước ngoài. 21 tỷ trong số 35 tỷ USD các mặt hàng này đã được thay thế bằng việc nhập khẩu từ Đài Loan, Mexico, Liên minh châu Âu, Việt Nam và các nước khác.
|
Do sự chuyển dịch thương mại, Đài Loan là nơi được hưởng lợi lớn nhất từ cuộc thương chiến Trung - Mỹ.
|
Đài Loan được hưởng lợi nhất
Báo cáo cho biết: “Nhìn chung, kết quả cho thấy việc tăng thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc đang gây thiệt hại về kinh tế cho cả hai nước ... Các thiệt hại của Mỹ chủ yếu liên quan đến giá tiêu dùng tăng, còn tổn thất của Trung Quốc liên quan đến việc bị giảm một số lượng hàng xuất khẩu lớn”.
Nhà kinh tế Alessandro Nicita, tác giả của bản báo cáo nói, với sự leo thang của cuộc chiến thương mại, mặc dù giá thành hàng xuất khẩu của các công ty Trung Quốc đã cắt giảm 8% trong quý II/2019 để gánh chịu một phần chi phí thuế quan, nhưng 17% giá thành vẫn “rơi xuống vai người tiêu dùng Mỹ”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quy mô tổn thất xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng lên cùng với việc tăng thuế. Nghiên cứu cho thấy các quốc gia và khu vực khác đã đẩy mạnh để lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại. Trong số đó, Đài Loan là bên hưởng lợi lớn nhất từ việc chuyển giao thương mại. Trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ đã tăng thêm 4,2 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu trang thiết bị văn phòng và thiết bị truyền thông.
Do hiệu ứng chuyển nhượng thương mại, tốc độ tăng trưởng GDP của Đài Loan trong quý III/2019 là 2,91% cao hơn nhiều so với mức âm 2,9% của Hồng Kông, âm 2,0% của Hàn Quốc và âm 0,1% của Singapore.
|
Nhà kinh tế Alessandro Nicita, tác giả của bản báo cáo về thương chiến Trung - Mỹ của UNCTAD.
|
Xuất khẩu của Mexico sang Mỹ tăng 3,5 tỷ USD, chủ yếu là thiết bị nông nghiệp, giao thông vận tải và thiết bị cơ điện. Nghiên cứu cũng cho thấy EU tăng kim ngạch xuất khẩu thêm 2,7 tỷ USD chủ yếu thông qua xuất khẩu máy móc bổ sung ngoài kế hoạch.
Nhà kinh tế Alessandro Nicita nói: “Chiến tranh thương mại càng kéo dài, những tổn thất và lợi ích này sẽ càng gia tăng”. Không phải tất cả các thiệt hại thương mại của Trung Quốc đều có thể được các nền kinh tế khác bù đắp và hàng tỉ USD thương mại đã bị mất trắng.
Do thiếu các dữ liệu chi tiết, báo cáo nghiên cứu này không phân tích tác động của thuế quan Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ tới Trung Quốc. Báo cáo cũng không bao gồm sự phát triển của cuộc chiến thương mại giai đoạn mới nhất, bao gồm cả những tổn thất thương mại do Mỹ tăng thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 125 tỷ USD nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 1 tháng 9.
Trung Quốc chính thức xác nhận điều kiện ký Hiệp định thương mại giai đoạn đầu
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến việc ký kết Hiệp định thương mại Mỹ - Trung; chiều ngày 7 tháng 11 theo giờ Bắc Kinh, ông Cao Phong (Gao Feng), người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo rằng nếu hai bên Trung – Mỹ đạt được thỏa thuận giai đoạn đầu, phải căn cứ theo nội dung của thỏa thuận hủy bỏ đồng bộ việc gia tăng thuế quan với tỷ lệ tương ứng. Đây là điều kiện quan trọng để đạt được hiệp định.
|
Với điều kiện do Trung Quốc đưa ra,nguy cơ tan vỡ của Hiệp định thương mại giai đoạn đầu đang tồn tại.
|
Về sự tiến triển đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ, ông Cao Phong tiết lộ, trong hai tuần qua, các nhà lãnh đạo đàm phán của Trung Quốc và Mỹ đã giải quyết ổn thỏa các mối quan tâm cốt lõi của nhau, tiến hành các cuộc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng, đồng ý hủy bỏ việc tăng thuế từng giai đoạn theo sự tiến triển của thỏa thuận.
Cao Phong nói, lập trường của Trung Quốc về vấn đề thuế quan luôn nhất quán và rõ ràng. Cuộc chiến thương mại nên bắt đầu bằng việc tăng thuế quan và cũng cần được chấm dứt bằng cách xóa bỏ tăng thuế quan. Đối với việc hủy bỏ bao nhiêu trong giai đoạn đầu thì có thể được thương thảo phù hợp với nội dung của thỏa thuận giai đoạn đầu tiên. Ông Cao Phong cho rằng việc hủy bỏ tăng thuế quan do hai bên áp đặt theo thỏa thuận sẽ giúp ổn định kỳ vọng thị trường, có lợi cho nền kinh tế của hai nước và nền kinh tế thế giới, mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo Deutsche Welle và Đa Chiều