Trong báo cáo hoạt động của ngành kiểm sát ngày 13.3, ông Tào Kiến Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, đã công bố tiến trình xử lý Lệnh Kế Hoạch: Ủy ban kiểm tra- kỷ luật trung ương (CCDI) chuyển Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập án điều tra.
Nếu tính từ khi bắt Lệnh vào tháng 12.2014, việc điều tra đã kéo dài hơn 1 năm mà vẫn chưa tiến hành khởi tố. Đây là trường hợp hiếm thấy trong việc xử lý các quan tham kể từ khi chiến dịch bài trừ tham nhũng được triển khai đến nay.
Cũng chính vì việc các cơ quan “điều tra quá kỹ” vụ Lệnh, giới truyền thông lẫn giới phân tích không ngừng đưa ra đồn đoán về hình phạt mà Lệnh sẽ nhận.
Trong thời gian vụ của Lệnh đang được điều tra, giới phân tích đã dựa trên các tội của Lệnh để suy đoán hình phạt dành cho “hổ lớn” này.
Theo công bố của CCDI vào tháng 7.2015, tội danh của Lệnh có nhiều điểm tương đồng với Chu Vĩnh Khang, gồm tham ô nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ trục lợi, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.
Tuy nhiên, khác với Chu, Lệnh Kế Hoạch vi phạm hai "cấm kỵ chính trị", tức hai tội lớn là kéo bè kết phái (CCDI gọi là “vi phạm nguyên tắc chính trị”) và ăn cắp, cất giấu bí mật quốc gia.
Theo trang tin Duowei, thuật ngữ “vi phạm nguyên tắc chính trị” chính là từ vụ của Lệnh mà xuất hiện.
Chỉ một tháng sau khi Lệnh bị bắt, Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiều bài phát biểu đã sử dụng đến thuật ngữ này, như “toàn thể cán bộ đang viên phải nghiêm túc giữ vững kỷ luật và nguyên tắc chính trị”.
Hoặc “phải kiên trì giữ vững sự lãnh đạo của đảng, trước hết là phải ưu tiên giữ vững nguyên tắc chính trị quan trọng nhất- sự thống nhất tập trung của đảng”.
Có thể thấy, vụ Lệnh có tính chất rất đặt biệt đối với Chủ tịch Tập nói riêng và đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung.
Tội vi phạm “nguyên tắc chính trị” mà CCDI nói đến, chính là chỉ đến việc Lệnh lập nên Sơn Tây hội, tổ chức bí mật do Lệnh lập năm 2007, các thành viên gồm các quan chức là ủy viên trung ương đảng lẫn doanh nhân nổi tiếng quê ở Sơn Tây.
Bộ sậu quan trọng của hội này gồm có Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Chính Sách, Khôn Duy Trần, Đỗ Thiện Học.
Sơn Tây hội không có quy định rõ ràng, không có thời gian lẫn địa điểm họp mặt cố định, nhưng thường là 3 tháng sẽ họp một lần tại Bắc Kinh. Mỗi khi tụ họp thì trình tự rất nghiêm ngặt và kỹ càng, mỗi người đi họp đều có xe sang đưa đón, nhưng phải đi một mình, không được mang theo điện thoại lẫn dắt theo thư ký hay người tình.
Trở thành thành viên của hội này, quan chức sẽ được thăng tiến, còn doanh nhân thì làm ăn rất thuận lợi.
Sơn Tây hội rõ ràng là một hình thức kéo bè kết phái có chủ ý của Lệnh Kế Hoạch chứ không giống như “phái dầu khí”, “phái thư ký” của Chu Vĩnh Khang được lập nên bởi quan hệ trong công việc.
Vì vậy, Sơn Tây hội “nguy hiểm hơn, đe dọa đến nguyên tắc tập trung thống nhất của đảng”, trang tin Bắc Kinh cho biết.
Một tội lớn khác mà Lệnh đã phạm phải là ăn cắp bí mật quốc gia. Cho đến nay chính quyền Bắc Kinh vẫn không nói rõ Lệnh đã ăn cắp bí mật gì, nhưng đã có nhiều trang tin tiết lộ rằng số lượng tài liệu mật mà Lệnh lấy được lên đến con số 2.700 văn kiện, bao gồm cả tài liệu “mật” lẫn “tuyệt mật”.
Đáng nói hơn, Lệnh còn chuyển số tài liệu này cho em trai là Lệnh Hoàn Thành cất giữ để “ngã giá” với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu đánh giá, tội của Lệnh đã phạm không phải là tội thông thường là đã là “đại kỵ chính trị”.
Do đó, dù cùng “được” xếp vào “bè lũ bốn tên mới của Trung Quốc” (gồm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu và Lệnh Kế Hoạch) nhưng hình phạt mà Lệnh sắp phải nhận tuyệt đối không nhẹ hơn án chung thân của Chu Vĩnh Khang.
Theo DW News, Một thế giới