|
Công ty bán dẫn Brite của Trung Quốc vẫn nhận được công nghệ và vốn từ một số công ty, ngân hàng và trường Đại học Mỹ (Ảnh: Sohu) |
Lệnh hạn chế khó chặn Trung Quốc
Theo Reuters, công ty bán dẫn Brite Semiconductor cung cấp dịch vụ thiết kế chip cho ít nhất 6 nhà cung cấp hàng quân sự Trung Quốc, phục vụ cho hệ thống định vị vệ tinh của PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) và các lĩnh vực khác. Điều đáng nói là công nghệ và tiền vốn của công ty này có liên quan đến các ngân hàng, trường đại học và công ty Mỹ như Wells Fargo, Biola University, Cadence và Synopsys.
Cổ đông lớn thứ hai và nhà cung cấp quan trọng nhất của Brite là Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC), đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen trừng phạt với tỷ lệ sở hữu là 19%. Trong số sản phẩm cho các nhà cung cấp của Brite năm ngoái, gần 85% được trả cho SMIC, quy mô lớn đến mức Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải thậm chí còn nghi ngờ mức giá chào mua của SMIC dành cho Brite quá cao và tháng 10 năm nay đã tạm đình chỉ việc xem xét đơn đăng ký niêm yết của Brite.
Khách hàng của Brite bao gồm ComNav Technology có trụ sở tại Thượng Hải, công ty cung cấp dịch vụ dẫn đường vệ tinh cho Hải quân Trung Quốc và Lực lượng hỗ trợ chiến lược. Hơn 71% chi tiêu cho nhà cung cấp của họ trong năm ngoái đã được dành cho Brite.
Bản cáo bạch niêm yết của Brite cũng tiết lộ mối quan hệ của họ với các công ty Mỹ. Ví dụ, từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, phần mềm của Synopsys đã giúp nó trở thành 1 trong 5 nhà cung cấp hàng đầu của Brite, với số tiền mua là 14 triệu NDT (1,96 triệu USD). Trong số 5 nhà cung cấp hàng đầu năm ngoái của Brite có Cadence Taiwan Inc., với số tiền mua phần mềm thiết kế chip của công ty đạt 11,8 triệu NDT (1,652 triệu USD).
Cổ đông lớn thứ ba của Brite là công ty đầu tư Mỹ Norwest Venture Partners, nắm giữ 13,5% cổ phần; 99,7% số vốn được hỗ trợ bởi Ngân hàng Wells Fargo. Đại học Biola, cổ đông lớn thứ sáu, nắm giữ 5,43% cổ phần.
Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ đối với Trung Quốc nhằm ngăn chặn PLA có được công nghệ tiên tiến và nguồn vốn nhằm thúc đẩy tham vọng quân sự của Trung Quốc. Nhưng sự kiện Brite cho thấy Trung Quốc có thể tận dụng các công ty ít tên tuổi để lách lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ.
Trung Quốc mua thiết bị sản xuất cũ
Tokyo Electron (TEL), nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Nhật Bản và châu Á, cho biết công ty này nhìn chung đã giải quyết được tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của nhiều nước đối với công nghệ và thiết bị chip của Trung Quốc.
Tờ Financial Times của Anh ngày 15/12 đưa tin rằng trước sự leo thang căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, Tokyo Electron đã áp dụng chiến lược hai chân; một mặt tập trung vào việc tuân thủ bán hàng kém tiên tiến hơn cho Trung Quốc, mặt khác đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ, đồng thời bán thiết bị tiên tiến cho khách hàng ở các thị trường khác.
Tokyo Electron là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Thiết bị sản xuất chất bán dẫn do công ty chế tạo được cung cấp trực tiếp cho các công ty nổi tiếng trong ngành bán dẫn như TSMC, Samsung của Hàn Quốc và Intel của Mỹ.
Kể từ đầu năm nay, Mỹ đã liên kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Đài Loan tăng cường hạn chế xuất khẩu công nghệ, thiết bị và sản phẩm bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc. Nhật Bản bắt đầu từ tháng 7 cũng đã đưa 23 loại công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến vào danh mục hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc. Thiết bị do Tokyo Electron xuất khẩu sang Trung Quốc phải được cơ quan liên quan Nhật Bản xem xét và phê duyệt.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng thắt chặt này đã buộc các nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc phải mua lại công nghệ và thiết bị cũ không bị kiểm soát. Thay vào đó, Tokyo Electron đang phải chật vật để có thêm đơn đặt hàng từ thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, nhiều công ty Nhật Bản khác đang gặp khó khăn trước sự cạnh tranh chiến lược ngày càng khốc liệt và căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Christopher Thomas, Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược SMC, nói: “Các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp Nhật Bản hoàn toàn tin tưởng rằng chuỗi cung ứng toàn cầu đã phân nhánh chia thành hai chuỗi cung ứng, một ở Mỹ và một ở Trung Quốc”.
Ông cho rằng, trong giới quản lý gần 100 nhà sản xuất chất bán dẫn Nhật Bản, 40% cho biết sẽ kinh doanh toàn bộ thị trường Mỹ và 60% còn lại chỉ ra rằng nếu thế giới thực sự bị chia thành hai phe, họ sẽ cùng lúc hoạt động ở cả thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Theo Chinatimes, Creaders