Lemonde: Trung Quốc có nói gì đi nữa cũng phải ý thức được việc chấp hành phán quyết PCA

Báo Thế giới/Lemonde của Pháp dẫn lời giáo sư Alina Miron khẳng định, dù cho Trung Quốc có nói gì, phán quyết là bắt buộc với cả Philippines lẫn Trung Quốc.
Lemonde: Trung Quốc có nói gì đi nữa cũng phải ý thức được việc chấp hành phán quyết PCA (ảnh: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi).

Sự kiện Tòa trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông trong vụ kiện của Philippines thu hút sự chú ý của báo giới Pháp.

Trên tờ Thế giới Lemonde, giáo sư công pháp tại Đại học Paris 13 khẳng định Trung Quốc phải ý thức được sự cần thiết chấp hành phán quyết của PCA cũng như hậu quả nặng nề nếu tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế.

Trên nhật báo Thế giới Le Monde, tờ báo uy tín hàng đầu của Pháp, giáo sư công pháp Alina Miron của trường Đại học Paris 13, có một bài phân tích sâu về diễn biến vụ kiện của Philippines, các tranh cãi xung quanh và nhận định về phán quyết của 5 thẩm phán tòa PCA. 

Sau khi nhắc lại quá trình tranh chấp giữa các quốc gia châu Á tại biển Đông, trong đó có các phần lãnh thổ thuộc Trường Sa của Việt Nam, giáo sư Alina Miron nhận định: “Khi bác bỏ thẩm quyền của PCA, Trung Quốc dường như muốn chứng minh rằng họ nhất định không chịu thi hành phán quyết của tòa. Nhưng dù cho Trung Quốc có nói gì, phán quyết là bắt buộc với cả Philippines lẫn Trung Quốc.

Theo công ước (của Liên Hợp Quốc về luật biển), tòa PCA có thẩm quyền đối với thẩm quyền của mình và các quyết định của tòa là bắt buộc và không thể khiếu nại. 

Nếu Trung Quốc từ chối chấp hành phán quyết này, nước này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Một hành động vi phạm như thế sẽ bị nhìn một cách rất xấu với bất cứ quốc gia, dù có hùng mạnh đến đâu. Đó là một vấn đề danh dự, nhưng cũng còn là cả sức ép xã hội”.

Tòa Trọng tài Thường trực đã chính thức ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông hôm 12/7/2016.

Cũng theo giáo sư công pháp Alina Miron, “luật quốc tế dĩ nhiên không có cánh tay sắt để đảm bảo việc chấp hành các quyết định pháp lý, nhưng lịch sử đã cho chúng ta thấy là ngay cả những cường quốc rốt cục cũng phải lùi bước trước công lý quốc tế, kể cả khi các quyết định của nó làm các cường quốc này đau đớn.

Trung Quốc hiện đang chịu sức ép ngoại giao rất lớn về việc chấp hành phán quyết, bất kể nó ra sao. Các nước G7 đã liên tục phát đi tuyên bố về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với an ninh hàng hải”.

Giáo sư công pháp Alina Miron nhấn mạnh thêm: “Các nước ASEAN cũng đã gần như làm thế, chỉ đến phút cuối mới tạm rút lại vì sự phản đối của Trung Quốc. Những ủng hộ công khai nhỏ nhoi mà Trung Quốc vui mừng không đủ giúp nước này thoát khỏi nguy cơ bị cô lập ngoại giao. 

Việc không chấp hành một phán quyết pháp lý đem lại ảo tưởng về một chiến thắng ngắn hạn nhưng về lâu dài nó sẽ làm xói mòn những nền tảng của một hệ thống cho phép gìn giữ hòa bình trên các vùng biển. Phải hy vọng là Trung Quốc ý thức được điều này”. 

Các tờ báo lớn của Pháp đăng tải phán quyết của PCA với những dòng tít lớn “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines” (trên tờ Giải phóng Liberation); “Tòa trọng tài ra phán quyết nghiêng về Philippines” (tờ Người Paris – Le Parisien); “Bắc Kinh bị phản đối bởi công lý quốc tế” (Tờ Tiếng vang – Les Echos)…

Các tờ báo của Pháp đều cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài PCA là phù hợp với luật pháp quốc tế cho dù Trung Quốc có phản đối một cách quyết liệt.

Tuy nhiên, một số tờ báo của Pháp cũng nêu thực tế là chính phủ mới của Philippines có thể sẽ có những nhân nhượng đối với Bắc Kinh, trái với thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền đến cùng của chính quyền trước của Tổng thống Benigno Aquino.

Tờ Giải phóng (Liberation) dẫn lời nhà nghiên cứu Francois Xavier Bonnet thuộc Viện nghiên cứu về Đông Nam Á hiện đại (IRASEC) rằng: “Hy vọng Trung Quốc sẽ không sai lầm tiếp tục các hành động tại Scarborough bởi như thế sẽ bị coi là hành động khiêu khích quá đáng trong con mắt của quân đội Philippines và cả quân đội Mỹ. 

Có thể sẽ có một dạng thỏa hiệp giữa chính quyền Philippines với Trung Quốc, theo đó Philippines yêu cầu Trung Quốc giữ nguyên trạng ở Scarborough nhưng đổi lại, Philippines sẽ không đòi hỏi Trung Quốc chấp hành phán quyết của tòa án quốc tế”.

Theo VOV

Theo A