Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã quyết định đưa "Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu ở Hội An" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An - cho biết, với quyết định công nhận của Bộ VH-TT&DL, ngày 5/2/2023 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão), TP Hội An sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu này.
Việc tổ chức các hoạt động Tết Nguyên tiêu năm nay sẽ có màn diễu hành và lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại phố cổ Hội An. Đây cũng là hoạt động nhằm bày tỏ lòng thành kính với các bậc tiền hiền, cầu mong sự thịnh vượng trong năm mới và tôn vinh giá trị nổi bật của Di sản văn hóa phi vật thể Tết Nguyên tiêu ở Hội An.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng thể hiện sự ghi nhận đối với những nỗ lực của các chủ thể trong việc bảo tồn và xây dựng hồ sơ khoa học đệ trình để Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản, đồng thời, góp phần tuyên truyền trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
Cũng theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Tết Nguyên tiêu là một trong những lễ hội có từ lâu đời của cộng đồng cư dân Hội An, mang giá trị văn hóa tiêu biểu và có những nét đặc trưng riêng so với nhiều nơi ở Việt Nam và châu Á, do được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa của Việt Nam và có sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các nước Trung Quốc, Nhật Bản.
Một góc phố cổ Hội An |
Ở Hội An, sau ngày Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng), người dân địa phương sẽ chuẩn bị cho Tết Nguyên tiêu. Vào dịp này, tại các hội quán và nhiều di tích tín ngưỡng trong và ngoài phố cổ sẽ tổ chức lễ cúng tiền hiền, cầu an, cầu tài lộc đầu năm với ước vọng mọi việc trong năm mới được hanh thông, như ý.
Tết Nguyên tiêu trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, là dịp quảng bá sản phẩm văn hóa của địa phương đến với bạn bè thế giới. Trong các năm qua, lễ hội Tết Nguyên tiêu đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham gia, đem lại lợi ích về văn hóa, kinh tế, thúc đẩy phát triển du lịch cho cộng đồng địa phương.