|
Quân đội Hàn Quốc diễn tập - ảnh minh họa từ video truyền thông quân đội Hàn Quốc |
Trong cuộc họp báo ở Tokyo, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu, Mỹ đang cùng Nhật Bản trên một trận tuyến chống lại "mối đe dọa" Bắc Triều Tiên. Ông Trump nhắc lại quan điểm "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược" đã kết thúc, hai nước cùng nỗ lực làm việc để chống lại "nguy cơ xâm lăng nguy hiểm" từ Triều Tiên.
Tổng thống Trump cứng rắn tuyên bố, Nhật Bản sẽ bắn bay tên lửa Bắc Triều Tiên "ra khỏi bầu trời" sau khi hoàn thành hợp đồng mua thiết bị quân sự Mỹ. Chính sách phòng vệ của Nhật Bản hướng vào mục đích chỉ bắn hạ tên lửa nếu xác định có nguy cơ rơi vào lãnh thổ Nhật Bản hoặc nếu tên lửa được đánh giá có thể gây "mối đe dọa hiện hữu" đối với Nhật Bản do nhằm vào mục tiêu của Mỹ.
"Điểm quan trọng nhất hiện nay là chúng ta đang cùng làm việc để chống lại sự xâm lăng nguy hiểm của chính quyền Bắc Triều Tiên", ông Trump nhấn mạnh, gọi các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo vượt qua không phận Nhật Bản gần đây của Bình Nhưỡng là "mối đe dọa cho thế giới văn minh, hoà bình và ổn định quốc tế".
Trong cuộc họp báo, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong bài phát biểu của mình cho biết, Nhật Bản ủng hộ lập trường của tổng thống Donald Trump, khẳng định "tất cả những giải pháp được lựa chọn" đều được đặt trên bàn (đã được làm rõ) khi thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên. Ông Shinzo Abe cũng nhấn mạnh, hai nước đã "cùng nhất trí 100%" trong vấn đề này.
Trước thềm chuyến công du dài ngày châu Á – Thái Bình Dương, tổng thống Donald Trump có bài phát biểu hùng biện về những vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Nhưng ông đã không đến thăm khu vực phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên (DMZ). Mặc dù vậy, tổng thống Mỹ vẫn đến thăm trại Humphreys, căn cứ quân sự Mỹ nằm phía nam thủ đô Seoul.
Trước những tuyên bố cứng rắn của tổng thống Mỹ, Triều Tiên nhận định chuyến thăm chính thức của ông Trump tại Nhật Bản bằng một cảnh báo tổng thống Mỹ không nên có những những nhận xét thiếu thận trọng về chính quyền Bình Nhưỡng.
Triều Tiên cáo buộc Mỹ cố "châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân" sau tình huống 2 máy bay ném bom chiến lược Mỹ tiến hành các cuộc diễn tập trong khu vực ngày 02.11.2017.
Bình Nhưỡng tuyên bố cuộc diễn tập trận có sự tham gia của máy bay chiến đấu Hàn Quốc và Nhật Bản là mô phỏng "cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ "nhằm vào các mục tiêu có ý nghĩa chiến lược của Bắc Triều Tiên.
Trong tình hình ngày càng nóng lên bởi những cuộc khẩu chiến giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, môt quan chức cao cấp Lầu Năm Góc đã viết thư cho các nhà lập pháp Mỹ, khẳng định với sự tin tưởng tuyệt đối rằng, một cuộc tấn công mặt đất vào Triều Tiên là cách duy nhất để phát hiện và chiếm giữ tất cả các căn cứ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên trong trường hợp có nguy cơ bùng phát chiến tranh.
Chuẩn đô đốc Michael J. Dumont, phó chủ tich Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Lầu Năm Góc, trong bức thư gửi các nhà lập pháp Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc nhận định Triều Tiên có thể đang nghiên cứu khả năng sử dụng vũ khí sinh học chống lại lực lượng tấn công (Mỹ và đồng minh). Ông này cho rằng Bình Nhưỡng từ lâu đang theo đuổi "chương trình phát triển những vũ khí hóa học, có khả năng gây ra các bệnh về thần kinh, gây ra các vết bỏng trên da, nhiễm độc máu và nghẹt thở”.
Ông Dumont nhận xét: "thậm chí việc ước tính thiệt hại do vũ khí hóa học – sinh học trong tình huống tốt nhất và xấu nhất cũng là một thách thức”, được hiểu là không thể xác định được Bắc Triều Tiên có bao nhiêu vũ khí hóa học – sinh học.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng, cuộc thảo luận chi tiết về phương thức Mỹ sẽ đáp trả mối đe dọa này không được thảo luận công khai.
Kể từ ngày 15.09.2017, Triều Tiên không tiến hành thêm bất cứ vụ phóng tên lửa nào nữa, một khoảng giãn cách thời gian dài đầu tiên trong năm 2017.