Lãnh đạo thế giới nói gì về Donald Trump?

Tháng 6-2015, khi tỉ phú New York tuyên bố tranh cử tổng thống, một số người đã cười khẩy. Nhưng nay, không ai còn cười nữa dù vẫn tồn tại hai luồng phản đối và ủng hộ.
Ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tại bang Texas tháng 7-2015 - Ảnh: Fortune.

Theo Fortune, sau một loạt chiến thắng trong các vòng bầu cử sơ bộ vừa qua, ông Donald Trump đang tạo được đà tiến khá vững vàng trong cuộc đua về đích tháng 11.

Đáng chú ý là chiến thắng ở 2 bang New Hampshire và South Carolina của ông Trump mà theo tờ The Hill, trong lịch sử bầu cử Mỹ, chưa từng có ứng cử viên nào thắng ở cả hai bang đó mà lại không trở thành đại diện cho đảng của họ trong cuộc đua quan trọng cuối cùng.

Tuy nhiên bất kể thực tế này, tỉ phú bất động sản vẫn phải đối mặt với khá nhiều chỉ trích bên cạnh những ý kiến ủng hộ từ các nhà lãnh đạo và các chính trị gia thế giới. Sự phản đối mạnh nhất đến từ sau những đề xuất cấm cửa với người Hồi giáo của ông Trump.

Hoàng tử Saudi Arabia Alwaleed bin Talal Alsaud - Ảnh: Getty Image

Hoàng tử Saudi Arabia Alwaleed bin Talal Alsaud

Tháng 12 năm ngoái, ông Alwaleed bin Talal Alsaud đã viết trên tài khoản Twitter của mình những lời lẽ phản đối ông Trump: “Ông bị coi thường không chỉ với đảng Cộng hòa mà còn với toàn nước Mỹ. Hãy bỏ cuộc đua trở thành tổng thống nước Mỹ vì ông sẽ chẳng bao giờ chiến thắng”.

Tháng giêng năm nay, ông Trump tung lên tài khoản Twitter của mình một bức ảnh lắp ghép, chỉnh sửa hoàng tử Saudi Arabia đứng cùng người dẫn chương trình tin tức Megyn Kelly của kênh Fox News và một người phụ nữ khác được chú thích là chị em gái của ông Talal. Tỉ phú Saudi Arabia cũng là một nhà đầu tư của công ty 21st Century Fox, công ty mẹ của Fox News.

Hoàng tử Bin Talal phản ứng lại bằng nội dung nói rằng ông đã từng cứu nguy về tài chính cho ông Trump vào những năm 1990 không chỉ một mà tới hai lần. Lần đầu vào năm 1991 khi ông mua lại một chiếc du thuyền của ông Trump và lần thứ 2 vào năm 1995 khi ông mua cổ phần của ông Trump tại khách sạn Plaza.

Cựu tổng thống Mexico Felipe Calderón - Ảnh: Getty Images

Cựu tổng thống Mexico Felipe Calderón

Mexico là đề tài bị tỉ phú Donald Trump chỉ trích nhiều nhất và gay gắt nhất. Trên thực tế, những nội dung chỉ trích đó được ông đưa vào ngay trong bài phát biểu tuyên bố tranh cử tổng thống của ông hồi tháng 6-2015.

Ông nói: “Khi Mexico gửi người của họ đi, họ không gửi những người tốt nhất. Họ đang gửi đi những người có rất nhiều vấn đề, họ gây ra những phiền toái cho chúng ta. Họ mang tới ma túy. Họ mang tới tội ác. Họ là những kẻ cưỡng hiếp. Và tôi đồ rằng chỉ một số người trong đó là người tốt”.

Ông Trump không những đề xuất việc xây một bức tường giữa hai nước mà còn bắt Mexico phải trả tiền xây tường đó.

Cựu tổng thống Mexico Felipe Calderón đương nhiên đã phản pháo rằng nước ông sẽ không “trả bất cứ xu nào cho một bức tường ngu ngốc như vậy”.

Ông Felipe Calderón gọi ông Trump là “một người đàn ông rất thiếu hiểu biết… Nếu gã này vờ như rằng việc đóng cửa biên giới với bất cứ đâu hoặc vì thương mại hoặc vì con người sẽ là giải pháp mang lại thịnh vượng cho nước Mỹ thì đúng là gã ta hoàn toàn điên rồ”.

Đáp lại những lời này, ông Trump tỏ ra không mấy bất ngờ. Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, ông cho biết ông nghĩ rằng “Lúc này bức tường ấy sẽ còn cao hơn”.

Thủ tướng Anh David Cameron - Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Anh David Cameron

Ông David Cameron cũng chỉ trích ông Trump về đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Mặc dù không đồng tình với lá đơn kiến nghị tập thể của vài chục ngàn người yêu cầu cấm ông Trump vào Anh nhưng ông Cameron cho rằng: “Tôi cho rằng những ý kiến của ông ấy gây chia rẽ, ngu ngốc và sai lầm. Tôi nghĩ nếu ông ấy đến thăm đất nước chúng tôi, ông ấy sẽ giúp chúng tôi đoàn kết lại để phản đối ông ấy”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan - Ảnh: Getty Images

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan

Sau lời kêu gọi cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan nói, nếu ông Trump trở thành tổng thống, sẽ rất khó để ông ấy có được các mối quan hệ thành công với các nước khác khi cứ tiếp tục kiểu nói năng bất cẩn này.

Ông Recep Tayyip Erdoğan nói: “Một chính trị gia thành công sẽ không phát ngôn như vậy vì có hàng triệu người Hồi giáo đang sống tại Mỹ. Tôi không biết ông ấy có chiến thắng hay không, nhưng chúng ta hãy giả định là ông ấy thắng cử đi. Chuyện gì sẽ xảy ra nào? Ông ấy sẽ gạt sang một bên tất cả các quan hệ với những nước Hồi giáo ư? Một chính trị gia không nên nói năng kiểu đó”.

Giáo hoàng Francis - Ảnh: Biography

Giáo hoàng Pope Francis

Ngày 18-2, trong một chuyến bay, khi được hỏi về những phát biểu gây sốc của ứng cử viên Donald Trump liên quan đến người nhập cư Mexico, giáo hoàng Pope Francis đã nói: “Một người mà chỉ nghĩ tới việc xây những bức tường, bất kể người đó đang ở đâu, mà không phải xây những cây cầu, đều không phải một người Thiên Chúa giáo”.

Cùng ngày, tỉ phú New York có đòn đáp trả ngay: “Một nhà lãnh đạo tôn giáo mà hoài nghi về đức tin của một người thì thật đáng xấu hổ”.

Ông Trump cũng cảnh báo rằng IS đã rất nóng lòng muốn tấn công Vatican. Ứng cử viên đảng Cộng hòa nói: “Nếu và khi nào Vatican bị tấn công, Giáo hoàng sẽ chỉ ước ao và cầu nguyện rằng giá như Donald Trump được bầu làm tổng thống”.

Thị trưởng thành phố London Boris Johnson - Ảnh: Fortune

Thị trưởng thành phố London Boris Johnson

Sau vụ xả súng ở San Bernadino, phát biểu trên đài MSNBC, tỉ phú Trump nói rằng: “Chúng ta đã có những nơi ở London và ở những nơi khác mà tình hình cực đoan tới mức cảnh sát cũng lo sợ cho chính sinh mạng của họ”.

Thị trưởng thành phố London nói: “Những bình luận thiếu hiểu biết của ông Donald Trump là hoàn toàn vô nghĩa. Tội phạm đã và đang giảm ổn định tại cả London lẫn New York, và lý do duy nhất mà tôi sẽ không tới khu vực nào ở New York chính là nguy cơ thực sự của việc phải gặp mặt ông Donald Trump”.

Tổng thống Barack Obama - Ảnh: Telegraph

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tổng thống Obama đã có vài lần đụng độ khó chịu với tỉ phú Trump, điển hình là vụ ông này chất vấn chuyện tổng thống Obama có phải được sinh ra tại Mỹ hay không.

Ngày 16-2, tại cuộc họp báo ở Rancho Mirage, California, tổng thống Obama dự đoán, bất chấp các kết quả thăm dò đã có và cả những kết quả bầu cử sơ bộ vừa qua, ông Trump sẽ không được bầu làm tổng thống của nước Mỹ.

Ông Obama nói: “Tôi vẫn tiếp tục tin rằng ông Trump sẽ không là tổng thống. Đó không phải là dẫn một talk show hay một chương trình truyền hình thực tế. Nó cũng không phải là quảng cáo hay tiếp thị… Nó nghiêm túc và rất nhiều người trông mong vào sự đúng đắn của chúng ta”.

Và những người ủng hộ

Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là ông Trump không được các chính khách ủng hộ. Mới đây nhất là ông Ben Carson, cựu ứng cử viên của đảng Cộng hòa đã phát biểu ủng hộ ông Trump trong một cuộc họp báo chung với ông Trump tại bang Florida, ngay trước cuộc bầu cử sơ bộ sẽ diễn ra tại đó vào thứ ba tuần tới, 15-3.

Ông Carson là cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ thứ 2 lên tiếng ủng hộ tỷ phú New York Donald Trump sau thống đốc bang New Jersey, Chris Christie, một người bạn lâu năm của ông Trump.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong số những nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ ông Trump trở thành tổng thống Mỹ - Ảnh: Truthnation

Tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc họp báo thường niên tại Matxcơva, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo Buzzfeed, hãng tin Interfax dẫn lời ông Putin nói về ông Trump: “Ông ấy thực sự là một người thông minh và tài năng, không nghi ngờ gì nữa. Đánh giá về các phẩm chất của ông ấy không phải việc của chúng ta, mà là việc của các cử tri Mỹ, nhưng ông ấy thực sự là một nhà lãnh đạo trong cuộc tranh đua vào vị trí tổng thống”. Ông Putin cũng nói ông hy vọng việc ông Trump được bầu sẽ cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Theo Tuổi trẻ