Lãnh đạo Serbia: 1/4 thế giới có thể bị đẩy vào tình trạng thiếu lương thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Nhiều vấn đề mới” có thể xuất hiện từ tình trạng thiếu lương thực mà cuộc xung đột ở Ukraine gây nên, Tổng thống Serbia nói.
Ảnh minh họa: Getty
Ảnh minh họa: Getty

Gần 1/4 dân số toàn thế giới có thể rơi vào tình trạng thiếu lương thực nếu như cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục kéo dài, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói trong bài phát biểu tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế tổ chức tại Novi Sad hôm 21/5 vừa qua.

“Nếu không có sự thay đổi trong cuộc xung đột ở Đông Âu, gần 1/4 thế giới sẽ cần lượng thực phẩm cơ bản, điều này sẽ tạo thêm nhiều vấn đề mới”, ông Vucic nói trong bài phát biểu khai mạc hội chợ kéo dài một tuần lễ tại thành phố của Serbia, quy tụ những người tham gia đến từ 21 nước.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5, ông tuyên bố rằng Serbia sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực diễn ra trên phần lớn hành tinh trong mùa Đông tới, tình trạng mà ông cho là “trầm trọng nhất trong 70 năm.”

Ông Vucic cũng hoan nghênh mối quan hệ gần gũi với Hungary, giải thích rằng nước này đã trở thành đối tác lớn thứ hai của họ trong EU. Tổng thống Hungary Viktor Orban, cũng xuất hiện trong hội chợ trên, đồng tình và nói thêm rằng cả hai nước đều có ngành nông nghiệp phát triển. Mặc dù thừa nhận về tình trạng “lạm phát, giá cả tăng nhanh, tình trạng thiếu lương thực và xung đột ở Ukraine”, nhưng ông Orban vẫn nói về “những tin tức tốt đẹp, mà theo như cuộc nói chuyện với ông Vucic, tôi có thể nói rằng Hungary có thể dựa vào Serbia, và ngược lại.”

“Chúng ta sẽ trải qua một mùa Đông khó khăn, nhưng Serbia và Hungary có nguồn dự trữ lương thực quan trọng, hai đất nước chúng ta an toàn khi nói về khí tự nhiên”, lãnh đạo Hungary nói, đồng thời chỉ trích “các biện pháp kinh tế không thể chấp nhận mà Brussels áp đặt” đối với Nga.

Ông Orban liên tục mô tả các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Nga là có hại cho Hungary và nhiều nước châu Âu khác, thay vì có hại cho Moscow. Ông nhấn mạnh rằng, giống như Serbia, “Hungary không áp lệnh trừng phạt với Nga, bởi điều đó không khác gì một quả bom nguyên tử.” Chính quyền Budapest bởi vậy không tham gia vào nỗ lực áp lệnh trừng phạt của EU nhằm vào ngành năng lượng Nga.

Theo RT