Lạm phát và cuộc tranh luận về cách Fed tăng lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 3 tới, những câu hỏi mà các quan chức thuộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải trả lời sẽ không còn là chuyện có nâng lãi suất hay không, mà là sẽ nâng bao nhiêu và như thế nào?

Fed đối mặt với sức ép phải mạnh tay hơn

Các báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10-2 cho thấy tỷ lệ lạm phát tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 1-2022 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng mạnh nhất trong 40 năm qua, trong khi tỷ lệ lạm phát lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) cũng đạt mức tăng 6%.

Theo WSJ, các số liệu lạm phát mới công bố đã “thổi bùng” lên các cuộc tranh luận bên trong ngân hàng trung ương về việc làm sao đẩy nhanh tốc độ và tần suất nâng lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong mùa xuân năm nay nhằm ngăn chặn mức lạm phát tăng vọt và hạ nhiệt nền kinh tế.

Vẫn còn nhiều tuần để các bên tiếp tục thảo luận về kịch bản nâng lãi suất, tuy nhiên, thị trường đang có xu hướng tin rằng các quan chức Fed nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm chứ không phải chỉ 0,25 điểm phần trăm theo thông lệ bình thường.

Kỳ vọng của thị trường về việc Fed nâng lãi suất mạnh tay hơn trong tháng 3-2022 đã tăng gấp đôi sau khi các dữ liệu lạm phát được công bố với mức tăng vượt dự báo của giới chuyên gia. Các chuyên gia dự báo, Fed sẽ tiến hành ít nhất sáu đợt tăng lãi suất với mức tăng 0,25 điểm % trong năm nay, trong khi Goldman Sachs thậm chí đã nâng dự báo lên bảy lần tăng.

Theo các dữ liệu từ Tradeweb, trong ngày 10-2, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn đặc biệt nhạy cảm với chính sách tiền tệ ngắn hạn, đã tăng lên mức 1,56% từ mức 1,346% của phiên giao dịch ngày thứ Tư, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng vượt mức 2% lần đầu tiên kể từ giữa năm 2019, chốt phiên ở mức 2,028%. Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều giảm ít nhất 1,4%.

Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu nhiều tác động từ việc ông James Bullard, Chủ tịch chi nhánh Fed tại St.Louis, đột ngột đưa ra tuyên bố cho rằng ông muốn Fed tăng suất mạnh tay hơn, với mức tăng cao chưa từng có trong một thời gian ngắn: thêm 100 điểm phần trăm từ giờ cho đến cuối tháng 6. Lộ trình tăng lãi suất này sẽ là nhanh chưa từng thấy tại Fed trong nhiều thập kỷ qua.

Trong những tháng vừa qua, giới chức Mỹ đã theo dõi sát những dấu hiệu để xem liệu tốc độ lạm phát gia tăng có chững lại, tuy nhiên các số liệu mới khó có thể khiến họ cảm thấy “yên lòng”. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Joe Manchin – một chính trị gia có ảnh hưởng lớn, đã phải lên tiếng thúc giục, “Đã hết thời gian để Fed giải quyết vấn đề này. Chúng ta chờ đợi càng lâu, nỗi đau kinh tế sẽ càng tăng lên”.

Các chuyên gia phân tích nhận định, để ứng phó với áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, Fed sẽ cần phải hành động rất nhanh trong năm nay để có thể rút bớt chính sách kích thích kinh tế khổng lồ từng được triển khai trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức nghiên cứu SGH Macro Advisors, ông Tim Duy, khẳng định: “Fed rõ ràng đang không ứng phó kịp với đường cong lạm phát. Chẳng còn câu trả lời nào khác ở giai đoạn này cả”.

Quan điểm trái ngược trong nội bộ Fed

Ở chiều ngược lại, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thị trường đã phản ứng quá mức. Không ít quan chức Fed đã bày tỏ sự nghi ngờ đối với phương án nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và cho rằng hiện không cần phải khởi đầu chu kỳ nâng lãi suất bằng một động thái quyết liệt hơn bình thường.

Hôm 10-2, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly cho biết việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản “không phải là phương án ưa thích của tôi”. Bà đề cập tới tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và việc Fed đã truyền tải thông điệp rõ ràng về sự sẵn sàng hành động của họ, “thị trường đã phản ứng đối với việc rút lại chính sách nới lỏng tiền tệ và họ rõ ràng đã nghe rõ thông điệp từ Fed”.

Trong khi đó, ông Thomas Barkin, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, chia sẻ, mặc dù ông sẵn sàng tăng lãi suất 40 điểm cơ bản “về mặt khái niệm”, nhưng bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp cho một động thái như vậy.

Một quan chức khác là Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland – bà Loretta Mester chia sẻ với CNN rằng, bà hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm nay, đồng nghĩa với việc Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất so với dự báo hiện nay của thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, bất chấp những sức ép hiện tại từ lạm phát, giới chức Fed sẽ cố gắng thận trọng trong việc tăng lãi suất quá nhanh, để tránh tạo ra những biến động quá mạnh trên thị trường tài chính, khiến cổ phiếu lao dốc mạnh trong khi lợi suất trái phiếu tăng cao hơn nữa.

Bên cạnh đó, các kinh nghiệm lịch sử cho thấy, việc tăng lãi suất quá nhanh có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến nền kinh tế chậm lại đáng kể, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản, vốn nhạy cảm với lãi suất cao. Ký ức về những đợt tăng lãi suất mạnh tay 40 năm trước rõ ràng vẫn ám ảnh các chuyên gia, và Chủ tịch Fed Jerome Powell chắc chắn không muốn trở thành phiên bản năm 2022 của Paul Volcker – Chủ tịch Fed trong những năm 1970 và 1980, người đã mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát, một động thái cuối cùng dẫn đến hai cuộc suy thoái ngắn nhưng để lại hậu quả nặng nề. Ông David Kelly, chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds, nhận định: “Nếu lãi suất tăng nhanh hơn trong thời gian tới vì sự thiếu kiên nhẫn của Fed, nguy cơ kịch bản này tái diễn là rất đáng kể”.

Vẫn còn quá sớm để dự báo về động thái của Fed

Dự kiến, các quan chức sẽ có thêm một báo cáo lạm phát khác để cân đối về chính sách trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo vào các ngày 15 và 16-3-2022. Và các chuyên gia tin rằng, cơ quan này vẫn có đủ thời gian để theo dõi thêm dữ liệu và đưa ra kế hoạch phù hợp, thay vì thực hiện những động thái hấp tấp, vội vàng. Ông Steve Sosnick, chiến lược gia trưởng của Interactive Brokers cho biết: “Hiện tại, giới chức Fed vẫn đang thảo luận về việc tăng lãi suất và cắt giảm lượng mua trái phiếu, nhưng việc tăng lãi suất mới chỉ là lý thuyết”.

Trên thực tế, dữ liệu từ các quỹ giao dịch hợp đồng tương lai liên bang tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) cho thấy, giới đầu tư tin tưởng rằng có khoảng 64% cơ hội lãi suất sẽ tăng nửa điểm phần trăm trong tháng 3 tới, giảm đáng kể so với tỷ lệ cược gần 100% của hôm 10-2. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn dự báo có khoảng 30% khả năng Fed sẽ thực hiện bảy đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Theo CNN, đây sẽ là thời điểm để các nhà đầu tư bình tĩnh đánh giá tình hình, và cần lưu ý rằng, Fed sẽ có rất nhiều dữ liệu để xem xét trước cuộc họp chính sách vào giữa tháng tới. Đúng là các dữ liệu của tháng 1 cho thấy áp lực giá cả đã lan rộng ra nhiều mặt hàng, với sự gia tăng của giá dịch vụ – một lĩnh vực vốn không hề liên quan tới vấn đề chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chỉ dữ liệu của một tháng là chưa đủ để thúc đẩy Fed hành động ngay lập tức.

Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ phải tiếp tục quan sát tình hình một cách thận trọng, giống như những gì mà Chủ tịch Fed Powell và các đồng nghiệp của ông đang làm. Mọi quyết định đặt cược vào số lần Fed có thể tăng lãi suất trong năm nay, hiện vẫn còn là quá sớm.

Nguồn: Financial Times, WSJ, CNN, Bloomberg

Theo TBKTSG