Thời điểm bản "hợp đồng vay tiền để trả nợ" của Hoài Linh xuất hiện trên mạng xã hội là giữa lúc dư luận ồn ào sự vụ "ngâm 14 tỷ tiền từ thiện". Cơ quan chức năng đã xác minh được bản hợp đồng nói trên là giả mạo, vậy người làm giả hợp đồng này sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật? Luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM trao đổi với VietTimes về đề tài này.
Phóng viên: - Giữa cơn lốc thông tin về việc “ngâm” 14 tỷ tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh, trên mạng xã hội đồng thời xuất hiện một bản hợp đồng Hoài Linh vay 5 tỷ đồng để trả nợ được cư dân mạng lan truyền chóng mặt. Về việc này, cơ quan chức năng đã xác minh bản hợp đồng là giả mạo. Như vậy, người làm giả hợp đồng này phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật, thưa luật sư?
Luật sư Bùi Quốc Tuấn: - Nội dung bản hợp đồng này thể hiện, ông Ngô Mỹ đồng ý cho ông Võ Nguyễn Hoài Linh vay 5 tỉ đồng, thời gian vay là 6 tháng, lãi suất 1% mỗi tháng, thời hạn trả cả gốc và lãi vào ngày 28/11/2021. Hợp đồng vay tiền này lập vào ngày 28/5/2021, được Phó Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ (quận 7) xác nhận và đóng dấu. Mặc dù tất cả các chữ Phú Mỹ trên hợp đồng đã được bôi mờ bằng bút mực màu xanh, nhưng cộng đồng mạng vẫn truy ra được là UBND phường Phú Mỹ.
Hợp đồng giả mạo vay tiền đứng tên nghệ sĩ Hoài Linh lan truyền trên mạng xã hội |
Phía cuối hợp đồng này còn ghi rõ nội dung: "Nếu trong thời gian trên, bên B chưa thanh toán số tiền nói trên, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hợp đồng được lập thành 03 bản có giá trị như nhau, bên A giữ 01 bản, bên B giữ 01 bản và lưu UBND phường Phú Mỹ 01 bản".
Về việc này, Chủ tịch UBND phường Phú Mỹ đã kiểm tra, rà soát hồ sơ chứng thực chữ ký ngày 28/5/2021 tại UBND phường Phú Mỹ, UBND phường xác định không có hồ sơ chứng thực chữ ký tên Ngô Mỹ và Võ Nguyễn Hoài Linh. Từ đó, UBND phường Phú Mỹ đã khẳng định, hợp đồng trên là giả mạo.
Người làm giả và tung bản hợp đồng này lên mạng xã hội có hành vi "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức" được quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, tại điều 341 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho rằng, người làm giả hợp đồng có thể bị phạt 2 năm tù, cao nhất là 5 năm tù - Ảnh Hoà Bình |
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng nếu có hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. "Lừa dối" ở đây có nghĩa là người phạm tội sử dụng các đối tượng đó trong giao dịch với cơ quan Nhà nước, tổ chức hoặc công dân khiến cho các đối tác giao dịch tin đó là đối tượng thật.
Trong trường hợp này, người làm giả hợp đồng vừa có tội làm giả con dấu (dấu UBND phường Phú Mỹ), vừa có hành vi sử dụng hợp đồng giả để lừa dối cộng đồng mạng (cụ thể, người làm giả hợp đồng này khiến dư luận tin việc nghệ sĩ Hoài Linh vay tiền để trả nợ, gây mất uy tín và danh dự của nghệ sĩ Hoài Linh). Như vậy, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Ngoài ra, người làm bản hợp đồng giả trên còn bị quy vào thực hiện lỗi cố ý với mục đích lừa dối cơ quan, tổ chức. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định. Trong trường hợp cơ quan điều tra xác minh tội phạm có tổ chức, thì có thể bị xử phạt cao nhất là 5 năm tù.
*Sau ồn ào dư luận, nghệ sĩ Hoài Linh đã lên tiếng xin lỗi vì chậm trễ trong việc làm từ thiện, rút ra bài học hoạt động thiện nguyện không dễ. Lý do chậm trễ vì dịch bệnh COVID-19 lan tràn và nghệ sĩ Hoài Linh cũng bệnh nặng, đã phải trải qua quá trình xạ trị. Thưa luật sư, trước tình trạng “loạn chuẩn” trên mạng xã hội như hiện nay, người nổi tiếng dễ dàng bị lợi dụng, vu khống, nghệ sĩ có thể làm gì?
Luật sư Bùi Quốc Tuấn: - Nghệ sĩ Hoài Linh có quyền làm đơn tố giác tội phạm gửi sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để đề nghị điều tra và làm rõ đối tượng làm giả giấy tờ gây mất uy tín, danh dự của bản thân. Sau khi xác minh được đối tượng, nghệ sĩ Hoài Linh có quyền khởi kiện ra toà án để đòi bồi thường thiệt hại về nhân phẩm, danh dự. Nếu có cơ sở xác minh được thiệt hại danh dự, nhâm phẩm thì nghệ sỹ Hoài Linh có quyền yêu cầu bồi thường theo số tiền thiệt hại nà
NSƯT Hoài Linh có quyền làm đơn tố giác tội phạm, kiện ra toà đòi bồi thường những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm - Ảnh: FBNV |
* Đã có đơn của một công dân gửi đến Thanh tra Bộ VHTTDL đề nghị thu hồi danh hiệu NSƯT của Hoài Linh (đặc cách trao tặng năm 2016), cấm nghệ sĩ xuất hiện trên các chương trình truyền hình; thưa luật sư, việc này sẽ được xử lý ra sao?
Luật sư Bùi Quốc Tuấn: - Chưa có cơ quan chức năng nào quy kết hành vi của Hoài Linh là vi phạm pháp luật nên không có cơ sở để thu hồi danh hiệu NSƯT của nghệ sĩ này.
Việc tước danh hiệu được quy định rõ ràng trong Luật thi đua khen thưởng. Tại Điều 97 Luật thi đua khen thưởng quy định, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước do Chủ tịch nước quyết định.
Khoản 1, Điều 79, Nghị định 91/2017/NĐ-CP cũng quy định: "Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước".
Việc Hoài Linh chậm giải ngân tiền từ thiện khiến dư luận tranh cãi. Thế nhưng việc đề nghị thu hồi danh hiệu NSƯT của Hoài Linh thì cấp giải quyết đầu tiên là Sở VHTT TP.HCM sẽ xem xét theo quy định của pháp luật. Đối với Thanh tra Bộ VHTT&DL chỉ là đơn chuyển.
Theo tôi, vụ việc nên khép lại vì Hoài Linh cũng đã giải ngân số tiền 14 tỉ đồng gây tranh cãi nói trên và đã có lời xin lỗi chính thức tới công chúng. Chúng ta nên giang rộng vòng tay thay vì chỉ trích khi Hoài Linh đã có sự cầu thị. Vụ việc này là bài học cho những ai có hành vi tương tự.
Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho rằng việc có tước danh hiệu NSƯT của Hoài Linh hay không, phải theo quy định pháp luật. Ông cho biết, chỉ khi nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì mới xem xét việc tước danh hiệu. Đến lúc này, vẫn chưa có kết luận nào từ cơ quan chức năng khẳng định Hoài Linh vi phạm pháp luật nên không có chuyện tước danh hiệu của nghệ sĩ này.
Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - cho biết thông thường, danh hiệu được phong ở đâu thì địa phương quản lý, có thẩm quyền giải quyết. Có đơn đề nghị thì phải xác minh quy trình theo luật tố tụng, xem xét thấu đáo từ dưới lên trên chứ tước hay không, không phải đơn giản. “Phải xem lời tố chính xác không. Còn văn bản trên chỉ là đơn chuyển", Thứ trưởng nói.