|
Việt Nam hiện còn thiếu nhiều chính sách, điều luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới |
Ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – đặt ra và nhận được sự đồng thuận cao tại tọa đàm trực tuyến “Dòng dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân” – vừa diễn ra sáng nay (27/8).
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức, dưới sự chủ trì của Hội Truyền thông số Việt Nam, với sự tham gia của các đại biểu của nhiều cơ quan nhà nước và tổ chức quốc tế. Tọa đàm nhằm cung cấp thêm các góc nhìn, các phân tích, đánh giá, góp phần tìm ra giải pháp chính sách phù hợp hơn - có khả năng cân bằng giữa phát triển kinh tế số dựa trên dòng dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam.
|
Tọa đàm “Dòng dữ liệu xuyên biên giới và vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân” tổ chức trực tuyến sáng 27/8. |
Cần cơ chế bảo vệ thoả đáng, tạo lập niềm tin số
Trong bài phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Nguyễn Minh Hồng chia sẻ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, của internet đã xâm nhập sâu rộng và thay đổi cơ bản cách chúng ta sống, làm việc; thay đổi cách kinh tế vận hành và thay đổi cả cách thức quản trị quốc gia.
Trong 5 năm vừa qua, ở Việt Nam, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất chính là Kinh tế số. Từ quy mô 3 tỉ USD vào năm 2015, đến năm 2020, Kinh tế số đạt khoảng 14 tỉ USD và dự báo sẽ tăng lên đạt 52 tỉ USD vào năm 2025. Bên cạnh xu hướng đó, chuyển đổi số, kinh tế số đặt ra những vấn đề lớn về an toàn, an ninh mạng; trong đó có vấn đề dữ liệu cá nhân.
"Cá nhân tôi từng trải nghiệm những sự cố như vậy - đó là một sự cố về việc có người đã lấy hình ảnh của tôi và tạo một tài khoản FB mạo danh tôi. Rất nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam gặp sự cố tương tự. Các vấn đề về ‘đánh cắp danh tính’, mạo danh, lừa đảo,… đang ngày càng trở nên phổ biến gây những phiền phức không nhỏ đến cuộc sống từng cá nhân", ông Nguyễn Minh Hồng cho biết.
|
Bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam tại Hội thảo Bảo vệ Dữ liệu xuyên biên giới, sáng 27/8 |
Dữ liệu cá nhân, từ những thông tin cơ bản xác định danh tính (ngày sinh, địa chỉ, email,...) đến những dữ liệu nhạy cảm (người dùng nghĩ gì, thích gì, quan tâm cái gì ); lẫn những thông tin đặc biệt nhạy cảm (dữ liệu sinh trắc học, hồ sơ sức khoẻ, tình trạng bệnh tật), đều được ‘số hoá’.
Nếu thiếu đi những cơ chế bảo vệ thoả đáng, nguy cơ bị lạm dụng dữ liệu và mức độ nguy hiểm của nó tạo ra, với mỗi cá nhân, với mỗi cộng đồng, quốc gia, và toàn thể nhân loại rất lớn lao. Điều gì xảy ra nếu dữ liệu y tế đặc biệt riêng tư như gene, hồ sơ sức khoẻ cá nhân bị rò rỉ?
"Vấn đề càng phức tạp hơn, dữ liệu cá nhân ở một quốc gia này, bằng công nghệ, có thể chuyển đến, được xử lý, lưu trữ ở các trung tâm dữ liệu tại một quốc gia khác. Hệ quả là, nếu dữ liệu cá nhân của tôi bị xâm hại, làm thế nào để một cơ quan thực thi pháp luật ở quốc gia của tôi bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của tôi, khi vi phạm đó về mặt kỹ thuật xảy ra ở một nước khác”, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đặt vấn đề.
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có lượng dữ liệu luân chuyển xuyên biên giới lớn nhất thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở thương mại cao; tỷ lệ lớn người dùng tham gia hoạt động tích cực trên môi trường số toàn cầu, xu thế này phản ánh một cách tích cực tiềm năng và cơ hội của Việt Nam.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Minh Hồng đặt vấn đề: Xu thế đó kèm theo là thách thức lớn làm sao bảo vệ được an toàn dữ liệu cho người dùng, bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người mà không làm tổn hại đến dòng chảy dữ liệu - vốn là huyết mạch của nền kinh tế số. Do vậy, tìm một điểm cân bằng: Giữa trao đổi dữ liệu, gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu xuyên biên giới; và bảo vệ được an toàn để tạo lập niềm tin số của người dùng, là chủ đề xây dựng chính sách lớn cho Việt Nam.
‘Then chốt’ trong tiến trình phát triển kinh tế số
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) - khuyến nghị Việt Nam nên đặt mục tiêu kép: Thúc đẩy được dòng chảy dữ liệu tự do để phục vụ phát triển kinh tế số đồng thời đảm bảo được an toàn và quyền riêng tư dữ liệu cho người dùng.
|
Ông Nguyễn Quang Đồng đưa ra đề xuất về một hệ thống chính sách đa công cụ phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. |
‘Một hệ thống chính sách đa công cụ có thể sẽ phục vụ tốt cho Việt Nam hơn là thuần túy dựa vào các luật lệ và quy định ‘cứng’. Bên cạnh biện pháp ‘cứng’, các biện pháp bổ trợ gồm tiêu chuẩn ‘mềm’ trong nội bộ ngành (vừa có tính khuyến khích vừa có tính ràng buộc doanh nghiệp thực thi) như tiêu chuẩn an toàn dữ liệu, các giải pháp công nghệ giúp bảo vệ dữ liệu cần được cân nhắc áp dụng” - Đại diện IPS nêu quan điểm.
Về kinh nghiệm quốc tế, bà Tsunoda Rika - Phó Giám đốc Văn phòng Chiến lược công nghệ thông tin, Văn phòng Nội các Nhật Bản - phát biểu rằng: tại Nhật Bản, trong quản trị dữ liệu, nước này hướng đến mục tiêu ‘Dòng chảy dữ liệu tư do gắn liền với tin cậy’ (Data free flows with trust) - một sáng kiến trong khuôn khổ Hội nghị thượng định G20 Osaka 2019. Cùng với đó, ông Fan Tuk Chee - Phó Giám đốc điều tra, Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân Singapore – gợi ý: Bản kiến trúc về tương lai nền kinh tế số của Singapore được thiết kế dựa trên một hệ sinh thái dữ liệu đáng tin cậy dựa trên khung khổ pháp lý thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chủ thể thực thi nghĩa vụ pháp luật đặt ra.
Ông Jeff Paine - Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (Asia Internet Colliation) - nhấn mạnh 4 lợi ích mà dòng dữ liệu xuyên biên giới mang lại cho phát triển thương mại quốc tế. Đó là thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu; cho phép các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ tốt nhất hiện có; mang lại lợi ích cho tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ tài chính, giáo dục và chăm sóc sức khỏe; và cho phép gửi một lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và hầu như không mất phí đến hầu hết mọi nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á đánh giá cơ hội, dữ liệu xuyên biên giới cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức về chính sách như bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, khả năng thực thi quyền tài phán của quốc gia, an ninh mạng. Việc tìm ra một hướng đi thích hợp lúc này là điểm ‘then chốt’ trong tiến trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.