Lại truy lùng kho vàng

Với đề xuất tìm cách huy động 500 tấn vàng trong dân của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, câu hỏi không phải là nên hay không nên làm như nhiều chuyên gia sôi nổi luận bàn mấy ngày qua. Câu hỏi là liệu có chuyện huy động vàng này xảy ra không? Vì sao có, vì sao không?
Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc huy động vàng từ dân sẽ xảy ra, nhưng đã đến lúc NHNN từ bỏ vai trò độc quyền nhập vàng miếng, trả lại thị trường vàng cho người dân kinh doanh nó bình thường như một loại hàng hóa. Ảnh: Sina
Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc huy động vàng từ dân sẽ xảy ra, nhưng đã đến lúc NHNN từ bỏ vai trò độc quyền nhập vàng miếng, trả lại thị trường vàng cho người dân kinh doanh nó bình thường như một loại hàng hóa. Ảnh: Sina

Nhưng trước hết cần làm rõ một vài con số. Nói 1 tấn vàng, ai cũng thấy nhiều quá, nhiều quá, không hình dung nổi. Nhưng tính chi ly, 1 tấn vàng hiện nay có giá chỉ hơn 40 triệu đô-la một chút. Để dễ hình dung, xin so sánh một vài dự án, ví dụ dự án tháp truyền hình mà VTV cùng các đối tác đang dự kiến xây dựng có tổng vốn đầu tư chừng 1,5 tỉ đô-la, tức cần hơn 37 tấn vàng! Cứ giả dụ hiện trong dân còn 500 tấn vàng thì trị giá của chúng cũng chỉ vào khoảng 20 tỉ đô-la Mỹ.

Thứ nữa là nhiều người cũng mau quên. Mới cách đây mấy năm, vào năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục tổ chức đến 76 phiên đấu thầu, bán ra gần 70 tấn vàng miếng. Lúc đó Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại tệ nhập vàng về bán, sao không ai đề xuất theo hướng ngược lại? Quan trọng hơn lúc đó NHNN nhập vàng giá cao hơn bây giờ nhiều, dù Ngân hàng Nhà nước không lỗ vì nhập về là bán liền nhưng xã hội nhìn chung phải gánh một khoản lỗ không nhỏ khi giá 70 tấn vàng đó giờ đã giảm nhiều.

Vào thời điểm đó, trong 70 tấn vàng bán ra thì 30 tấn do các ngân hàng thương mại mua để tất toán trạng thái vàng, 40 tấn bán ra thị trường. Chênh lệch giá vàng trong nước lúc đó cao hơn giá vàng quốc tế chừng 4 đến 5 triệu đồng/lượng, dấu hiệu cho thấy cầu cao hơn cung. Nay giá vàng trong nước lại thấp hơn giá vàng quốc tế, hay nói cách khác, cầu đã giảm, có lẽ số vàng mua được từ các phiên đấu thầu đang được tung ra thị trường bất kể giá giảm.

Quay trở lại câu hỏi ở đầu bài, xét về mặt chính sách tiền tệ, chắc chắn NHNN không có nhu cầu huy động vàng làm gì cả. NHNN có chức năng tạo tiền, như tạo ra 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà; không việc gì phải tốn chi phí để huy động vàng rồi bán ra lấy tiền.

Sâu xa hơn việc NHNN tách chức năng tiền tệ ra khỏi vàng là một bước đi cần thiết để củng cố năng lực điều hành tiền tệ để phục vụ các mục tiêu mong muốn. Cung tiền, dự trữ bắt buộc, tăng trưởng tín dụng – tất cả đang nằm trong vòng kiểm soát của NHNN, không việc gì họ phải cho vàng lấn sân, can thiệp vào khả năng kiểm soát này.

Với nhu cầu đầu tư của xã hội, hiện nay chưa có dấu hiệu gì cho thấy có điểm nghẽn về năng lực sản xuất do thiếu vốn và nếu có nhu cầu thật sự thì người dân đã tự động bán vàng ra thị trường để lấy vốn kinh doanh chứ đâu cần ai huy động. Các chuyên gia thường nói chung chung, huy động vàng để có vốn đổ vào sản xuất kinh doanh nhưng phải hiểu tiền đó xuất phát là của ai, có phải của người đang giữ vàng hiện nay hay không? Rõ ràng họ đang chọn lựa con đường giữ vàng như một cách bảo toàn tài sản chứ họ đâu có nhu cầu đầu tư?

Có chăng là nhu cầu có một loại “tiền” với chi phí rẻ hơn tiền đồng hiện nay để ngân hàng thương mại sử dụng vào cho vay sản xuất. Tiền đồng hiện có chi phí cao vì nợ xấu cao nên lãi suất không thể giảm.

Nhưng nếu cho phép ngân hàng thương mại huy động vàng như cũ, chắc chắn sẽ tái diễn cảnh kinh doanh trên chênh lệch lãi suất. Tức hiện nay huy động tiền đồng sẽ phải trả lãi cao, ngân hàng thương mại nào cũng mong huy động được vàng, trả rất ít hay thậm chí không trả lãi, bán vàng đó ra lấy tiền đồng để kinh doanh hưởng lãi cao. Với tâm lý kinh doanh ngắn hạn, khả năng tái diễn rủi ro giá vàng tăng lên, ngân hàng hay khách hàng vay bằng vàng không tất toán nỗi sẽ tái diễn. Không ai mong muốn điều đó cả.

Ở đây chỉ có một nhu cầu cuối cùng, là Nhà nước cần ngoại tệ cho nhiều mục đích, kể cả trả nợ bằng ngoại tệ. Nếu vay được vàng của dân với chi phí thấp chuyển nó thành ngoại tệ thì đó cũng là lời giải mà nhiều nơi tìm kiếm. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy cầu ngoại tệ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, cán cân thanh toán quốc tế vẫn thặng dư. Vốn ngoại đang rót vào mạnh, nhất là trong thời gian sắp tới khi nhà đầu tư nước ngoài tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đem lại. Ngày trước, sau cơn sóng gia nhập WTO, vốn ngoại đổ vào ào ạt làm NHNN phải vất vả trung hòa khi phải tung ra một lượng tiền đồng lớn để mua.

Nói tóm lại, đề xuất thì cứ đề xuất nhưng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc huy động vàng từ dân sẽ xảy ra. Tuy nhiên, đã đến lúc NHNN từ bỏ vai trò độc quyền nhập vàng miếng, trả lại thị trường vàng cho người dân kinh doanh nó bình thường như một loại hàng hóa. NHNN đã làm được một việc lớn: chấm dứt chuyện ngân hàng huy động vàng, trả lãi cho dân vì nó làm méo mó chính sách tiền tệ, tác động lên tỷ giá. Nay chỉ cần trả thị trường vàng cho nền kinh tế thì khỏi cần quan tâm đến các đề xuất như kiểu tìm cách huy động 500 tấn vàng, rất không khả thi.

Theo TBKTSG