Kỳ vọng đầu tư công 'cất cánh' trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi thương mại quốc tế chững lại, việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023 được kỳ vọng không chỉ góp phần hỗ trợ tăng trưởng GDP mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI.
Kỳ vọng đầu tư công 'cất cánh' trong năm Quý Mão 2023
Kỳ vọng đầu tư công 'cất cánh' trong năm Quý Mão 2023

Trích dẫn số liệu từ Tổng Cục thống kê, báo cáo chiến lược năm 2023 của CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset Việt Nam) ghi nhận khẩu của Việt Nam đã giảm tốc đáng kể từ tháng 9/2022, chủ yếu đến từ sự suy yếu của các thị trường Mỹ và EU. Trước đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu ròng đóng góp từ 5-6% GDP của Việt Nam.

Mirae Asset dự báo, tăng trưởng thương mại quốc tế năm 2023 của Việt Nam sẽ tiếp tục chậm lại do kinh tế toàn cầu đang xấu đi, rủi ro địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn.

Theo S&P Global, việc tiền đồng mất giá dẫn đến chi phí đầu vào tăng nhanh hơn, trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu kém khả quan. Điều này cũng được phản ánh qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam đã chậm lại đáng kể từ tháng 10/2022.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế chững lại, Mirae Asset kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2023. Hoạt động này không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng GDP mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Chia sẻ tại chương trình "ĐẦU TƯ GÌ NĂM 2023: Triển vọng phục hồi?" của kênh Tài chính & Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu – CEO WiGroup – cho hay, sự suy giảm của khu vực sản xuất trên thế giới bắt đầu từ giữa năm 2022 và sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong 1-2 quý tới. Do đó, ông Báu cho rằng, 2023 sẽ là năm đặc biệt của đầu tư công và đây có thể là 'chìa khóa' để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

Được biết, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với số vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 140.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2022 và tăng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2021. Theo ông Trần Ngọc Báu, nền kinh tế có thể hấp thụ 200.000 – 300.000 tỉ đồng đầu tư công, qua đó có thể khiến cung tiền tăng thêm khoảng 500.000 – 600.000 tỉ đồng (nếu tính hệ số nhân tiền là 2).

Tương tự, trong báo cáo chiến lược năm 2023, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) cũng nhận thấy xu hướng rõ nét rằng Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Công ty chứng khoán này kỳ vọng đầu tư công sẽ là điểm sáng trong năm 2023, với tăng trưởng từ 20 – 25% so với cùng kỳ.

Theo VND, việc giải ngân đầu tư công giúp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có thể phục hồi khi lĩnh vực bất động sản suy yếu. Cùng với đó, đầu tư công cũng sẽ góp phần giải quyết phần nào vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Với quan điểm thận trọng, tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam – đặt vấn đề về khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư công của nền kinh tế. Ông Cường cho hay, trên thực tế, nền kinh tế chỉ hấp thụ được khoảng 400.000 tỉ đồng/năm, mà mục tiêu đưa ra là 700.000 tỉ đồng.

"Điều này sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và thanh khoản của hệ thống tài chính. Do vậy, khi đặt ra kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cần cân nhắc đến khả năng hấp thụ từ năng lực của nền kinh tế, bộ máy hành chính, doanh nghiệp, cơ chế, chính sách", ông nói./.