Kỹ sư Google người Việt "bật mí" 5 nguyên tắc giúp Google luôn dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng nhóm Giải pháp hiện đại hóa ứng dụng - Google Cloud, mặc dù đã thành lập từ cách đây 25 năm, nhưng Google vẫn luôn nằm trong top các công ty đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.

Kỹ sư Google người Việt "bật mí" 5 nguyên tắc giúp Google luôn dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo

Ông Lê Anh Tuấn cho biết, việc đổi mới sáng tạo của Google đã diễn ra từ rất lâu. Chẳng hạn như trình duyệt Chrome đã được Google phát triển từ năm 2008. Lúc đó Google không có phần cứng riêng, không có platform riêng, không có hệ điều hành riêng.

Tuy nhiên, Chrome sau một thời gian ngắn ra mắt đã nhận được sự yêu thích của người dùng và thay thế Internet Explorer, trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới. Chính Sundar Pichai, CEO đương nhiệm của Google, là người đứng đầu dự án phát triển Chrome vào thời điểm đó. Điều này thể hiện Chrome là một dự án rất thành công.

Trong Chrome cũng có một game vui nhộn đơn sắc mà mọi người đều biết, đó là chú khủng long nhảy qua chướng ngại vật. Game này xuất hiện khi máy tính không có kết nối Internet. Trong trụ sở chính của Google ở Mountain View, California, cũng có trưng bày bộ xương khủng long có tên là "Stan".

Sở dĩ hình ảnh khủng long gắn với Google là vì người sáng lập Google muốn nhắn nhủ với nhân viên rằng, ngay cả một loài đứng đầu chuỗi thức ăn như khủng long cũng có thể bị tuyệt chủng nếu môi trường thay đổi, thế giới thay đổi. Đây là lời nhắc nhở nhân viên phải luôn cố gắng đổi mới sáng tạo để công ty không bị "tuyệt chủng".

"Chặng đường đi tới thành công của Google cũng không phải là một đường thẳng hướng lên trên" - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ. Thực tế nó là một đường ngoằn ngoèo, có lúc hướng lên, có lúc hướng xuống và quay lại. Có những ứng dụng mà Google đã thất bại hoặc phải chuyển hướng phát triển như Google Plus, Nexus Q, Pixel Slate...

Vậy thì điều gì là lực cản các công ty đổi mới sáng tạo? Theo ông Lê Anh Tuấn, đó chính là "định kiến". Cách đây 200 năm, Oscar Wilde trong cuốn "The Picture of Dorian Gray" đã viết một câu: "to define is to limit" (tạm dịch là định nghĩa là định hạn). Một đồ vật có nhiều khía cạnh khác nhau, nếu cố định nghĩa/định kiến vật đó ở một khía cạnh nhất định thì có thể làm hạn chế hoặc không nhận thấy những khía cạnh tốt đẹp khác của đồ vật.

5 nguyên tắc để Google đổi mới sáng tạo

Theo ông Lê Anh Tuấn, Google ưu tiên tuyển dụng những người có năng lực, cấp quyền cho họ để họ tự xây dựng các chiến lược, cuối cùng là trao quyền cho họ để thực hiện đổi mới sáng tạo.

Google có 5 nguyên tắc để duy trì đổi mới sáng tạo, đó là:

Thứ nhất là tập trung vào người dùng. Người sáng lập Google đã từng đặt ra tiêu chí trong việc mua lại các công ty startup hoặc lựa chọn dự án nội bộ để đầu tư. Google vốn có hàng trăm dự án, làm sao có thể biết dự án nào hoạt động tốt, dự án nào kém? Ngoài xã hội cũng có hàng triệu startup, làm sao để biết startup nào có thể tồn tại được và sinh lợi?

Tiêu chí lựa chọn của Google dựa trên một triết lý gọi là "bài kiểm tra chiếc bàn chải" - tức là nếu có sản phẩm nào mà người dùng có thể sử dụng từ 2 lần trở lên trong một ngày (giống như dùng bàn chải đánh răng) thì đó là sản phẩm thành công. Từ đó, Google đã tạo ra sản phẩm theo hướng tập trung và hỗ trợ người dùng.

Ngoài ra Google cũng có triết lý là "phá vỡ bức tường thứ tư". Bức tường thứ tư chính là khoảng cách giữa Google và người dùng. Phá vỡ bức tường tức là hành động để tiến đến gần người dùng hơn, hiểu người dùng hơn. Chẳng hạn khi người dùng tìm kiếm theo một cụm từ, khi chưa viết xong thì Google đã gợi ý cụm từ đầy đủ. Hoặc khi soạn thảo một email, Google sẽ gợi ý cho người dùng các từ và cụm từ để người dùng lựa chọn trong quá trình tạo ra một email hoàn chỉnh. Đây chính là cách Google phá vỡ bức tường thứ tư trong thiết kế phần mềm.

Thứ hai là các dự án có tầm nhìn xa (moonshot). Theo ông Lê Anh Tuấn, phần lớn điểm xuất phát của các công ty công nghệ lớn đều từ những nhà kho, garage hoặc văn phòng rất nhỏ, nhưng họ đều có một tầm nhìn xa (moonshot).

Tầm nhìn của Google là "tổng hợp toàn bộ thông tin trên toàn thế giới, làm cho nó hữu ích và dễ truy cập". Tầm nhìn của Microsoft là "mỗi người có một máy tính cá nhân"; còn tầm nhìn của Apple là "tăng trải nghiệm người dùng bằng cách cải tiến phần cứng và phần mềm của hãng". Tầm nhìn là yếu tố rất quan trọng trong đổi mới sáng tạo của mỗi công ty.

Google có một hệ sinh thái phần cứng và phần mềm rất đa dạng. Có thể nhiều người biết đến các dịch vụ phổ dụng của hãng như YouTube, Google Maps, Google Search, tuy nhiên Google còn có Waymo (xe tự lái hoàn toàn - level 4), DeepMind (AI đánh cờ vây), Calico (nghiên cứu khả năng kéo dài tuổi thọ - thuật trường sinh)...

Các dự án moonshot thường là những dự án được thực hiện mà chưa biết kết quả tương lai như thế nào, nhưng vẫn cần hướng đến để thực hiện đổi mới sáng tạo. Gmail là một dự án moonshot rất thành công của Google, với 3-4 tỉ tài khoản và 2 tỉ người dùng đều đặn hàng tháng.

google innovation.jpg
Không gian dành cho các nhà lập trình của Google tại San Francisco

Thứ ba là luôn luôn khởi động dự án và lặp lại liên tục. Để thực hiện được đổi mới sáng tạo thì phải thử sai rất nhiều lần. Việc thử sai ở đây có nghĩa là: nếu chúng ta lựa chọn ý tưởng đổi mới sáng tạo quá cẩn thận thì sẽ thử được rất ít. Mẫu thử ít thì khả năng thành công sẽ thấp. Nhưng nếu chúng ta thử nhiều ý tưởng hơn, thì lượng mẫu thử nhiều hơn và khả năng thành công sẽ lớn hơn.

Thứ tư là chia sẻ tất cả những gì có thể. Ông Lê Anh Tuấn cho biết đây là văn hóa mở ở Google - không ai có phòng làm việc riêng mà ngồi chung trong một không gian mở. Tất cả lịch làm việc, KPI của nhân viên cũng được chia sẻ công khai trong nội bộ. Việc này để cho mọi người thấy là họ không bị hạn chế, gò bó theo một quy chuẩn nào

Ở trụ sở của Google, các tầng đều có phòng phục vụ ăn uống. Theo ông Lê Anh Tuấn, lúc ăn uống là lúc nhân viên có thể thoải mái nhất, tự tin chia sẻ các ý tưởng với nhau. Đó chính là tạo ra môi trường cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Le Anh Tuan 2.jpg
Ông Lê Anh Tuấn chia sẻ các nguyên tắc về đổi mới sáng tạo của Google

Thứ năm là tìm kiếm sự đổi mới ở mọi nơi. Ở Google, cứ 5 ngày thì có 1 ngày nhân viên sẽ được thực hiện dự án của họ - những dự án mà chưa được chính thức chấp thuận hoặc xác nhận, ở Google gọi là dự án 20%. Khi dự án được chính thức chấp thuận thì sẽ trở thành dự án 120%. Google Drive và Gmail chính là những dịch vụ đi lên từ dự án 20%.

Ngoài ra, Google cũng tăng cường tìm kiếm các startup đổi mới sáng tạo để đầu tư qua quỹ Ventures hoặc mua lại. Google cũng thành lập Google X chuyên nghiên cứu các bí mật trong tương lai gần hoặc tương lai xa.

Larry Page - nhà sáng lập Google đã có một câu nói lưu hành trong nội bộ để khuyến khích nhân viên đổi mới sáng tạo, đó là: "With a healthy disregard for the impossible, people can do almost anything", với ý nghĩa là "giới hạn duy nhất chính là bạn".